Xoay quanh việc tái khởi động dự án điện hạt nhân, không ít ý kiến cho rằng, dù phù hợp và rất cần thiết, tuy nhiên, để đạt hiệu quả, còn nhiều vấn đề cần được… giải quyết.
Theo đó, tại báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội về Dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Bộ Công Thương tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết triển khai dự án điện hạt nhân cũng như yêu cầu cấp bách phải trình Quốc hội xem xét thông qua tại 01 kỳ họp.
Lý giải cho vấn đề này, Bộ Công Thương cho hay, quy hoạch điện VIII xác định, đến năm 2030 tổng công suất nguồn điện của Việt Nam phải đạt khoảng 150.000MW. Đồng thời, phải chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu nguồn cung sang các nguồn điện sạch, ít phát thải để đạt mục tiêu Net Zero.
Như vậy, tính trung bình từ nay đến năm 2030, mỗi năm cần đưa trên 10.000MW nguồn điện mới vào vận hành, cùng hệ thống đường dây đấu nối, truyền tải điện... Vì vậy, cấp bách cần phải có cơ chế, chính sách thông thoáng, đồng bộ, đủ tầm mới thu hút đầu tư nguồn điện, đặc biệt là nguồn năng lượng mới.
“Dự án điện khí trung bình cần 7-8 năm, dự án điện hạt nhân còn đòi hỏi thời gian dài hơn nữa. Vì vậy, nếu Luật Điện lực (sửa đổi) chậm được thông qua, chúng ta không có cách nào bảo đảm an ninh năng lượng điện, chưa nói đến mục tiêu Net Zero”, Bộ Công Thương bày tỏ.
Thực tế, về vấn đề phát triển điện hạt nhân, trước đó, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính cho rằng, Chính phủ đã đề xuất cấp có thẩm quyền và được đồng ý về chủ trương tái khởi động điện hạt nhân…
Theo đó, việc thúc đẩy phát triển điện hạt nhân bên cạnh các nguồn năng lượng khác được cho là một trong những giải pháp cần thiết, phù hợp để đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh mới và hướng tới mục tiêu NetZero.
Về vấn đề này, dù xác định còn rất nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, không ít ý kiến bày tỏ sự trông chờ từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước và sự vào cuộc với quyết tâm cao của hệ thống chính trị.
Theo TS Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng Việt Nam, khi dự án điện hạt nhân bị dừng lại năm xưa, chắc chắn sẽ làm mất một phần những gì chúng ta đã làm. Thêm vào đó, trong bối cảnh các nước quay lại mạnh mẽ với điện hạt nhân thì việc sớm tái khởi động của Việt Nam sẽ tạo những thuận lợi trong hợp tác quốc tế, lựa chọn đối tác, chuẩn bị kỹ lưỡng cơ sở cho sự phát triển… sự chậm trễ có thể phải trả cái giá rất đắt.
Ông Thành cho hay, cũng như bao ngành khác, đội ngũ cán bộ là chìa khóa thành công cho chương trình điện hạt nhân. Dự án điện hạt nhân thực hiện lâu, nhiều năm, nhưng đào tạo con người để làm còn cần thời gian lâu dài hơn. Thế nên cần sớm có chủ trương để bắt đầu lại. Vì điện hạt nhân là cần thiết cho Việt Nam trong tương lai. Đó không chỉ là điện năng, mà là tiềm lực của một đất nước, đòn bẩy cho nền kinh tế.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thống kê có 19 vấn đề về cơ sở hạ tầng quốc gia cần thiết cho phát triển điện hạt nhân. Đó là các cam kết của quốc gia, an toàn, quản lý, đầu tư và thu xếp tài chính, luật pháp, thanh sát hạt nhân, pháp quy, bảo vệ bức xạ, lưới điện, nhân lực, địa điểm, bảo vệ môi trường, kế hoạch ứng phó, an ninh hạt nhân, chất thải phóng xạ, sự tham gia của công nghiệp trong nước…
Theo đó, ngoài việc kiện toàn hệ thống pháp lý thì tính an toàn, công nghệ, xử lý chất thải phóng xạ… là những khó khăn được đặt ra khi khởi động chương trình điện hạt nhân.
Đồng quan điểm, không ít ý kiến cũng cho rằng, có 03 vấn đề băn khoăn liên quan điện hạt nhân, đó là tính an toàn, xử lý chất thải và giá thành.
Về vấn đề này, PGS TS Vương Hữu Tấn - nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cũng nhấn mạnh, an toàn trong phát triển điện hạt nhân là mối quan tâm chung của toàn thế giới, không phải câu chuyện của Việt Nam.
“Khi nhắc đến điện hạt nhân, nhiều người ngay lập tức liên tưởng đến các tai nạn của 2 nhà máy điện hạt nhân tại Chernobyl (Ukraine) và Fukushima (Nhật Bản). Vấn đề là có được bài học và tìm ra nguyên nhân sau mỗi tai nạn để không tái diễn trong tương lai, bởi không có bất kỳ lĩnh vực nào có thể an toàn tuyệt đối cả. Để hạn chế các rủi ro thì công tác đào tạo cán bộ, nâng cao nhận thức về văn hóa an toàn trong các nhà máy điện hạt nhân và có cơ chế quản lý an toàn nghiêm ngặt là hết sức cần thiết”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Liên quan vấn đề này, không ít ý kiến cũng cho hay, chương trình phát triển điện hạt nhân của Việt Nam phục vụ mục đích hòa bình, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Do đó, Nhà nước cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để làm rõ hơn nếu Nhà nước độc quyền đầu tư, phát triển nguồn điện này. Bởi, các dự án hạt nhân cần nguồn lực lớn, tốn thời gian và chi phí để nghiên cứu, khảo sát ban đầu. Trường hợp tư nhân tham gia sẽ khó đáp ứng, chưa kể huy động vốn cũng là vấn đề với họ.