Các đại biểu nêu ra một số vấn đề cần bổ sung trong cơ chế đặc thù cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Theo đó, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 174/2024/QH15, trong đó nêu rõ tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Theo kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo này đã thống nhất đưa dự án vào vận hành trong năm 2030, nhằm đảm bảo an ninh cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trình bày Tờ trình về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Theo đó, Chính phủ đề xuất cho phép Thủ tướng giao chủ đầu tư thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đồng thời, đề nghị được áp dụng hình thức chỉ định thầu hợp đồng chìa khóa trao tay, chọn nhà thầu có tên trong Hiệp định liên Chính phủ theo quy trình rút gọn ngay sau khi Quốc hội chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Việc chỉ định nhà thầu có thể áp dụng với các gói thầu tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án - như tư vấn đàm phán, quản lý hợp đồng, thẩm tra dự án đầu tư (FS), công nghệ. Về tài chính, Chính phủ muốn được phép đàm phán với chính phủ các đối tác thực hiện để có vốn theo nhu cầu, cam kết của nhà tài trợ nước ngoài; chủ đầu tư được vay, vay lại theo điều kiện ưu đãi...
Đa số đại biểu Quốc hội đồng tình với việc ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Song, ông Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM đánh giá, Dự thảo nghị quyết mới chỉ bàn nhiều đến cơ chế đặc thù để xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Trong khi đó, dự kiến đến 2030 sẽ xây dựng xong nhà máy mà nguồn nhân lực không bắt đầu được chuẩn bị ngay từ bây giờ thì sẽ rất khó khăn trong vận hành, hoạt động.
“Do đó, cần bổ sung vào Dự thảo nội dung chính sách đặc thù về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể tiếp quản, tiếp nhận, vận hành tốt nhà máy điện hạt nhân sau khi hoàn thành”, ông Quân đề nghị.
Cũng góp ý về cơ chế đặc thù cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, đại biểu Nguyễn Phi Thường, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết, Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% cho năm 2025. Điều này đồng nghĩa với việc để đạt được 1% tăng trưởng, hệ thống điện cần phát triển thêm 1,5% công suất. Theo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam sẽ cần khoảng 80.000 MW công suất điện vào năm 2025, và đến năm 2030, công suất điện cần phải tăng gấp đôi lên 150.000 MW.
Đặc biệt, với sự phát triển của các ngành công nghệ cao như sản xuất chip bán dẫn, yêu cầu về điện năng sẽ còn cao hơn các ngành công nghiệp truyền thống như hóa dầu hay sản xuất ô tô. Vì vậy, để đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước và đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số, việc phát triển điện hạt nhân là vô cùng quan trọng. Đặc biệt, các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận cần phải hoàn thành vào năm 2030.
Bày tỏ sự đồng tình với các cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nhưng ông Nguyễn Phi Thường cũng nhấn mạnh rằng, việc triển khai dự án điện hạt nhân đòi hỏi công nghệ rất cao. Việc chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực để khai thác, vận hành các nhà máy này trong tương lai là một thách thức lớn. Ông cho rằng, việc lựa chọn đối tác và công nghệ cho dự án này rất quan trọng, vì chi phí cho các công nghệ cao, hiện đại sẽ cao hơn rất nhiều.
“Do đó, trong giai đoạn hiện nay, cần trao quyền đầy đủ cho Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ trong việc đàm phán, thương thảo với các đối tác quốc tế. Hai doanh nghiệp dự kiến được giao làm chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cũng cần được trao thẩm quyền đầy đủ để có thể thương lượng về các vấn đề như kỹ thuật, công nghệ, chi phí và chuyển giao công nghệ với các đối tác quốc tế”, ông Thường đề xuất.