Buổi liên kết nhằm triển khai hoạt động kích cầu du lịch nội địa năm 2024 và tìm các giải pháp phục hồi các doanh nghiệp du lịch ảnh hưởng sau bão Yagi.
Theo đó, tỉnh Thái Nguyên tìm các giải pháp phục hồi du lịch sau ảnh hưởng của bão YAGI, giúp các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu về văn hóa, điểm đến, tiềm năng, cũng như thế mạnh các sản phẩm du lịch và tìm kiếm cơ hội đối tác đầu tư các doanh nghiệp tỉnh bạn.
Từ đó, Thái Nguyên đã triển khai buổi liên kết tại tỉnh Hải Dương và Hưng Yên nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước phát triển lĩnh vực du lịch; Tăng cường xúc tiến, hợp tác xây dựng sản phẩm, tuyên truyền quảng bá hình ảnh du lịch Thái Nguyên đến với du khách trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Ngọc Linh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên cho biết, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung xây dựng phát triển 04 dòng sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; Du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa Trà; Du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm. Với vai trò làm cầu nối giữa các doanh nghiệp du lịch, các khu, điểm du lịch, các công ty lữ hành du lịch và Hiệp hội du lịch của Thái Nguyên và các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên.
Bên cạnh đó, ông Linh cho rằng, việc thiết kế chương trình theo hướng giới thiệu trực tiếp các điểm đến du lịch. Qua đó được tiếp thu, lắng nghe ý kiến phát biểu trao đổi, chia sẻ, đóng góp, đề xuất giữa các công ty lữ hành với các khu, điểm, doanh nghiệp du lịch, đóng góp cho vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước của các địa phương để cùng nhau phối hợp liên kết xây dựng tuor, tuyến thu hút, trao đổi khách du lịch hiệu quả trong thời gian tới.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Xô - Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Hải Dương cho biết, chúng tôi rất tâm đắc và đánh giá cao chiến lược quảng bá giới thiệu các sản phẩm du lịch của Thái Nguyên. Thời gian tới Hiệp hội du lịch của Hải Dương sẽ có nhiều gắn kết, liên kết hợp tác với doanh nghiệp du lịch Hưng Yên và các doanh nghiệp du lịch Thái Nguyên.
Đồng quan điểm, ông Đoàn Văn Hoà - Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Hưng Yên chia sẻ, Hiệp hội là cánh tay nối dài của quản lý nhà nước, qua thông tin chia sẻ của phía tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi thấy rằng sự nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của các doanh nghiệp du lịch Thái Nguyên vượt qua nhiều khó khăn thử thách để phát triển. Chúng tôi đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước, hỗ trợ các doanh nghiệp, tăng cường quảng bá, triển khai các sản phẩm du lịch đặc trưng và liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh bạn.
Được biết, Hưng Yên và Hải Dương là hai tỉnh nằm trong vùng Đồng bằng Sông Hồng, có nhiều tài nguyên du lịch, văn hoá phong phú, đa dạng, đặc trưng và có nhiều nhiều lợi thế về giao thông liên kết, kết nối. Với những nét riêng về cảnh quan thiên nhiên, về bản sắc văn hoá và kết nối giao thông của mỗi tỉnh sẽ là sự bổ trợ, hỗ trợ nhau trong chuỗi liên kết phát triển du lịch, để giới thiệu, quảng bá điểm đến du lịch, sản phẩm du lịch đặc sắc và riêng có của mỗi tỉnh với nhau và với tỉnh Thái Nguyên.
Ông Phạm Văn Hiệu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên chia sẻ, thông qua hội nghị này 3 tỉnh sẽ đồng hành tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và kết nối các doanh nghiệp du lịch 3 tỉnh với nhau. Bên cạnh đó, 3 sở cơ quan quản lý nhà nước sẽ ngồi lại để đưa ra giải pháp tối ưu hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch phát triển tốt nhất.
Được biết, về văn hoá, du lịch, Thái Nguyên là vùng đất có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hội tụ nhiều di tích lịch sử văn hoá có giá trị để phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn du khách. Trên địa bàn tỉnh có trên 1.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 01 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt với 13 điểm di tích; 57 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 237 di tích xếp hạng cấp tỉnh; 23 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; gần 300 làng nghề, trên 230 sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao; có thành phần dân tộc phong phú, đa dạng gồm 51/54 dân tộc anh em.
Cùng với đó, Thái Nguyên còn là cái nôi cách mạng với những “địa chỉ đỏ” thu hút du khách về nguồn tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa, di chỉ khảo cổ, tiêu biểu như: Khu di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Định Hóa; Khu di tích lịch sử quốc gia địa điểm lưu niệm các TNXP Đại đội 915, đội 91 Bắc Thái; Khu di tích khảo cổ học Thần Sa, huyện Võ Nhai…
Thái Nguyên còn là điểm đến hấp dẫn về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng với những danh thắng nổi tiếng như Hồ Núi Cốc, hồ Ghềnh Chè, hang Phượng Hoàng - Suối Mỏ Gà, những dòng suối, thác nước, bãi đá đẹp hoang sơ trên sườn đông Tam Đảo, những đồi chè xanh ngát thơ mộng. Thái Nguyên là tỉnh có diện tích và sản lượng chè lớn nhất cả nước (với tổng diện tích 22,2 nghìn hecta và 267,5 nghìn tấn búp tươi/năm). Cây chè và sản phẩm trà gắn bó với đất và người Thái Nguyên từ lâu đời, được vinh danh là “Đệ nhất danh trà”.