Nghiên cứu - Trao đổi

Cần cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân

Gia Nguyễn 16/02/2025 04:00

Là một trong những yếu tố quan trọng khi tái khởi động, vận hành dự án điện hạt nhân, vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần có các cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút nhân lực.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và một số cơ quan về điện hạt nhân khác, nhu cầu nhân lực cho tổ chức vận hành một nhà máy điện hạt nhân với 2 tổ máy, công suất khoảng 2x1.000 MWe (2.000 MWe) cần khoảng 600 - 1.200 người có trình độ từ trung cấp đến đại học, thuộc các chuyên ngành khác nhau.

thu-hut-nhan-luc-cho-nha-may-dien-hat-nhan-15.2.2.jpg
Trong trường hợp tái triển khai cả 2 dự án nhà máy điện hạt nhân (Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, công suất 2x2.000 MW), nhu cầu nhân lực tương ứng sẽ là 2.400 người - Ảnh minh họa: ITN

Yêu cầu về thời gian đào tạo cũng như kinh nghiệm thực tiễn của một số vị trí quan trọng trong nhà máy điện hạt nhân có thể phải từ 5-10 năm.

Trong điều kiện Việt Nam, để đảm bảo tiếp nhận chuyển giao công nghệ, vận hành, duy tu, bảo dưỡng nhà máy an toàn, cần khoảng 1.200 người cho các vị trí như kiểm soát an toàn và bảo vệ bức xạ, quản lý dự án, quản lý và lãnh đạo nhà máy, vận hành khai thác, điều hành các lò, bảo trì và hỗ trợ kỹ thuật và các dịch vụ khác…

Như vậy, trong trường hợp tái triển khai cả 2 dự án nhà máy điện hạt nhân (Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, công suất 2x2.000 MW), nhu cầu nhân lực tương ứng sẽ là 2.400 người.

thu-hut-nhan-luc-cho-nha-may-dien-hat-nhan-15.2.1.jpg
Nhiều ý kiến cho rằng, cần có các cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút nhân lực phục vụ phát triển điện hạt nhân - Ảnh minh họa: ITN

Thực tế, để chuẩn bị cho xây dựng điện hạt nhân, Chính phủ đã có đề án là dự kiến sẽ đào tạo 2.400 lao động về lĩnh vực này và đã bố trí đến 3.000 tỷ đồng cho công tác đào tạo. Cũng trong giai đoạn trước, chúng ta cũng đã gửi đi đào tạo ở nước ngoài được gần 500 cán bộ, kỹ sư, nhân viên về lĩnh vực điện hạt nhân. Trong nước, chúng ta cũng có khoảng 500 nhà khoa học liên quan đến lĩnh vực điện hạt nhân, song đến nay có một số người trong số đó đã nghỉ hưu.

Nhìn nhận về thực tế đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành Năng lượng nguyên tử là nguồn nhân lực. Vì vậy, muốn thành công, cần giải được bài toán nguồn nhân lực, đặc biệt là các cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút.

Theo TS Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện hiện đang xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, trong đó đặc biệt tập trung vào nguồn cán bộ trẻ với quy trình đào tạo bài bản, tương đồng với các nước tiên tiến, có ngành năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân phát triển.

Cụ thể, cán bộ trẻ, sau khi được đào tạo trong nước sẽ được lựa chọn để cử đi làm việc tại các cơ sở nghiên cứu năng lượng nguyên tử, hạt nhân hàng đầu tại nước ngoài để tích lũy kinh nghiệm làm việc, tiếp xúc với những kiến thức, công nghệ mới nhất trong ngành, từ đó "thổi" vào họ ngọn lửa đam mê với ngành khó này.

Vị chuyên gia này cho rằng, ngoài việc thu hút cán bộ trẻ vào làm việc ngành Năng lượng nguyên tử với mức lương phù hợp, rất cần chính sách ưu đãi hấp dẫn, sự động viên, khích lệ của các chuyên gia đi trước.

“Với cách này, Việt Nam có khả năng đào tạo được những chuyên gia hàng đầu. Đây là một vấn đề rất lớn, bởi nếu không có những chuyên gia hàng đầu, khó có thể có một chương trình hạt nhân thành công. Bản thân tôi và những chuyên gia trong Viện luôn đau đáu cho câu chuyện này, bởi tôi biết đây là chìa khóa thành công của ngành”, vị chuyên gia này chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề này, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, tham gia thảo luận về Dự thảo Nghị quyết chủ trương, cơ chế đặc thù xây dựng điện hạt nhân Ninh Thuận, nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, cần có cơ chế đặc biệt thu hút nguồn nhân lực cho dự án điện hạt nhân.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng, Nhà nước cần phải có một cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân, không chỉ với những người đã được Nhà nước cử đi đào tạo mà cả người Việt Nam, thậm chí là các chuyên gia quốc tế đang công tác, hoạt động trong lĩnh vực điện hạt nhân ở các nước trên thế giới để về Việt Nam góp sức, trí tuệ cho dự án nhà máy điện hạt nhân...

Được biết, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và đưa vào vận hành nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, tại Tờ trình với Quốc hội, Chính phủ phủ nêu rõ, nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận là dự án đặc biệt quan trọng, có công nghệ phức tạp, chỉ một số ít quốc gia sở hữu; nhu cầu vốn đầu tư rất lớn và lần đầu tiên được đầu tư xây dựng tại nước ta nên rất cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thực hiện. Theo đó, một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận như cho phép triển khai đồng thời các công việc về đàm phán các hiệp định, thỏa thuận với đối tác song song với quá trình lập các hồ sơ và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư.

Thẩm tra Tờ trình, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã kiến nghị Chính phủ xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền về các cơ chế, chính sách liên quan theo quy định; chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khi được ban hành, đảm bảo đúng chủ trương, chính sách của Đảng; hoàn thiện, ban hành các cơ chế, chính sách liên quan, trong đó có việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử và các cơ chế, chính sách đặc thù khác (nếu có).

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO