Nghiên cứu - Trao đổi

Sửa Luật Xử lý vi phạm hành chính: Cân nhắc việc nâng thời hiệu xử phạt vi phạm giao thông

Gia Nguyễn 15/05/2025 04:30

Tán thành sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính, thế nhưng, một số ý kiến đề xuất, cân nhắc việc nâng thời hiệu xử phạt vi phạm giao thông.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung nội dung của 64/143 Điều (trong đó, sửa đổi, bổ sung 26/143 Điều, sửa kỹ thuật 22/143 Điều (ngoài các điều sửa đổi, bổ sung), bãi bỏ 16 Điều) và bổ sung mới 01 Điều.

sua-luat-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-14.5.1.jpg
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung nội dung của 64/143 Điều - Ảnh minh họa: ITN

Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung một số nội dung: Sửa đổi, bổ sung các quy định bị tác động trực tiếp bởi việc sắp xếp, tổ chức bộ máy; Sửa đổi, bổ sung một số quy định để tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, cải tiến phương thức làm việc cùng với việc hoàn thiện tổ chức bộ máy; Sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc lớn, mang tính phổ quát.

Cụ thể, bổ sung quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của từng chức danh tại các điều từ 38 đến 51 của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện không còn phù hợp với sự thay đổi khi sắp xếp tổ chức bộ máy. Vì vậy, để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, khoản 4 Điều 1 Dự thảo Luật dự kiến bổ sung 01 điều (Điều 37a) về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và giao Chính phủ quy định chi tiết các chức danh có thẩm quyền xử phạt.

Bên cạnh đó, để phù hợp với những yêu cầu của tình hình mới trong bối cảnh thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, song song với việc bổ sung 01 điều quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, khoản 31 Điều 1 Dự thảo Luật dự kiến bãi bỏ 16 điều quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của từng chức danh tại Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành.

sua-luat-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-14.5.2.jpg
Góp ý Dự thảo luật, một số ý kiến đề xuất, cân nhắc việc nâng thời hiệu xử phạt vi phạm giao thông - Ảnh minh họa: ITN

Đặc biệt, Dự thảo Luật cũng đề xuất thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ là 03 năm (quy định hiện hành là 01 năm).

Theo cơ quan soạn thảo, việc này là để xử lý trước thực trạng tình hình vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ diễn ra còn phổ biến, các đối tượng vi phạm lợi dụng “kẽ hở” trong quy định về chu kỳ kiểm định và thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính để cố tình trốn tránh trách nhiệm. Việc mở rộng thời hiệu nhằm bảo đảm việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đồng thời cũng bảo đảm thống nhất với lĩnh vực quản lý Nhà nước khác.

Tán thành sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính, thế nhưng, một số ý kiến đề xuất, cân nhắc việc nâng thời hiệu xử phạt vi phạm giao thông.

Cụ thể, các ý kiến cho rằng, hiệu xử phạt vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ 1 năm là hợp lý, nâng lên 3 năm là quá dài.

Báo cáo thẩm tra Dự án Luật tại phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, liên quan đến nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội - Hoàng Thanh Tùng đề nghị không sửa đổi quy định này. Bởi, vi phạm hành chính cần được xử lý kịp thời để nhanh chóng lập lại trật tự quản lý hành chính bị xâm phạm, đồng thời răn đe và giáo dục người vi phạm cũng như cộng đồng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, việc tăng thời hiệu có thể dẫn đến tình trạng chậm trễ, thiếu trách nhiệm trong phát hiện, xử lý vi phạm hành chính. Trong điều kiện đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số thì việc xử lý vi phạm hành chính sẽ được thực hiện nhanh hơn nên việc đề xuất tăng thời hiệu xử phạt là không phù hợp.

“Theo quy định của pháp luật và thực tế hiện nay, trong trường hợp xảy ra vi phạm hành chính, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể xử phạt vì hiện nay biển số xe đã được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe.

Mặt khác, Luật hiện hành đã quy định nếu cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở nên đã có cơ sở để xử lý bất cập nêu tại tờ trình”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp chia sẻ.

Đồng thời thông tin, việc tăng thời hiệu xử phạt sẽ tác động rất lớn đến cá nhân, tổ chức, trong khi Dự thảo Luật được soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn, không lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động và chưa có đánh giá tác động cụ thể.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, tại văn bản góp ý, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đề nghị, cân nhắc lại việc điều chỉnh tăng thời hiệu, quy định cứng tại Dự thảo về thời hiệu áp dụng cho tất cả các lĩnh vực như quan điểm tiếp cận của Luật hiện hành. Trong trường hợp, có lý do thuyết phục để cho phép các luật chuyên ngành quy định về thời hiệu, cần đưa ra nguyên tắc để xác định thời hiệu nhằm kiểm soát tình trạng các luật chuyên ngành kéo dài thời hiệu và cũng thể hiện được vai trò của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Được biết, theo Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, tại phiên họp hôm nay 15/5, Quốc hội sẽ nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa Luật Xử lý vi phạm hành chính: Cân nhắc việc nâng thời hiệu xử phạt vi phạm giao thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO