Thời gian qua, tỉnh Thái Bình đã triển khai nhiều giải pháp để xây dựng, nâng cao chất lượng lao động có tay nghề để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp.
>>>Thái Bình: Phát triển thị trường bất động sản để hút các dự án công nghệ cao
Nâng cao chất lượng lao động
Thái Bình là địa phương có tỷ lệ lao động qua đào tạo cao thuộc nhóm đầu của cả nước với khoảng 75,7%. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu phát triển nền kinh tế tri thức, tạo sức hút đầu tư và cung ứng nguồn lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đầu năm 2023 UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành đề án đẩy mạnh đào tạo lao động có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu lao động có tay nghề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ông Phí Ngọc Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Năm 2024, doanh nghiệp ở Thái Bình cần khoảng 12 nghìn lao động có tay nghề. Để tránh lãng phí và phát huy nguồn lực lao động phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tích cực triển khai phân luồng học sinh ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông để định hướng nghề nghiệp, tư vấn tuyển sinh đào tạo phù hợp với năng lực của học sinh và nhu cầu thị trường lao động.
Ngoài phát huy hệ thống cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh, Sở cũng kết nối với 9 trường cao đẳng nghề có uy tín ở khu vực phía Bắc tham gia đào tạo cho lao động Thái Bình với các ngành nghề mà doanh nghiệp đang cần tuyển dụng. Thái Bình phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ lao động có kỹ năng công nghệ thông tin đạt 40%, lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 25% trở lên; đến năm 2030, đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho 50% lực lượng lao động. Tỷ lệ lao động có kỹ năng công nghệ thông tin đạt 60%, lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 35 - 40% theo đề án phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đề ra.
Theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh: Những năm gần đây, Thái Bình thu hút được rất nhiều dự án có giá trị đầu tư lớn, công nghệ cao vào Khu kinh tế và các khu công nghiệp trên địa bàn. Trong 5 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã tạo việc làm cho 15.400 lao động, thực hiện chính sách trợ cấp thất nghiệp cho 3.521 trường hợp.
Theo ông Thành: Qua khảo sát nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2025, các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng khoảng 78 nghìn lao động (trong đó: cao đẳng 21 nghìn. Trình độ trung cấp 14 nghìn; sơ cấp trên 30 nghìn, và 13 nghìn lao động phổ thông). Chỉ trong năm 2024, nhu cầu này khoảng 12 nghìn lao động (trong đó: cao đẳng 3,2 nghìn; trung cấp 2,8 nghìn; sơ cấp 4 nghìn; 2 nghìn lao động phổ thông).
Dự báo đến năm 2030, nhu cầu sử dụng tăng lên hơn 82 nghìn lao động, trong đó cần 24 nghìn lao động trình độ cao đẳng; 18 nghìn lao động trình độ trung cấp, 19 nghìn lao động trình độ sơ cấp và gần 20 nghìn lao động phổ thông.
Riêng Khu công nghiệp Liên Hà Thái (thuộc Khu kinh tế Thái Bình) đang đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng để thu hút các doanh nghiệp vào hoạt động. Hiện nay đã có 25 dự án, với nhu cầu sử dụng khoảng 40 nghìn lao động.
Hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng
Ông Nguyễn Trần Phong - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Green i-Park, nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Liên Hà Thái cho biết: Theo khảo sát của công ty, chỉ tại 5 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động thì nhu cầu sử dụng lao động khoảng 27.000 người. Thời gian tới, 11 dự án còn lại hoàn thành đầu tư, đi vào hoạt động và khu công nghiệp tiếp tục thu hút thêm nhiều dự án mới nữa, nhu cầu về lao động của Liên Hà Thái có thể lên tới hàng trăm nghìn người.
Theo BQL các Khu công nghiệp tỉnh: Hiện tại, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang sử dụng trên 720.000 lao động. Theo khảo sát của ngành lao động - thương binh và xã hội, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp năm 2024 khoảng 12.000 người; đến năm 2025 dự báo cần trên 78.000 lao động và đến năm 2030 tăng lên trên 82.000 lao động. Song song với nhu cầu cao về số lượng lao động, các doanh nghiệp cũng đang cần lượng lớn lao động có trình độ, tay nghề cao.
Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội: Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh chủ động tuyển chọn được lực lượng lao động qua đào tạo phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, thời gian qua Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp, tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án đẩy mạnh đào tạo lao động có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và đề xuất thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đào tạo lao động vào làm việc trong Khu kinh tế Thái Bình.
Được biết, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình sẵn sàng phối hợp cùng các sở, ngành, huyện, thành phố và đơn vị liên quan đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong hoạt động kết nối, hợp tác cung ứng lao động theo nhu cầu của người sử dụng lao động.
Mới đây, tại Hội nghị hợp tác đào tạo, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình, Trường cao đẳng công nghệ cao Hà Nội và Công ty TNHH Lotes, Công ty TNHH Headway Apparel đã ký kết hợp đồng nguyên tắc, làm cơ sở để cùng nhau hợp tác đào tạo, gắn với nhu cầu sử dụng lao động.
Đây là buổi ký kết thứ hai trong năm nay được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện nhằm lan tỏa đến chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong toàn tỉnh về một chủ trương lớn của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng và năng suất lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Có thể bạn quan tâm