Do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, lượng thuỷ sản của Vân Đồn tồn đọng lớn, giá thành giảm sâu, đứt gẫy chuỗi tiêu thụ khiến nhiều hộ nuôi trồng ở Vân Đồn điêu đứng.
Trước tác động của dịch COVID-19 chuỗi tiêu thụ thủy sản lớn nhất là xuất khẩu của huyện Vân Đồn - Quảng Ninh bị đứt gẫy cộng thêm ngành du lịch “đóng băng” nên các nhà hàng khách sạn dừng hoạt động nên các thuỷ sản không bán được. Trong khi thuỷ sản đến mùa thu hoạch làm cho các hộ dân điêu đứng, bởi không tiêu thụ mà vẫn phải trả tiền chi phí chăm nuôi. Hiện, Vân Đồn có gần 1.400 hộ dân nuôi trồng thủy sản trên biển, với sản lượng trung bình hàng năm đạt trên 340.000 tấn/năm. Nếu như những năm trước đây khi chưa có dịch bệnh COVID-19, sản lượng thủy sản nuôi trồng của Vân Đồn thậm chí còn thiếu nguồn hàng. Nhưng từ khi có dịch bệnh COVID-19 đến nay nguồn thủy sản của địa phương khó tiêu thụ và bị tồn đọng nhiều.
Theo thống kê gần đây của Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn: Địa phương cần được hỗ trợ tiêu thụ, bao gồm: Hàu sữa Thái Bình Dương 300.000 tấn; cá song gần 600 tấn; cá chim vây vàng 300 tấn. Hiện, trên toàn huyện Vân Đồn có khoảng 3.500ha nuôi trồng thuỷ hải sản, trong đó nuôi hàu chiếm 70-80%, với khoảng gần 1.400 hộ. Có khoảng 4.800 lồng cá cộng với ước khoảng 300.000 tấn hàu cần tiêu thụ.
Theo ông Hoàng Văn Dương ở khu 9, thị trấn Cái Rồng chia sẻ: gia đình ông có 120 ô lồng nuôi cá song biển. Hiện nay, còn tồn đọng hơn 150 tấn cá song. Mỗi con cá đạt 4kg - 7,5kg đã đến kỳ thu hoạch mà không thể bán được. Hiện ông đang gặp khó khăn do không tiêu thụ đươc. Mỗi ngày vẫn tốn đến vài chục triệu đồng để mua thức ăn chăn cá. Còn Long Văn Quảng ở HTX Thắng Lợi cho biết: Trước những khó khăn của nhiều hộ nuôi thủy sản huyện Vân Đồn đã tổ chức 2 cuộc họp, mời các doanh nghiệp và sở, ngành liên quan bàn các biện pháp hỗ trợ tiêu thụ thủy sản cho người dân. Một trong những biện pháp tối ưu được các đơn vị đề xuất trong bối cảnh hiện tại là hỗ trợ người dân tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong chính các cơ quan, doanh nghiệp của tỉnh Quảng Ninh. Bởi hiện tại nhu cầu tiêu thụ trong các bếp ăn tập thể là rất lớn, đặc biệt trong các khu công nghiệp, đơn vị ngành than.
Để nắm bắt tình hình có cách hỗ trợ hợp lý, ngày 7/9/2021, Sở Công Thương Quảng Ninh đã phối hợp với Sở NN&PTNT và Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn đi khảo sát thực tế một số hộ nuôi trồng thủy sản tại thị trấn Cái Rồng để đánh giá thực trạng và đưa ra phương án hỗ trợ tiêu thụ hải sản cho người dân.
Trước mắt, huyện Vân Đồn đã thiết lập đầu mối qua HTX Thắng Lợi kết nối với Công ty Hà Trang (Lạng Sơn) xuất khẩu cá song. Trung bình được 2 - 3 ngày/chuyến, từ 2,5 - 3 tấn/chuyến. Đồng thời cũng kết nối với chuỗi tiêu thụ nhỏ, linh hoạt chế biến sản phẩm mới như vận động chuỗi nhà hàng Hồng Hạnh (TP Hạ Long) phục vụ thực khách, vừa chế biến (cắt khúc, hút chân không) bán trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó từ trung tuần tháng 8 tới nay đã tiêu thụ được khoảng 8 - 10 tấn cá song. Đây cũng là gợi mở cho sản phẩm vốn đang khó tiêu thụ này. Tuy nhiên trên thực tế, các giải pháp tiêu thụ nội địa chỉ là tình thế hỗ trợ các hộ nuôi trồng. Về lâu dài, huyện đang đẩy nhanh cách làm bài bản, quan tâm quy hoạch, nâng chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm.
