Nghiên cứu - Trao đổi

Phát triển điện hạt nhân: Quyết định nằm ở nguồn nhân lực

Gia Nguyễn 31/12/2024 04:30

Để hiện thực hóa giấc mơ điện hạt nhân, theo chuyên gia, việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề cấp bách, mang tính quyết định…

Theo đó, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội phê duyệt lần đầu vào năm 2009 với tổng công suất 4.000 MW, chia thành 2 nhà máy trên diện tích 1.642 ha. Tuy nhiên, đến năm 2016, Quốc hội ra nghị quyết tạm dừng dự án vì nhiều yếu tố khách quan.

phat-trien-dien-hat-nhan-30.12.1.jpg
Tại phiên bế mạc chiều 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung đồng ý tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận - Ảnh minh họa: ITN

Ngày 25/11/2024, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thống nhất chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam.

Tại phiên bế mạc chiều 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung đồng ý tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Trước đó, Luật Điện lực (sửa đổi) quy định một số chính sách phát triển điện hạt nhân cũng được Quốc hội thông qua, tạo cơ sở pháp lý cho việc hiện thực hoá chủ trương này.

Việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận nhận được sự ủng hộ của các chuyên gia, cũng như dư luận, mở ra cơ hội lớn phát triển nguồn năng lượng quốc gia, tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, vẫn còn đó không ít thách thức, đặc biệt là vấn đề nguồn nhân lực.

phat-trien-dien-hat-nhan-30.12.2.jpg
Theo chuyên gia, đội ngũ nhân lực sẽ là yếu tố quyết định trong việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng như các dự án năng lượng trọng điểm khác - Ảnh minh họa: ITN

Theo TS Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM), đội ngũ nhân lực sẽ là yếu tố quyết định trong việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng như các dự án năng lượng trọng điểm khác của Việt Nam trong tương lai.

Nhu cầu lớn, song ngành năng lượng nguyên tử tại Việt Nam đang đối mặt với khó khăn từ việc thu hút nhân tài đến nâng cao trình độ chuyên môn do đặc thù công nghệ phức tạp và yêu cầu cao khiến lĩnh vực này không hấp dẫn sinh viên trẻ. Hơn nữa, mức thu nhập chưa tương xứng làm giảm sức hút đối với những người mới vào nghề.

Việc khan hiếm nhân lực ngành nguyên tử hạt nhân đặt ra yêu cầu cấp thiết về đào tạo và tái đào tạo nguồn nhân lực, nhất là trong bối cảnh dự án Ninh Thuận được tái khởi động.

Vị chuyên gia này cho rằng, trước đây, Chính phủ đã triển khai chương trình đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực hạt nhân bằng cách đào tạo tại các trường đại học trong nước, hoặc gửi ra các nước tiên tiến.

Thời điểm đó, hàng trăm cán bộ, sinh viên được đào tạo chuyên ngành dài hạn ở Nga và tập huấn ngắn hạn ở Nhật Bản, Pháp, Hungary nhằm chuẩn bị một đội ngũ chuyên môn bước đầu đủ về số lượng cần thiết có thể tham gia vào quá trình xây dựng và vận hành nhà máy. Riêng Nhật Bản đã đào tạo cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) một đội ngũ cán bộ khung của nhà máy Ninh Thuận số 2 gồm 32 cán bộ. Nhiều người trong số đó được tiếp tục đào tạo để trở thành những cán bộ đủ năng lực tham gia trực tiếp phục vụ xây dựng và vận hành hai nhà máy đầu tiên ở Ninh Thuận (nếu dự án không dừng lại), hoặc thành chuyên gia giỏi về điện hạt nhân.

Không chỉ cần tính toán việc đào tạo nhân lực mà còn phải chuẩn bị cơ chế để thu hút nguồn nhân lực đã được đào tạo từ Liên bang Nga, Nhật Bản và các quốc gia khác quay lại làm việc trong lĩnh vực này. Cần thu hút các sinh viên giỏi vào học ngành hạt nhân (ví dụ có học bổng cho sinh viên học ngành hạt nhân).

“Khi chúng ta khởi động lại dự án cần tập hợp nhân lực đã được đào tạo để tiếp tục đào tạo lại và bổ sung, nâng cao; đào tạo tiếp các cán bộ, đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật viên giỏi, phân loại những đối tượng đào tạo dài hạn và ngắn hạn. Chúng ta cần Ban chỉ đạo của Nhà nước về dự án, có những nhà quản lý giỏi chuyên môn về điện hạt nhân để điều hành”, TS Trần Chí Thành cho hay.

Đồng thời, phải từng bước xây dựng được đội ngũ những người làm pháp quy hạt nhân giỏi về trình độ và có kinh nghiệm thực tế, những người này có thể gửi đi học, làm việc thực tế tại các nhà máy điện hạt nhân của các nước để hiểu biết sâu sắc về vấn đề an toàn, dự báo được những nguy cơ gì có thể xảy ra và từ đó xây dựng được quy định để luôn luôn đảm bảo an toàn khi các nhà máy điện hạt nhân vận hành.

Để có được đội ngũ chuyên gia hàng đầu về năng lượng nguyên tử, Việt Nam cần có một Chương trình nghiên cứu cấp quốc gia, tập trung vào các vấn đề của điện hạt nhân. Đồng thời xây dựng một Kế hoạch quốc gia đào tạo nguồn nhân lực ở các cấp độ khác nhau, toàn diện, đầy đủ và hiệu quả.

Đồng quan điểm, một số ý kiến cũng cho rằng, thách thức nhất trong phát triển điện hạt nhân hiện nay là nguồn nhân lực. Bởi, để có đội ngũ kỹ sư chủ động điều hành được nhà máy ở một số khâu thường phải mất 12-15 năm. Trong khi đó, giai đoạn 2010-2015, dù Việt Nam đã gửi hơn 400 sinh viên và một số kỹ sư ngành điện sang Liên bang Nga, Nhật Bản và một số nước khác học tập và thực tập để phục vụ cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tuy nhiên, kế hoạch đầu tư dự án đã bị dừng lại vào tháng 11/2016, hầu hết các nhân sự này đã chuyển sang làm việc cho các lĩnh vực khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phát triển điện hạt nhân: Quyết định nằm ở nguồn nhân lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO