Việc giải ngân gói tín dụng dành cho nhà ở xã hội hiện vẫn gặp nhiều khó khăn với tỷ lệ giải ngân thấp và điều kiện vay chưa thực sự hấp dẫn người thu nhập thấp.
Trước bối cảnh đó, NHNN mới đây đã có Công văn số 55/NHNN-TD gửi 9 ngân hàng thương mại (Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, TPbank, Techcombank, VPBank, MBBank, HDBank) về việc triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ.
Hiện nay, quy mô gói tín dụng của chương trình này là 145 nghìn tỷ đồng, trong đó 4 ngân hàng thương mại nhà nước đăng ký tham gia 120 nghìn tỷ đồng (30 nghìn tỷ đồng/ngân hàng).
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đề xuất của một số ngân hàng thương mại về việc bổ sung hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại tham gia Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ (nhà ở xã hội) hoặc loại trừ dư nợ cho vay nhà ở xã hội khi tính hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Công văn của NHNN Việt Nam nêu rõ các ngân hàng thương mại không phải tính dư nợ cho vay các đối tượng thuộc Chương trình cho vay nhà ở xã hội mà các ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia với NHNN (hiện nay là 145.000 tỷ của 9 ngân hàng thương mại) để thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm của các ngân hàng thương mại đã được NHNN thông báo.
Thời gian thực hiện chính sách này tối đa đến năm 2030 và doanh số cho vay không vượt quá số tiền mà ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia chương trình. Trường hợp ngân hàng thương mại nào không có nhu cầu thực hiện chính sách này thì có văn bản gửi NHNN qua Vụ Tín dụng các ngành kinh tế trước ngày 15/01/2025 để theo dõi, tổng hợp.
Đồng thời, NHNN yêu cầu định kỳ hàng tháng, các ngân hàng thương mại tiếp tục báo cáo tình hình cho vay đối với khách hàng thuộc Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Công văn số 2308/NHNN-TD ngày 01/04/2023.
NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm túc các cam kết tham gia Chương trình về lãi suất ưu đãi, thời gian cho vay phù hợp với đối tượng và mục đích vay vốn; quan tâm, phối hợp với các dự án xây dựng đủ điều kiện cho vay để giải ngân kịp thời khi chủ đầu tư có nhu cầu vay vốn; tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà ở xã hội tiếp cận vốn vay.
Liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội, theo Bộ Xây dựng, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 644 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 580.109 căn. Trong đó, số lượng dự án hoàn thành là 96 dự án với quy mô 57.652 căn; số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 133 dự án với quy mô 110.217 căn; số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư: 415 dự án với quy mô 412.240 căn.
Về nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng (nay là 145.000 tỷ đồng) theo Nghị quyết 33/NĐ-CP của Chính phủ, đến nay mới có 36/63 UBND tỉnh có văn bản, công bố dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên Cổng thông tin điện tử. Trong đó, mới có 16 dự án đã được cho vay với tổng mức cam kết cấp tín dụng 4.200 tỷ đồng, dư nợ 1.727 tỉ đồng.
Sau hơn một năm triển khai, gói cho vay mua nhà ở xã hội có tỷ lệ giải ngân rất thấp vì mức lãi vay, điều kiện vay chưa thực sự ưu đãi với người thu nhập thấp ở đô thị, công nhân ở khu công nghiệp. Tính tới kết thúc quý 3 năm ngoái mới giải ngân được khoảng 150 tỷ đồng cho người mua tại 12 dự án.
TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng sử dụng tiền của các ngân hàng thương mại. Nguồn vốn này lại đến từ tiền gửi của khách hàng, do đó mức lãi suất ưu đãi không thể quá cao. Sức hấp dẫn của gói vay này trong mắt doanh nghiệp và người dân cũng vì vậy mà giảm xuống.
“Chúng ta cần có một nguồn vốn khác bền vững, lâu dài, sử dụng ngân sách Nhà nước là chủ đạo. Nguồn vốn đó sẽ được dồn cho Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam, thay vì các ngân hàng thương mại. Khi được triển khai, đây sẽ là cú hích lớn cho thị trường bất động sản", ông Lực khẳng định.
Trước đó, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã ban hành Quyết định 2690/QĐ-NHNN/2024 về mức lãi suất áp dụng trong năm 2025 đối với các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở của các ngân hàng thương mại. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025 và thay thế quyết định trước đó. Mức lãi suất này giảm 0,1%/năm so với mức 4,8%/năm trong năm 2024.
Nhằm đẩy mạnh hỗ trợ nguồn vốn đối với việc phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cũng đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, Bộ đã đề xuất gói vay ưu đãi 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, áp dụng trong 05 năm. Gói này nằm trong khoản ngân sách 500.000 tỷ đồng mà Bộ Xây dựng ước tính cần có để thực hiện Đề án Xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ trong giai đoạn 2021-2030.