Đặt trong mối liên hệ cùng kỳ các năm trước, tín dụng tháng đầu năm 2025 có những khác biệt và phản ánh xu hướng tích cực.
Đến cuối tháng 01/2025 tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đạt: 3.944,5 nghìn tỷ, tăng 0,04% so với cuối năm 2024 và tăng 12,43% so với cùng kỳ. Đặt trong mối liên hệ với cùng kỳ này các năm trước, tín dụng tháng đầu năm 2025 có những khác biệt và phản ánh xu hướng tích cực.
Thứ nhất, thông thường các tháng đầu năm, là tháng giáp Tết và trùng Tết cổ truyền âm lịch. Vì vậy tín dụng thường giảm, diễn biến này phù hợp với kế hoạch sản xuất kinh doanh Tết để mang lại tối ưu hóa trong sử dụng vốn do những ngày nghỉ Tết (doanh nghiệp chủ yếu vay ngắn hạn để sản xuất kinh doanh, phục vụ thương mại dịch vụ... phù hợp với kỳ hạn và thời điểm Tết). Theo đó, dư nợ cho vay ngắn hạn giảm 0,73% và cho vay trung dài hạn tăng 0,77% so với cuối năm 2024.
Như vậy tháng 01/2025, mặc dù tốc độ tăng trưởng thấp (chỉ tăng 0,04%) song tín dụng vẫn tăng. Đây là điểm khác biệt so với 2 năm trước đây, tín dụng tháng 01/2024 giảm 0,93%; tháng 1/2023 giảm 0,48% .
Thứ hai, tín dụng tăng trong tháng 01/2025, tháng đầu tiên của năm cùng với những yếu tố thuận lợi sau Tết (các hoạt động thương mại dịch vụ và du lịch tăng trưởng tốt, đơn hàng tăng…) sẽ là động lực để duy trì tốc độ tăng trưởng trong những tháng tiếp theo và đạt được mục tiêu định hướng, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo kế hoạch năm.
Thứ ba, các yếu tố thuộc cơ chế chính sách tiền tệ tín dụng: lãi suất, hạn mức tín dụng và các gói tín dụng cho các chương trình, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế (xuất khẩu; tiêu dùng và thị trường nhà ở xã hội….) tiếp tục là yếu tố thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng và cả đối với TCTD trong quá trình khai thác và sử dụng vốn.
Theo đó khối NHTMCP là khối có tỷ trọng tín dụng cao nhất trên địa bàn (chiếm 56,7% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn) có tốc độ tăng trưởng tín dụng trong tháng là: 0,11%; khối ngân hàng nước ngoài (tỷ trọng tín dụng: 9,5%) có tốc độ trưởng tín dụng trong tháng đạt: 1,36%. Đây là 02 khối duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng dương trong tháng 01/2025 trên địa bàn.
Cơ chế chính sách tiền tệ và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, sự hấp thụ vốn và tăng trưởng của nền kinh tế; cùng với các giải pháp và hành động cụ thể của ngành ngân hàng trong năm 2025, sẽ là yếu tố nền tảng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trên địa bàn theo định hướng đề ra của NHTW. Theo đó, trong thời gian tới ngành ngân hàng thành phố sẽ tập trung thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp gắn với giải ngân gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; lĩnh vực xuất khẩu và tiêu dùng để đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho doanh nghiệp hộ kinh doanh trên địa bàn tăng trưởng và phát triển.
Theo số liệu cập nhật chung toàn ngành từ Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 03/02/2025, tăng trưởng tín dụng đạt 0,19%, so với mức giảm 0,6% trong cùng kỳ năm 2024. Tín dụng tháng 1/2025 cao hơn so với mức giảm vào tháng 1/2024 phản ánh nhu cầu tín dụng phục hồi mạnh hơn so với cùng kỳ năm trước. NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2025 đạt 16%.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, vai trò của vốn tín dụng trong nền kinh tế tiếp tục giữ tác động hết sức quan trọng với quyết tâm tăng trưởng GDP cao trong năm 2025. Mặt khác, điều này cũng đặt trọng trách lên ngành Ngân hàng trong mục tiêu giải ngân nguồn vốn kịp thời, hiệu quả, đảm bảo được chất lượng tín dụng.
Ngành ngân hàng theo đó đã quyết tâm đẩy tín dụng ra nền kinh tế ngay từ những tháng đầu năm và đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn trong cả năm nay. Trong đó, đáng chú ý, nhiều ngân hàng đã và đang tăng tốc đẩy vốn cho vay ưu đãi, đặc biệt là vốn vay cho doanh nghiệp. Theo bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng giám đốc Agribank, ngay từ đầu năm 2025 đã triển khai 4 chương trình cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp, áp dụng từ 1/1/2025 đến 31/12/2025. Các chương trình này bao gồm: Cho vay doanh nghiệp lớn, xuất nhập khẩu, FDI, doanh nghiệp nhỏ và vừa với lãi suất giảm từ 1,2-1,8%/năm so với lãi suất thông thường, tùy vào đối tượng, thời hạn vay và các yếu tố khác. Đối với khách hàng cá nhân, Agribank cũng đang triển khai 5 chương trình cho vay, bao gồm: Chương trình vay tiêu dùng, vay phát triển sản phẩm OCOP, vay tín dụng xanh và một số chương trình khác với lãi suất ưu đãi.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc OCB cho biết, năm 2025, OCB tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ngân hàng bán lẻ, đây là chiến lược xuyên suốt của OCB trong các năm qua. Đồng thời, OCB hướng đến những ngành là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao và tiềm năng mở rộng như năng lượng, FMCG, logistic, bất động sản nhà ở và mở rộng tệp khách hàng FDI. Đặc biệt với nền tảng cho vay tín dụng xanh, theo số liệu thống kê đến 31/12/2024, tín dụng xanh tại OCB tăng 30% so với năm 2023, trong năm nay ngân hàng này cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động mở rộng mô hình Ngân hàng mở và đẩy mạnh tín dụng xanh.
Phát biểu tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT HDBank kiến nghị cơ quan quản lý tăng cường phương án hỗ trợ nhanh, kịp thời cho Đông Á Bank, để HDBank theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt, nhanh chóng khôi phục hoạt động và tăng cường nguồn tín dụng và dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp, người dân.
Đồng thời, kiến nghị NHNN tiếp tục giữ ổn định mặt bằng lãi suất tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Hỗ trợ lãi suất cho các chương trình đầu tư nhà ở xã hội, tín dụng cho người lao động phổ thông. Có cơ chế khuyến khích phát triển tín dụng số hoá, điều hành tỷ giá linh hoạt, ổn định nhằm thu hút đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu, khai thác các hiệp định EVFTA, CPTPP...Như vậy, cùng với thúc đẩy tín dụng, việc giữ mặt bằng lãi suất ổn định nhìn từ phía NHNN, và nỗ lực ứng dụng công nghệ, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay... từ phía các NHTM, sẽ có ý nghĩa lớn đối với việc tăng cường đẩy mạnh giải ngân, bơm vốn hiệu quả cho nền kinh tế. (L.Mỹ)