Nếu trước đây, Vinamilk được xem là một “kẻ buôn tiền khôn khéo” trên thương trường, thì trong bài viết này, VBI sẽ cùng bạn nhìn nhận Vinamilk dưới một góc nhìn mới.
Trong số những thương vụ M&A nổi bật gần đây, không thể không kể đến thương vụ của VNM với GTN. Việc thu mua cổ phần của GTNFoods được đánh giá là một nước đi đầy chiến lược của VNM.
Có thể thấy một “nước đi” khôn khéo và đúng đắn khi thực hiện thương vụ M&A. Vậy cụ thể, Vinamilk khôn khéo như thế nào? Hãy nhìn vào những lý do có thể khiến Vinamilk đầu tư vào GTNFoods dưới đây!
Thứ nhất: nhặt nhạnh từng chút thị phần quý giá
Mặc dù Vinamilk là đơn vụ dẫn đầu với 55% thị phần sữa, việc thu mua, sáp nhập thương hiệu sẽ giúp củng cố vị thế của Vinamilk và tăng lợi thế cạnh tranh của thương hiệu trên thị trường. Trong khi đó Mộc Châu Milk vẫn đang trên đà phát triển và có chỗ nhất định trên thị trường miền Bắc.
PHS ước tính doanh thu năm 2019 và 2020 của Mộc Châu Milk tăng trưởng lần lượt 4% và 5%. Cụ thể, doanh thu của Mộc Châu Milk trong năm 2020 đạt khoảng 2.709 tỷ đồng, chiếm 2,1% thị phần thị trường sữa Việt Nam.
Đến năm 2020, Mộc Châu Milk đạt khoảng 85.000 tấn với mức tăng trưởng bình quân khoảng 7% trong giai đoạn 2015-2020. So với mức sản lượng tiêu thụ ước tính của cả nước khoảng 1 triệu tấn, Mộc Châu Milk có khả năng nâng thị phần lên 8,5% trong năm 2020.
Thứ hai: mở rộng đàn bò nhanh chóng
Về nguyên nhân ảnh hưởng đến quyết định mua 75% cổ phần GTNFoods của Vinamilk, cần nhìn vào các yếu tố sản xuất kinh doanh và tiềm năng GTNFoods có thể đem lại cho hoạt động sản xuất kinh doanh hiện tại của VNM:
Trong những năm gần đây, VNM liên tục ra mắt nhiều sản phẩm mới, mở rộng sản xuất. Điều này đòi hỏi Vinamilk phải liên tục thêm hệ thống sản xuất, đặc biệt là về hệ thống trang trại, chuồng trại. Minh chứng là trong những năm gần đây, Vinamilk liên tục khai trương trang trại bò sữa tại Tây Ninh, Lâm Đồng, … với nhiều loại trang trại khác nhau bao gồm cả trang trại Organic đầu tiên tại Việt Nam.
Trên góc độ này, thương vụ Vinamilk và GTNFoods đã giúp Vinamilk có thêm hệ thống sản xuất đầy tiềm năng từ Mộc Châu Milk.
GTNFoods hiện đang sở hữu khoảng 3.000 con bò sữa và thu mua từ khoảng 20.000 con bò sữa khác từ các hộ nông dân liên kết so với con số lần lượt là khoảng 30.000 và hơn 120.000 của VNM.
Thứ ba: xích gần thị trường Trung Quốc!
Trước dấu hiệu “chững” lại tại thị trường trong nước, Vinamilk thể hiện rõ mục tiêu mở rộng thị trường. Doanh thu mảng xuất khẩu của Vinamilk trong 9 tháng đầu năm 2019 đạt 3.524 tỷ đồng (tăng 8,2% so với cùng kỳ).
Đặc biệt, tháng 9/2019, Vinamilk đại diện cho ngành sữa Việt Nam tham gia “Chương trình ra mắt sản phẩm sữa Việt Nam tại Trung Quốc” vào tháng 9/2019. Sự kiện này giúp sữa chua của Vinamilk lên kệ siêu thị thông minh Hema tại Trung Quốc.
Tính đến nay, Vinamilk đã xuất hàng đến 53 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đồng thời, Vinamilk vừa ký kết thành hợp đồng xuất khẩu sữa 20 triệu USD với một đối tác tại Gulfood Dubai vào đầu năm nay và xuất khẩu thành công lô sữa đặc đầu tiên sang thị trường Trung Quốc.
Trên góc độ xuất khẩu, Mộc Châu Milk cũng mang lại nhiều tiềm năng cho Vinamilk trong việc mở rộng thị trường Trung Quốc.
Đầu tiên, theo nghị định do đại diện phía Việt Nam ký với Trung Quốc vào cuối 2019, Việt Nam có 5 doanh nghiệp sữa đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc bao gồm TH True Milk, Mộc Châu Milk, HanoiMilk, Nutifood và Vinamilk. Việc sở hữu 2/5 đơn vị có thể xuất khẩu sữa sang Trung Quốc sẽ giúp VNM tăng lợi thế cạnh tranh và tăng khả năng mở rộng thị trường.
Tiếp đó, với lợi thế về vị trí địa lý trang trại của Mộc Châu Milk (gần Trung Quốc) có thể giúp giảm thiểu chi phí, thời gian đóng gói, vận chuyển sản phẩm. Điều này sẽ đóng góp đáng kể vào khả năng xuất khẩu sữa của VNM trong thời gian tới khi doanh nghiệp này đẩy mạnh xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc.
Thứ tư: ẩn số Vinatea
Sau 2 năm dưới sự tiếp quản của GTN, năm 2017, Vinatea đã đạt được doanh thu cao gần gấp đôi so với thời điểm trước cổ phần hoá.
Tiến hành gom mua cổ phần GTN với số lượng lớn, VNM có lẽ không chỉ dừng lại ở mục tiêu thâu tóm đối thủ để giữ thị phần mà còn là phương án tạo đà tăng trưởng thông qua chiến lược “Phát triển sản phẩm”.
Cụ thể, việc nắm giữ Vinatea thông qua GTN sẽ tạo cơ hội để VNM thúc đẩy chiến lược phát triển sản phẩm để bán trên các thị trường quen thuộc.
“VNM có sự am hiểu về thị trường để có thể tạo giá trị cộng hưởng cho các sản phẩm của Vinatea thông qua hệ thống phân phối của công ty này. Theo đó, chiến lược này (chiến lược “Phát triển sản phẩm” – PV) sẽ ít rủi ro hơn so với phát triển mới một ngành nghề.
Hơn nữa, Vinatea đang nắm giữ một số thương hiệu chè quen thuộc với thị trường phía Bắc sẽ tạo lợi thế rút ngắn thời gian phát triển sản phẩm cho VNM” – chuyên gia Phan Lê Thành Long chia sẻ.