Doanh nghiệp

Thách thức nguồn vốn trong phát triển điện hạt nhân

Thy Hằng 18/02/2025 03:01

Chuyên gia cho rằng Việt Nam còn đối mặt với thách thức trong huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách.

Bộ Công Thương hiện đang xây dựng dự thảo Quy hoạch điện VIII sửa đổi với 3 điểm mới được giới chuyên gia, doanh nghiệp quan tâm là, thứ nhất, bổ sung tái phát triển điện hạt nhân. Thứ hai tăng mạnh nguồn điện mặt trời. Thứ ba lùi thời gian phát triển điện gió ngoài khơi sau giai đoạn 2030, thay vì đến 2030 như trước đây.

Ảnh màn hình 2025-02-17 lúc 21.38.11
Dự kiến dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ đưa vào vận hành trong giai đoạn 2030-2035, với quy mô đạt 6.000-6.400 MW.

Xem xét vị trí dự phòng

Đáng lưu ý, việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 nhận được sự quan tâm lớn. Dự án hiện đã được Thủ tướng giao EVN, PVN làm chủ đầu tư.

Các chuyên gia đánh giá, nhu cầu điện ở nước ta trong những năm tới là rất lớn để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm 2025 và từ 10% trở lên ở những năm tiếp theo. Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, tổng công suất toàn hệ thống đến năm 2030 dự kiến khoảng 230.000 MW, tức là gấp 3 lần công suất hiện nay.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã cam kết với quốc tế đạt trung hoà carbon vào năm 2050, cho nên phải phát triển mạnh các loại hình nguồn điện, nhất là năng lượng tái tạo, năng lượng mới để đáp ứng được nhu cầu điện năng tăng thêm và nhu cầu điện sạch phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Trong khi đó, điện hạt nhân là nguồn điện sạch, điện nền, công suất khả dụng cao, có khả năng cung cấp điện năng ổn định và giá thành hợp lý trong dài hạn, góp phần bảo đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng 2 con số về kinh tế trong kỷ nguyên mới. Vì vậy, Trung ương, Quốc hội và Chính phủ đã chỉ đạo tái khởi động Chương trình phát triển điện hạt nhân và các Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Dự kiến dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ đưa vào vận hành trong giai đoạn 2030-2035, với quy mô đạt 6.000-6.400 MW.

Đối với giai đoạn đến 2050, ông Nguyễn Đăng Dương, đại diện Viện Năng lượng, Bộ Công Thương nhận định, hệ thống cần bổ sung khoảng 4,5-5 GW điện hạt nhân tại miền Bắc và 0-3 GW tại miền Trung, chủ yếu là điện hạt nhân dạng modul quy mô nhỏ SMR, để cung cấp nguồn điện nền, có thể tăng thêm trong kịch bản phụ tải cao đặc biệt và một số kịch bản độ nhạy.

Song, để nguồn điện hạt nhân có thể cạnh tranh với các nguồn điện khác và vào vận hành trong giai đoạn 2031-2035, đại diện Viện Năng lượng lưu ý, trên cơ sở tối ưu về chi phí, suất đầu tư điện hạt nhân cần xem xét giảm xuống mức khoảng 4.000 USD/kW.

Hiện, Việt Nam đã xác định được 8 vị trí tiềm năng phát triển điện hạt nhân, với công suất mỗi vị trí khoảng 4-6 GW.

Theo ông Dương, trong kịch bản độ nhạy khi tìm được vị trí xây dựng điện hạt nhân tại vùng Bắc Bộ, thì mô hình tính toán lựa chọn phát triển thêm công suất điện hạt nhân tại vùng Bắc Bộ giai đoạn đến 2045 với quy mô khoảng 900 MW và tăng lên 4.800 MW giai đoạn đến năm 2050.

Do đó, đại diện Viện Năng lượng đề xuất, xem xét vị trí Hà Tĩnh hoặc vị trí mới tại Bắc Bộ, là vị trí được mô hình tính toán tối ưu lựa chọn, làm địa điểm dự phòng cho trường hợp không thể phát triển nguồn điện hạt nhân tại vị trí Ninh Thuận. Điều này nhằm cung cấp nguồn điện nền tại chỗ cho trung tâm phụ tải miền Bắc, góp phần giảm nhu cầu truyền tải liên vùng miền.

Viện này cũng đề xuất, sớm lập Quy hoạch phát triển điện hạt nhân theo Luật Quy hoạch và Luật Năng lượng Nguyên tử để chuẩn xác quy mô, xác định công nghệ, địa điểm, thời điểm, đặc biệt với công nghệ lò dạng modul quy mô nhỏ SMR.

Cho ý kiến về lộ trình phát triển điện hạt nhân, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng, không chỉ có dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, trong dài hạn, chúng ta cần tiếp tục xây dựng các nguồn điện hạt nhân khác để thực hiện lộ trình chuyển dịch năng lượng.

Phương án về phát triển điện hạt nhân cũng được các chuyên gia bàn thảo.
Việt Nam đã xác định được 8 vị trí tiềm năng phát triển điện hạt nhân, với công suất mỗi vị trí khoảng 4-6 GW.

Khó huy động vốn

Đáng lưu ý, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, Việt Nam còn đối mặt với thách thức trong huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách. Theo Viện Năng lượng, điện hạt nhân có một số hạn chế do chi phí đầu tư cao (khoảng 6.000 USD/kW) và bổ sung các yêu cầu về an toàn đối với rủi ro như sóng thần, khủng bố... đã làm vốn đầu tư của điện hạt nhân trở nên quá cao và rất khó giảm trong tương lai.

Theo kế hoạch được phê duyệt từ năm 2009, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm hai nhà máy Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 với tổng công suất 4.000MW. Dựa trên suất đầu tư ước tính, tổng vốn đầu tư có thể lên tới 22 tỷ USD, cao hơn nhiều so với dự tính ban đầu, vốn dao động trong khoảng 10,8-12,2 tỷ USD.

Ngoài các yếu tố trên, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng giá thành sản xuất điện hạt nhân sẽ phụ thuộc vào việc huy động, sử dụng vốn hiệu quả; triển khai đầu tư xây dựng đúng tiến độ (càng rút ngắn thời gian xây dựng càng giảm rủi ro về đội vốn); sau đó là việc tuân thủ các quy trình vận hành an toàn và kinh tế nhà máy với các tiêu chí nghiêm ngặt.

“Với dự báo giá cả nhiên liệu Urani cho lò hạt nhân sẽ không tăng đáng kể, dự báo giá thành sản xuất của điện hạt nhân không cao hơn giá thành sản xuất từ nguồn điện than và nguồn điện khí hóa lỏng nhập khẩu”, ông Tuấn nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thách thức nguồn vốn trong phát triển điện hạt nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO