Nhiều ý kiến cho rằng, việc thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần được thiết kế kỹ lưỡng về nguồn vốn, chức năng và cơ chế vận hành.
Thực tế cho thấy, sau thời gian dài thực thi, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã bộc lộ những điểm hạn chế trước tốc độ chuyển dịch mạnh mẽ của thị trường quốc tế trong xu hướng phát triển bền vững. Trong khi đó, thế giới đang đẩy mạnh các công cụ chính sách như thuế carbon, Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM), nhãn xanh, hộ chiếu carbon… nhằm phân loại hàng hóa theo tiêu chuẩn phát thải. Do đó, việc sửa đổi Luật là hết sức cần thiết nhằm thiết lập hành lang pháp lý mới, thúc đẩy doanh nghiệp tiếp cận công nghệ tiết kiệm năng lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng với các quy định mới về phát thải toàn cầu.
Theo đó, Dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sửa đổi (Dự thảo) bám sát theo 4 chính sách sửa đổi, bổ sung đã được Chính phủ đồng ý và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bao gồm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; quản lý, phát triển đối với dịch vụ tư vấn năng lượng, kiểm toán năng lượng, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; quy định về chính sách ưu đãi, công cụ hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chuyển đổi thị trường và quản lý hiệu suất phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng.
Góp ý cụ thể vào Dự thảo, Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP HCM kiến nghị, xem xét sửa đổi khoản 2 Điều 37 và cho rằng, việc bổ sung “dán nhãn năng lượng đối với phương tiện” là cần thiết vì xu hướng chung của thế giới là sử dụng vật liệu xây dựng tiết kiệm, hiệu quả trong vấn đề phát thải năng lượng.
“Tuy nhiên, cần xác định phạm vi dán nhãn đối với dịch vụ xây dựng vì không thể dán nhãn đối với tất cả vật liệu xây dựng bởi điều này gây tốn kém cho các doanh nghiệp”, Luật sư Hòa góp ý.
Ngoài ra, Luật sư Trương Thị Hòa đề nghị, tại khoản 2 Điều 41 cần bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Góp ý về việc thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ông Trần Văn Khải, Ủy viên hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, việc quy định Quỹ theo hướng xã hội hóa, tự chủ tài chính, không sử dụng ngân sách và không tăng chi phí cho doanh nghiệp đang đặt ra nghịch lý về nguồn vốn.
“Nếu không sử dụng ngân sách và không thu thêm từ doanh nghiệp, Quỹ rất khó có vốn hoạt động bền vững. Nguy cơ Quỹ chỉ tồn tại hình thức hoặc trông chờ viện trợ, không đủ lực hỗ trợ các mục tiêu đề ra”, ông Khải nhận định.
Theo đại biểu này, bài học từ một số Quỹ môi trường, khoa học công nghệ cho thấy, khó thu hút vốn xã hội hóa nếu thiếu vốn mồi ban đầu. Thực tế, nhiều dự án đổi mới công nghệ tiết kiệm năng lượng đã không thể triển khai do không tiếp cận đủ vốn ưu đãi, vì Luật năm 2010 chưa có cơ chế quỹ hỗ trợ. Nếu quỹ mới thành lập mà không được cấp vốn hoặc xác định nguồn thu ổn định, các ưu đãi tài chính trong Luật sẽ khó đi vào cuộc sống, doanh nghiệp tiếp tục thiếu hỗ trợ vốn để chuyển đổi công nghệ xanh.
“Để Quỹ hoạt động thực chất, cần bổ sung nguồn vốn đầu tư ban đầu cho Quỹ và cho phép Nhà nước cấp vốn điều lệ khởi điểm hoặc trích một phần ngân sách, kết hợp huy động từ nguồn thu bán tín chỉ carbon hoặc các chương trình quốc tế để Quỹ có nguồn vốn ổn định. Bên cạnh đó, cần quy định chặt chẽ cơ chế vận hành Quỹ minh bạch, tránh trùng lặp nhiệm vụ với Quỹ Bảo vệ môi trường hay quỹ khác. Trong trường hợp khó bố trí vốn cho Quỹ mới, xem xét tích hợp nhiệm vụ hỗ trợ tài chính cho tiết kiệm năng lượng vào các quỹ hiện có hoặc chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm tận dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có thay vì lập quỹ mới nhưng thiếu nguồn lực”, ông Trần Văn Khải đề nghị.