Tỉnh Quảng Ninh đã có đề xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về một số thay đổi tại dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn.
Theo tờ trình 6075 của tỉnh Quảng Ninh, dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn sẽ được đổi tên thành dự án Khu phức hợp đô thị nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp Vân Đồn.
Bên cạnh đó, dự án cũng có nhiều thay đổi lớn so với đề xuất ban đầu: thêm đầu tư đô thị, bỏ sân golf, giảm quy mô sử dụng đất, tăng vốn đầu tư
Cụ thể: Vị trí thực hiện dự án vẫn giữ nguyên tại xã Vạn Yên, thuộc Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Nhưng trong tờ trình thẩm định dự án lần này, UBND tỉnh Quảng Ninh đề xuất giảm quy mô sử dụng đất từ 445,84ha xuống 390,61ha, giảm 55,23ha. Vốn đầu tư dự án được đề xuất tăng từ 46.595 tỷ đồng lên 50.365 tỷ đồng, tăng 3.770 tỷ đồng so với đề xuất ban đầu. Đáng chú ý, UBND tỉnh Quảng Ninh đề xuất bổ sung hạng mục đầu tư đô thị, bỏ hạng mục đầu tư sân golf.
Sau đề xuất của Quảng Ninh, Bộ KHĐT đã đề nghị các bộ, ngành cho ý kiến bằng văn bản với các nội dung về xây dựng nhà ở, phát triển đô thị; đầu tư kinh doanh trên đất ở không hình thành đơn vị ở; chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng; căn cứ thu hồi đất, thời hạn thực hiện dự án; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino; ưu đãi thuế; phương án huy động vốn dự án…
Được biết, đây không phải lần đầu tiên dự án này có đề xuất thay đổi. Trước đó, Bộ KHĐT đã thẩm định hồ sơ dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn, trình Thủ tướng tại Công văn 179 ngày 9/1/2020, trong đó có nội dung về chấp thuận đầu tư dự án đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án.
Tuy nhiên, đến ngày 3/3/2021, UBND tỉnh Quảng Ninh có đề xuất mới nên căn cứ pháp lý để thẩm định hồ sơ dự án có sự điều chỉnh, bổ sung. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đề xuất thực hiện dự án với mục tiêu kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch, casino và thí điểm cho người Việt Nam vào chơi casino. Xây dựng và kinh doanh sân golf, bất động sản, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và hoạt động của các cơ sở thể thao, giải trí.
Bên cạnh dự án này, trong những năm gần đây tỉnh Quảng Ninh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn với nguồn vốn khổng lồ xây dựng nhiều dự án lớn tại Vân Đồn.
Tính từ năm 2012 đến hết năm 2019, Quảng Ninh đã huy động, thu hút được gần 57.600 tỷ đồng (tương đương 2,62 tỷ USD) để cải thiện kết cấu hạ tầng và đầu tư các công trình động lực phực vụ phát triển Vân Đồn. Trong đó: Đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước là 17.300 tỷ đồng, chiếm 30% tổng vốn đầu tư (gồm: ngân sách Trung ương 2.050 tỷ đồng, chiếm 3,6%, ngân sách địa phương 15.250 tỷ đồng, chiếm 26,4% tổng vốn đầu tư); đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách là 40.300 tỷ đồng, chiếm 70% (chủ yếu bằng hình thức đầu tư PPP).
Việc đầu tư trên chủ yếu tập trung cho các công trình hạ tầng kỹ thuật động lực như: cảng hàng không quốc tế Vân Đồn quy mô cấp 4 E, đường cất hạ cánh dài 3,6 km, công suất 2,5 triệu lượt khách/năm, tổng vốn đầu tư 7.500 tỷ đồng, khánh thành vào ngày 30/12/2018; đến nay đã đón gần 2,2 vạn lượt khách; Cao tôc Hạ Long - Vân Đồn.
Nhiều nhà đầu tư chiến lược của Việt Nam đã có mặt và triển khai các dự án lớn tại Vân Đồn như: Dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp tại đảo Ngọc Vừng do Tập đoàn FLC đang đề xuất; Dự án Con đường Di sản Vân Đồn do CTCP Vân Đồn Heritage Road đề xuất; dự án Quy hoạch khu vực phía bắc đảo Cái Bầu do liên danh nhà đầu tư Tập đoàn Vision Transportion Group (VTG), CTCP đầu tư xây dựng Hải Đăng.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Ninh: Thủy sản tại Vân Đồn “điêu đứng” vì dịch
20:00, 24/09/2021
Sân bay Vân Đồn: Thí điểm đợt 4 đón khách có “Hộ chiếu vaccine”
15:17, 23/09/2021
Vân Đồn (Quảng Ninh) gia tăng sức hút đầu tư
23:12, 29/07/2021
Tín hiệu tích cực cho cảng biển Quảng Ninh
16:10, 12/10/2021
Quảng Ninh khơi thông du lịch nội địa
21:07, 11/10/2021
Quảng Ninh “ươm mầm” cải cách: 10 năm đi tìm phương thức, triết lý phát triển
04:40, 11/10/2021