Bạo lực và quyền lực đi đôi với nhau, vì vậy nước Mỹ không bao giờ tiêu diệt được chủ nghĩa khủng bố và lòng thù hận của người Hồi giáo.
>>Mỹ thắng hay thua sau 20 năm chống khủng bố?
Hơn 20 năm sau vụ khủng bố kinh hoàng nhằm vào nước Mỹ, mặc dù sứ mệnh tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden, cũng như nhân vật quan trọng thứ 2 của Al Qaeda là Ayman Al-Zawahiri đã kết thúc, nhưng lại mở ra thời kỳ đầy biến động với Trung Đông.
Chủ nghĩa khủng bố chưa hề bị tiêu diệt, nếu tổ chức Al Qaeda thời điểm đó chỉ là tổ chức thánh chiến Hồi giáo dòng sunni, lãnh đạo bởi vài thủ lĩnh thì nay thứ chủ nghĩa này phát triển lên nấc thang mới.
Tổ chức nhà nước tự xưng IS là điển hình, cách thức giải quyết mâu thuẫn man rợ hơn; Mỹ rút lui khỏi Afghanistan mở đường cho Taliban quay lại nắm quyền, mạng lưới khủng bố có cơ hội sinh sôi nẩy nở trên phạm vi rộng hơn.
Sau cuộc chiến chống khủng bố, Mỹ thu được gì? Trung Đông nhận kết quả ra sao? Dường như Washington đã thừa nhận thất bại sau khi tiêu hết khoảng 4.000 tỷ USD, còn nhiều quốc gia Trung Đông lâm cảnh huynh đệ tương tàn.
Một loạt các chính thể sụp đổ; xung đột tôn giáo, sắc tộc trầm trọng hơn; mâu thuẫn cơ bản trên cao nguyên Golan, dải Gaza vẫn còn đó; cuộc chiến Israel - Palestin chưa có hồi kết; sự phân hóa chính sách Đông - Tây và sự thù hận Mỹ trong lòng người Hồi giáo càng được khoét sâu.
Toàn bộ Trung Đông chững lại sau 2 thập kỷ phương Tây sử dụng vũ lực can thiệp. Nhiều quốc gia từng giàu có như Iraq, Iran bị chiến tranh tàn phá, dòng người tị nạn vượt Địa Trung Hải rời bỏ quê hương gây ra thảm họa di cư tồi tệ nhất kể từ sau thế chiến thứ hai.
Công cuộc tái thiết ở một số quốc gia như Afghanistan, Lybia, Syria,…hoàn toàn thất bại. Lý do cuối cùng là, những giá trị dân chủ phương Tây không phù hợp với các xã hội thần quyền gắn kết với thế quyền như một. Người Hồi giáo không thể tổ chức nhà nước của họ thoát ra khỏi tín ngưỡng, tôn giáo.
Một trong những cuộc chiến phi lý nhất ở Iran, bị quy kết phát triển vũ khí hạt nhân, sau cùng cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) không tìm thấy bất cứ bằng chứng nào. Nhưng tất cả đã muộn!
Dầu mỏ là tài nguyên giúp Trung Đông thịnh vượng nhưng rồi dầu mỏ cũng mang đến tai họa khôn lường. Bên cạnh cái mác chống khủng bố, sở dĩ nhiều đời Tổng thống Mỹ dùng vũ lực với vùng đất này là bởi: quyền lực Mỹ không thể tồn tại bên ngoài dầu mỏ và USD.
Mỹ sa lầy ở Trung Đông là cơ hội để một số cường quốc châu Á trỗi dậy, 2 thập kỷ nhìn lại Mỹ tá hỏa rời bỏ bãi chiến trường để quay lại châu Á - Thái Bình Dương với rất nhiều chiến lược hoành tráng và bài bản. Trong khi đó Trung Quốc bắt đầu thể hiện quyền lực ở Trung Đông với tư cách là nhà tái thiết.
Bộ ba quyền lực Mỹ gồm: USD, dầu mỏ và vũ khí gây thù oán khắp nơi. Chống khủng bố, củng cố quyền lực Mỹ không mang lại yên bình cho thế giới, đó là vòng tròn luẩn quẩn không lối thoát.
Có thể bạn quan tâm
Mỹ chính thức công bố giải mật tài liệu vụ khủng bố 11/9
13:55, 12/09/2021
Tài liệu mật về vụ khủng bố 11/9 sẽ được công bố?
13:04, 11/09/2021
Vụ khủng bố 11/9 đã làm thay đổi nước Mỹ như thế nào sau 20 năm?
07:28, 11/09/2021
Khủng bố ở Afghanistan: Ai ngáng đường Mỹ?
08:51, 27/08/2021
Lo ngại chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy tại Afghanistan
04:00, 19/08/2021