Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại nghiên cứu, tiếp tục có gói tín dụng cho người trẻ từ 35 tuổi trở xuống có thể mua nhà.
Tại hội nghị với các ngân hàng thương mại ngày 11/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các nhà băng nghiên cứu, tiếp tục có các gói tín dụng ưu đãi cho cả cung và cầu để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người trẻ từ 35 tuổi trở xuống và những đối tượng khó khăn.
Thực tế, ngành ngân hàng đang triển khai một số chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, tín dụng dành cho nhà ở xã hội có vai trò quan trọng. Vì vậy, cơ quan này đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp chặt với các địa phương để đánh giá chính xác nhu cầu, từ đó có chính sách phù hợp. "Ví dụ, có những người trẻ chỉ muốn thuê nhà thay vì mua, nên tín dụng cần được thiết kế linh hoạt để đáp ứng thực tế", bà Hồng nói.
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cũng có văn bản gửi Chính phủ đề xuất một số giải pháp để khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá vừa túi tiền có mức giá không quá 35 triệu đồng/m2 và căn hộ giá không quá 3 tỷ đồng.
Nhấn mạnh nội dung về khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá vừa túi tiền, theo HoREA, để phát triển nhà ở thương mại giá hợp lý, các cơ quan chức năng cần xem xét xây dựng cơ chế tín dụng ưu đãi cho người trẻ (từ 18-45 tuổi) mua căn nhà đầu tiên.
Cụ thể, đề xuất có mức lãi suất hợp lý (6-7%/năm), bảo đảm khoản vay bằng chính căn nhà đó trong thời gian 10-15 năm. Điều này sẽ giúp “cú huých” các doanh nghiệp tái cấu trúc các dự án bất động sản hiện hữu và đầu tư vào phân khúc nhà ở thương mại giá vừa túi tiền. Chương trình này kết hợp với “Chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030” sẽ tạo ra một thị trường bất động sản an toàn và bền vững.
Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn công bố mới đây, một cá nhân thuộc thế hệ 7x mất khoảng 31,3 năm thu nhập để mua được một căn chung cư 60m2, giá 0,6 tỷ đồng, trong điều kiện lãi suất huy động là 7,4%. Sau 10 năm, số năm thu nhập để một cá nhân thuộc thế hệ 8x mua được căn hộ như trên là 22,7 năm.
Giá căn hộ đã tăng lên 1,5 tỷ đồng trong khi lãi suất huy động giảm còn 6%. Đến năm 2024, một cá nhân 9x cần 25,8 năm thu nhập để mua căn hộ trên giá 3 tỷ đồng trong điều kiện lãi suất huy động là 4,5%. Tuy số năm thu nhập và lãi suất đã giảm dần theo thời gian nhưng nhìn chung, người trẻ thuộc các thế hệ vẫn cần nỗ lực trong thời gian dài mới có thể tự sở hữu nhà.
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, giá nhà tăng cao đã góp phần thúc đẩy xu hướng nhiều người trẻ lựa chọn cuộc sống đơn thân, không kết hôn, sinh con hay chọn lối sống “hai nguồn thu nhập, không con cái”. Hệ lụy của xu hướng này là thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ, giảm lực lượng và năng suất lao động, tạo gánh nặng an sinh xã hội. Nguyên nhân chính đến từ vấn đề tài chính.
“Chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho người mua căn nhà đầu tiên đã được nhiều nước thực hiện, nhưng chưa được quy định trong Luật Nhà ở nước ta. Gói tín dụng cho người trẻ mua nhà là một chính sách tốt, Chính phủ cần có những biện pháp để hỗ trợ người lao động an sinh” - đại diện VARS bày tỏ.