Quy hoạch, phát triển các KCN được coi là “thỏi nam châm” để hút các dòng vốn đầu tư, mang lại cho Thái Nguyên nhiều lợi thế, tạo cú huých trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Đó là chia sẻ của ông Lê Kim Phúc, Trưởng ban Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên với Diễn đàn doanh nghiệp. Theo ông Phúc, môi trường đầu tư minh bạch cùng những lợi thế so sánh về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, chi phí, nguồn nhân lực… là những yếu tố mang tính bứt phá để công tác thu hút đầu tư của tỉnh Thái Nguyên đạt được nhiều thành quả trong thời gian qua.
Những con số đầu tư biết nói
Thực tế cho thấy, những năm trở lại đây, môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã được cải thiện rất nhiều so với thời gian trước. Điều này được minh chứng thông qua Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được VCCI công bố hàng năm. Theo đó, trong vòng 3 năm, Chỉ số PCI của Thái Nguyên tăng liên tiếp, từ vị trí thứ 28 (2021) lên vị trí thứ 23 (2023). Trước đó, tỉnh có nhiều năm xếp thứ hạng cao trên Bảng xếp hạng PCI (từng giữ vị trí thứ 7/63 trong vòng 2 năm 2015-2016).
Ông Lê Kim Phúc cho rằng, sức hút đầu tư của Thái Nguyên còn được thể hiện qua những con số về dòng vốn FDI đang dịch chuyển dần mà Thái Nguyên đang là điểm đến của “làn sóng” dịch chuyển đầu tư này.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 06 Khu công nghiệp (KCN) đã thành lập, với tổng diện tích quy hoạch là 1.624,22ha; trong đó có 05 KCN đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 72%. Đáng chú ý, theo Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Thái Nguyên sẽ có 12 KCN với tổng diện tích 4.245ha, trong đó có 01 khu công nghệ thông tin tập trung. Ngay sau khi Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng phê duyệt, UBND Thái Nguyên đã khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện. Trong đó, tỉnh đã tổ chức lập quy hoạch xây dựng và hoàn thành phê duyệt quy hoạch xây dựng các KCN mới trên địa bàn; đồng thời chuẩn bị các điều kiện, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ cho khu công nghiệp như giao thông, cấp điện, cấp nước...
Nhiều ý kiến cho rằng, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN trong phương án phát triển hệ thống KCN sẽ đáp ứng nhu cầu về quỹ đất sạch của các nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên, khẳng định vai trò là trung tâm vùng, là một trong những cực tăng trưởng hạt quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.
Theo thống kê, lũy kế đến nay, đã có 313 dự án đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Trong đó, có 175 dự án FDI số vốn đăng ký 11,33 tỷ USD và 138 dự án DDI với số vốn đăng ký 22,365 nghìn tỷ đồng. Có nhiều dự án của các tập đoàn lớn, sử dụng công nghệ cao và thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đến đầu tư, tạo nên nguồn lực mới quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế công nghiệp của tỉnh trong những năm tiếp theo.
Các doanh nghiệp này có đóng góp lớn vào giá trị sản xuất của tỉnh với doanh thu hàng năm đạt trên 30 tỷ USD, xuất khẩu đạt trên 28 tỷ USD, tạo việc làm ổn định cho hơn 100.000 lao động. Hàn Quốc đang là quốc gia dẫn đầu tỉnh về đầu tư FDI, chiếm khoảng 80% tổng vốn FDI trong các KCN.
Nhiều ưu đãi lớn
Theo Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên – Lê Kim Phúc, trên cơ sở các quy định của pháp luật, các nhà đầu tư vào tỉnh sẽ được hưởng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để yên tâm “rót vốn”, lạc nghiệp. Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp khi có nhu cầu đầu tư, mở rộng sản xuất, thay đổi phương án sản xuất kinh doanh, điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Đối với Ban quản lý các KCN, Ban luôn thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, pháp luật Nhà nước về đầu tư trong các KCN, đồng thời luôn cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư ngay từ khi nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm hiều đầu tư và triển khai dự án đầu tư.
Cùng với đó, Ban tích cực, chủ động phối hợp với cơ quan công an, chính quyền địa phương đảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trong các KCN tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp. Xây dựng kế hoạch, định kỳ tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp nhằm chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư doanh nghiệp trong đó tập trung đẩy mạnh tiến độ bồi thường hỗ trợ GPMB.
Đặc biệt, nhà đầu tư khi đầu tư vào KCN sẽ được hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban quản lý, công tác môi trường, phòng cháy chữa cháy, tiếp cận vốn, tiếp cận nguồn nhân lực lao động…
Là doanh nghiệp sản xuất trong KCN Sông Công 1, ông Lê Hồng Thái, Giám đốc Nhà máy gạch ốp lát Việt Ý Sông Công (Viet Y Tile) đánh giá, môi trường đầu tư kinh doanh của Thái Nguyên nhiều năm qua đã được cải thiện tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Đối với Ban quản lý các KCN, các hoạt động thu hút, xúc tiến đầu tư luôn được Ban quan tâm, đẩy mạnh, phấn đấu thu hút các dự án chiến lược, quy mô lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường. Ban luôn hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh tại các KCN, cùng với các cấp chính quyền tỉnh tích cực đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; rà soát danh mục thủ tục hành chính đề xuất thay thế, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ thuộc phạm vi chức năng quản lý, cơ bản đã đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp.
“Sản phẩm VIET Y Tile hiện đã phân phối tại 63 tỉnh/thành và xuất khẩu đến một số nước châu Á. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị thời gian tới, các cấp chính quyền tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để doanh nghiệp có thêm cơ hội mở rộng cơ hội xuất khẩu, nâng tầm sản phẩm gạch Việt Nam ra thị trường thế giới”, ông Thái cho hay.
Ông Đoàn Như Hải, Giám đốc công ty TNHH KD Heat Technology Thái Nguyên (KCN Điềm Thụy) đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh tại tỉnh Thái Nguyên nói riêng và tại Việt Nam nói chung. Ông nhấn mạnh sự quan tâm giúp đỡ và hỗ trợ nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và các sở, ban, ngành chức năng trong tỉnh đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư theo đúng kế hoạch. Ông cho rằng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ hiệu quả, cùng các giải pháp đồng hành chia sẻ, tháo gỡ khó khăn của tỉnh với các nhà đầu tư, Thái Nguyên sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, thành công của các nhà đầu tư trong tương lai.
Tin tưởng rằng, trong những năm tiếp theo nữa, Thái Nguyên sẽ tiếp tục thành công trong việc thu hút dòng vốn ngoại, tạo sức bật cho sự phát triển kinh tế của tỉnh trong tương lai.