CTCP Đầu tư Văn Phú- Invest (HoSE: VPI) lại phát hành thêm trái phiếu nhằm huy động vốn, trong khi nợ phải trả đã gần gấp đôi vốn chủ sở hữu. Điều này gia tăng áp lực nợ vay đối với VPI.
ĐHĐCĐ của VPI ngày 20/3 vừa qua không đề cập đến, nhưng trước đó HĐQT của doanh nghiệp này đã thông qua chủ trương phát hành tối đa 200 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, không chuyển đổi năm 2019 sau khi đã huy động thành công 395 tỷ đồng qua kênh này trong năm 2018.
Sở hữu nhiều quỹ đất
Tại ĐHĐCĐ vừa qua, ông Lâm Hoàng Đăng, Phó TGĐ VPI đã báo cáo kết qủa kinh doanh năm 2018 với sự sụt giảm đáng kể. Cụ thể, tổng doanh thu hợp nhất đạt 512 tỷ đồng, chỉ bằng 22% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế 435 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2017, nhưng chỉ hoàn thành 72% kế hoạch.
Có thể bạn quan tâm
10:46, 02/01/2019
11:57, 22/10/2018
11:01, 21/10/2018
07:18, 28/11/2017
11:01, 29/06/2018
Mặc dù kết quả kinh doanh 2018 không khả quan, nhưng VPI đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 2019 đạt 3.305 tỷ đồng, gấp 6,5 lần năm trước và lợi nhuận sau thuế 510 tỷ đồng, cổ tức dự kiến là 20%.
4.264 tỷ đồng là tổng số nợ phải trả của CTCPĐầu tư Văn Phú- Invest tính đến 31/12/2018, tăng hơn 150% so với năm 2017.
VPI được biết tới là một trong những doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn, có vị trí đẹp ở nội thành Hà Nội và TP.HCM. Tại Hà Nội, Dự án Terra Hào Nam đã bàn giao phần thấp tầng. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2018 của dự án này được ghi nhận lần lượt 230 tỷ đồng và 78 tỷ đồng. Dự án hỗn hợp An Hưng cũng ghi nhận doanh thu đột biến hơn 1.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 245 tỷ đồng. Dự án Grandeur Palace Giảng Võ (Hà Nội) là một trong các dự án trọng điểm của VPI được triển khai trong thời gian 2018 – 2020… Ngoài ra, VPI đã có thêm 3 quỹ đất mới tại Bắc Ninh, Nha Trang và Hải Phòng với tổng quỹ đất gần 95.000 m2 dự kiến triển khai từ 2018 – 2020.
Áp lực trả nợ lớn
Được biết, khi mới thành lập năm 2008, vốn điều lệ ban đầu của VPI chỉ là 45,8 tỷ đồng. Hơn 9 năm sau, con số này đã tăng 35 lần thông qua các đợt phát hành cổ phiếu, trái phiếu lên 1.600 tỷ đồng.
Ngoài kênh phát hành trái phiếu, thì vay vốn ngân hàng của VPI cũng là con số đáng lưu ý. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018, trong số hơn 2.220 tỷ đồng vay ngân hàng, thì có đến 1.750 tỷ đồng vay từ Indovina Bank, đó là chưa kể đến khoản vay hợp vốn hơn 72 tỷ đồng với Indovina Bank Thiên Long và Vietcombank.
Ngoài ra, Indovina Bank còn cho vay hàng trăm tỷ đồng đối với một số Cty con có mối khăng khít với VPI như An Quý Hưng, Đầu tư Xây dựng Bắc Ái...
Sở dĩ VPI phải tăng mạnh vốn vay và phát hành trái phiếu là do hàng tồn kho năm 2018 tăng hơn 87% so với năm 2017 lên mức hơn 2.135 tỷ đồng. Hơn nữa, VPI cũng cần vốn để triển khai các dự án dở dang và các dự án mới. Việc vay nợ nhiều, cộng với phát hành trái phiếu sẽ tạo áp lực trả nợ rất lớn đối với VPI, nhất là khi lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp luôn âm (năm 2018 âm hơn 680 tỷ đồng, sau khi âm hơn 413 tỷ đồng năm 2017).
Thách thức với VPI
Ông Nguyễn Hoàng Minh- Chuyên gia kiểm toán AVA cho rằng, không chỉ riêng VPI mà các doanh nghiệp BĐS khác cũng có nhu cầu vay nợ lớn, do thời gian hoàn vốn kéo dài. Việc nâng vốn cùng với phát hành trái phiếu để huy động vốn đồng nghĩa với việc sẽ tạo áp lực lên bộ máy và hoạt động của Cty, dẫn đến một số rủi ro nhất định. Đó là tăng vốn nhanh đòi hỏi phải có phương án sử dụng vốn hiệu quả. Đặc biệt, việc huy động vốn qua kênh trái phiếu đòi hỏi khả năng quản trị, năng lực quản lý, giám sát của VPI đối với quy mô vốn và quy mô hoạt động phải tăng lên tương ứng.
Bên cạnh đó, từ 01/01/2019, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng sẽ giảm về mức 40%. Điều này tác động lớn tới toàn thị trường BĐS khi mà dòng vốn vay để triển khai dự án bị giảm đáng kể.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã chính thức yêu cầu các tỉnh, thành phố từ 01/01/2018 tạm dừng việc sử dụng đất công thanh toán cho dự án BT cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định về nội dung này có hiệu lực thi hành. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp khi một lượng lớn quỹ đất của VPI được tích lũy từ các dự án BT.
Doanh nghiệp địa ốc đua nhau phát hành trái phiếu Trong năm 2018, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu tăng mạnh nhất, tiếp đến là nguồn tín dụng ngân hàng và vốn chủ sở hữu. Cụ thể, tổng giá trị phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp BĐS đến 31/12/2018 đạt 57.564 tỷ đồng, tăng 110,7% so với năm 2017. So với phát hành cổ phiếu và vay vốn ngân hàng, phát hành trái phiếu là lựa chọn dễ dàng hơn đối với các doanh nghiệp BĐS trong bối cảnh tín dụng ngân hàng bị siết dần. Đặc điểm của ngành BĐS cần nguồn vốn nhiều và đòi hỏi tính liên tục suốt quá trình triển khai, trong khi không phải lúc nào ngân hàng cũng đáp ứng toàn bộ vốn doanh nghiệp cần. Do đó, hầu như các doanh nghiệp nào có kế hoạch triển khai dự án lớn, đều có xu hướng huy động vốn từ trái phiếu. Đây là kênh huy động vốn mà doanh nghiệp phải mang tên tuổi, thương hiệu và uy tín ra đặt cược. Nếu chiếm được niềm tin của nhà đầu tư, thì xem như khả năng huy động vốn thành công khá cao. Theo các chuyên gia, muốn phát hành trái phiếu thành công, các doanh nghiệp niêm yết cần một số điều kiện, như chuyển đổi sang cổ phiếu (trái phiếu chuyển đổi), hoặc hoán đổi cổ phần một công ty thứ ba (trái phiếu hoán đổi), lãi suất thỏa thuận phải cao hơn so với ngân hàng. |