Ngoài sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương, nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản tại Vân Đồn đã chủ động tìm kiếm các đơn hàng trong chính các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, trung bình mỗi ngày, sản lượng hàu sữa Thái Bình Dương tiêu thụ đạt từ 120-150 tấn/ngày, ngao các loại 5-7 tấn/ngày, cá các loại 1 tấn/ngày.
Ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, chia sẻ: Huyện Vân Đồn xác định nuôi trồng thủy sản là ngành kinh tế chính để nâng cao đời sống vật chất cho người dân. Việc sản lượng thủy sản tiêu thụ khó khăn thời gian này là do yếu tố khách quan từ dịch bệnh. Thời gian qua, với sự vào cuộc của địa phương và sở, ngành liên quan một lượng lớn thủy sản nuôi trồng của người dân đã được tiêu thụ, giảm bớt gánh nặng phần nào cho người nuôi trồng. Tuy nhiên hiện nay, sản lượng hàu còn rất lớn, đề nghị các sở, ngành liên quan và UBND tỉnh hỗ trợ, kết nối với các đơn vị doanh nghiệp chế biến sâu, có khả năng tiêu thụ lớn nhằm không chỉ hỗ trợ trong thời điểm hiện tại mà còn cho cả thời gian sau này.
Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 173/KH-UBND về tổ chức các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến cuối năm 2021.
Dự báo từ nay đến cuối năm 2021, năng lực sản xuất sản phẩm thủy sản trên địa bàn tỉnh ước đạt khoảng trên 60,6 nghìn tấn các loại. Trong đó, cá các loại khoảng trên 34 nghìn tấn; tôm trên 5,6 nghìn tấn; nhuyễn thể trên 11,6 nghìn tấn; hải sản trên 9,2 nghìn tấn.
Xác định việc hỗ trợ tiêu thụ thủy sản cho người dân trên địa bàn Quảng Ninh từ nay đến cuối năm 2021 là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, UBND tỉnh yêu cầu Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, Ban Xây dựng Nông thôn mới, UBND các địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong tỉnh triển khai hướng dẫn thực hiện việc tiêu thụ sản phẩm thủy sản của tỉnh tới các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn.
Sở Công Thương thực hiện trao đổi thông tin và làm việc với sở Công Thương các tỉnh, thành phố lân cận để kết nối tiêu thụ sản phẩm thủy sản Quảng Ninh. Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương phối hợp với Chi cục Chất lượng thủy sản, các đơn vị có liên quan thực hiện tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, tuần bán hàng trực tuyến và các tổ chức hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm thủy sản trong và ngoài tỉnh trong điều kiện đảm bảo các yếu tố phòng, chống dịch bệnh…
Sở NN&PTNT thông tin các nội dung về hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm tới các đơn vị, cơ sở, hộ nuôi và chế biến thủy sản biết, chủ động nguồn cung ứng và đảm bảo chất lượng; chủ trì công tác chiêu thương, làm việc với các đơn vị, doanh nghiệp có đủ điều kiện và phối hợp với UBND các địa phương đẩy nhanh thủ tục đăng ký đối tượng nuôi chủ lực, lồng bè, cấp mã vùng nuôi, giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu…
Ban Xây dựng Nông thôn mới vận động, hướng dẫn doanh nghiệp, tuyên truyền về các chương trình xúc tiến thương mại, tuần tiêu thụ sản phẩm… hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thủy sản Quảng Ninh tới các đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, nhất là các đơn vị sản xuất, kinh doanh thủy sản đã tham gia Chương trình OCOP. Hy vọng, với các giải pháp đồng bộ, sự quan tâm của các sở ngành và tỉnh Quảng Ninh sẽ góp phần giải quyết được căn cơ những khó khăn trong nuôi thuỷ sản ở Vân Đồn cho người dân.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Ninh: Giải ngân vốn đầu tư công TP Cẩm Phả khi nào cán đích?
01:58, 23/09/2021
Quảng Ninh: Dùng “hóa đơn ma” hợp thức nguồn cát lậu
22:16, 22/09/2021
Quảng Ninh: Doanh nghiệp FDI đầu tư gần 900 triệu USD cho 2 dự án
00:58, 20/09/2021
Du lịch Quảng Ninh “qua màn ảnh nhỏ” cho thỏa nỗi nhớ nhung mùa COVID
09:30, 21/09/2021