Góp ý Dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sửa đổi, nhiều ý kiến nhấn mạnh, cần rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Thực tế, sau 15 năm triển khai thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã bộc lộ một số bất cập cần phải rà soát sửa đổi, bổ sung để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn. Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hiện hành nhằm tiếp tục quán triệt, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Đồng thời, giải quyết những vấn đề thực tiễn trong nước, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế, qua đó tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, loại bỏ các vướng mắc, rào cản; tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thiết lập các cơ chế khuyến khích, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật cũng nhằm kịp thời tận dụng, thu hút và huy động các nguồn lực quốc tế, hỗ trợ quá trình đầu tư vào tiết kiệm năng lượng, thúc đẩy chuyển đổi thị trường các sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy khẳng định, Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường tán thành với chính sách của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (quy định tại khoản 2 Điều 1); về chiến lược, quy hoạch, chương trình sử dụng năng lượng (khoản 3 Điều 1); biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ sở sản xuất, cung cấp năng lượng (khoản 6 Điều 1).
Qua nghiên cứu, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, hồ sơ Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Dự thảo) được chuẩn bị nghiêm túc, cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 tới đây.
“Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, đối chiếu, đánh giá từng nội dung trong 4 nhóm chính sách với các quy định của Dự thảo để bảo đảm đồng bộ; các nội dung sửa đổi đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế; đề nghị rà soát nội dung của Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gửi kèm hồ sơ Dự thảo để bảo đảm thống nhất với chính sách trong Dự thảo”, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị.
Đánh giá cao Dự thảo đã được chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng, song cũng quan tâm về tính đồng bộ chính sách pháp luật, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, một số nội dung còn trùng lặp giữa Dự thảo với Luật Bảo vệ môi trường như nội dung về giảm phát thải khí nhà kính, đối tượng của cơ sở năng lượng trọng điểm...
“Do đó, cần rà soát kỹ lưỡng hơn nữa để không trùng lặp mục tiêu giữa pháp luật về sử dụng năng lượng và pháp luật về bảo vệ môi trường, nhằm tránh cho doanh nghiệp phải thực hiện nhiều nghĩa vụ mà chỉ phục vụ cho một mục tiêu, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp”, Phó Tổng Thư ký VCCI kiến nghị.
Đồng quan điểm, nhiều ý kiến khẳng định, Dự thảo có ý nghĩa hết sức đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang nỗ lực cam kết với quốc tế về phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
Vì vậy, để đảm bảo Dự thảo đáp ứng yêu cầu về tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, phù hợp với thực tiễn, cần tiếp tục tập trung nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của Dự thảo với hệ thống pháp luật, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn với các luật đã ban hành trước như Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Bảo vệ môi trường, Luật Doanh nghiệp...