Nghiên cứu - Trao đổi

Sửa 7 Luật lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân sách: Khơi nguồn lực cho phát triển

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn 17/05/2025 04:30

Với hàng loạt các chính sách mới được đề xuất, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 7 Luật lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân sách được kỳ vọng sẽ giúp khơi nguồn lực cho phát triển.

Theo đó, nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (Luật sửa đổi, bổ sung 7 Luật).

sua-7-luat-linh-vuc-dau-tu-tai-chinh-ngan-sach-16.5.1.jpg
Nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung 7 Luật lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân sách - Ảnh minh họa

Chia sẻ về Dự án Luật này, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, trước sự thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội, các văn bản pháp luật về đầu tư, tài chính, ngân sách đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nên cần được rà soát, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung. Qua rà soát, tổng kết, đánh giá Chính phủ đã xác định 7 Luật cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp để thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, tạo động lực góp phần thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…

Cụ thể, với Luật Đấu thầu để hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng, chuyển đổi số, Dự thảo Luật đã bổ sung thêm đối tượng ưu đãi trong đấu thầu, ưu tiên không phải đáp ứng về tư cách hợp lệ, hợp đồng tương tự, doanh thu…

Về Luật PPP cơ quan soạn thảo cũng đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới để đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo từ quy định về hình thức lựa chọn nhà đầu tư; phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu; cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi, bảo đảm của Nhà nước...

sua-7-luat-linh-vuc-dau-tu-tai-chinh-ngan-sach-16.5.2.jpg
Với nhiều chính sách mới được đề xuất, Dự thảo Luật được kỳ vọng sẽ khơi nguồn lực cho phát triển - Ảnh minh họa

Luật cũng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan về điều kiện áp dụng và chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp công nghiệp bán dẫn, doanh nghiệp công nghệ. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu,…

Ngoài những nội dung đã nêu, Dự án Luật cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định của Luật Đầu tư về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; Luật Đầu tư công về cắt giảm, đơn giản hóa trình tự, thủ tục, giảm bớt các trường hợp phải thực hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư; Luật Đấu thầu đề xuất những sửa đổi mang tính đột phá về hoạt động đấu thầu của doanh nghiệp Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm;…

Đánh giá cao các đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách mới tại Dự án Luật, đồng thời kỳ vọng, việc sửa đổi, bổ sung 7 Luật về lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân sách lần này, sẽ giúp khơi nguồn lực cho phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm nhấn tích cực, khả thi, không ít ý kiến cũng đề xuất cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đánh giá tác động của một số chính sách để đảm bảo tính khả thi.

Chẳng hạn như, liên quan đến phạm vi áp dụng của Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được điều chỉnh theo hướng chỉ áp dụng đối với dự án của doanh nghiệp Nhà nước có sử dụng trên 50% vốn ngân sách Nhà nước trong tổng mức đầu tư của dự án, cần đánh giá tác động của chính sách.

Hay như, các nội dung về chỉ định thầu, chuyển nhiệm vụ của “bên mời thầu” trong lựa chọn nhà thầu sang chủ đầu tư và tổ chuyên gia, ưu đãi trong đấu thầu, cho phép chủ đầu tư được lựa chọn hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, bổ sung “phương pháp đánh giá dựa trên kỹ thuật”, đấu thầu trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đơn vị sự nghiệp công lập... dù được cho sẽ giúp tăng tính tự chủ, tinh giản thủ tục, quy trình, nhưng còn thiếu tính minh bạch, dễ dẫn đến phát sinh tiêu cực trong đấu thầu…

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật tại phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dù cơ cơ bản nhất trí về sự cần thiết và phạm vi sửa đổi, bổ sung các Luật theo Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị Chính phủ báo cáo giải trình và bổ sung đánh giá tác động chính sách để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định.

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Chính phủ rà soát đảm bảo các quy định trình sửa đổi phải là những vấn đề thực sự cần thiết, cấp bách, có khả năng triển khai thực hiện ngay để giải quyết các khó khăn, ách tắc hiện nay, tạo ra đột phá, tháo gỡ các điểm nghẽn phục vụ phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo theo tinh thần của Nghị quyết 57-NQ/TW và thúc đẩy tăng trưởng đạt được mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, rà soát lại các cơ chế, chính sách để đảm bảo tính ổn định, lâu dài, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, không để xảy ra tình trạng sửa đổi nhưng lại xuất hiện những vướng mắc, bất cập mới, gây thất thoát lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước.

Được biết, theo Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, tại phiên họp hôm nay 17/5, Quốc hội sẽ nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa 7 Luật lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân sách: Khơi nguồn lực cho phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO