20 năm sau thảm họa khủng bố 11/9, nỗi đau vẫn còn đó và cuộc chiến chống khủng bố vẫn đang diễn ra nhưng đã thay đổi cách thức đối phó.
11/9/2001 là một dấu mốc không thể nào quên trong lịch sử nước Mỹ, khi gần 3.000 người thiệt mạng bởi một cuộc tấn công lớn nhất của thế lực khủng bố nước ngoài chống lại quốc gia lại hùng mạnh này.
Mỹ thay đổi chiến lược
Không chỉ người Mỹ, cả thế giới đều không thể quên giây phút chứng kiến 4 vụ tấn công khủng bố liên tiếp bằng máy bay: hai chiếc máy bay chở khách đâm thẳng và làm sập tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, một chiếc lao bên ngoài Lầu năm góc và chiếc còn lại bị rơi ở Pennsylvania trong nỗ lực tấn công Tòa Bạch ốc bất thành.
Tổng cộng có gần 3.000 người thiệt mạng và 6.000 người bị thương trong các vụ tấn công được thực hiện bởi những kẻ khủng bố Al-Qaeda được huấn luyện tại các căn cứ ở Afghanistan do Taliban kiểm soát.
Sự kinh hoàng và nỗi sợ hãi của sự kiện không chỉ giới hạn trong vài tháng, vài năm mà đã phủ một cái bóng đen lên cuộc sống của người Mỹ và kéo dài cho đến ngày nay.
Vụ tấn công 11/9 đã dẫn đến một loạt các thay đổi chính sách bao gồm các hạn chế về nhập cư, thành lập Bộ An ninh Nội địa và mở rộng danh sách “cấm bay” trên toàn nước Mỹ. Việc theo đuổi chiến lược chống khủng bố sai lầm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức mạnh và vị thế của quốc gia này.
Ngay lập tức, một liên minh chống khủng bố toàn cầu do Mỹ lãnh đạo đã hình thành, mở đầu cho cuộc chiến quy mô lớn và kéo dài đến tận ngày nay của cường quốc dẫn đầu thế giới. Tất cả chiến lược an ninh quốc gia, chiến lược đối ngoại của Mỹ trong giai đoạn này đều xoay quanh mục tiêu chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu và đập tan các nhóm khủng bố tìm cách tấn công nước Mỹ, lợi ích của Mỹ và đồng minh, cũng như những kẻ đã bao che cho chúng.
Câu nói nổi tiếng của cựu Tổng thống Bush trong việc phân định bạn, thù lúc đó là: Nếu các anh không đứng về phía chúng tôi chống lại bọn khủng bố thì các anh là kẻ thù của chúng tôi ("You are either with us, or against us").
Quân đội Mỹ cũng đã nhanh chóng phát động chiến dịch quân sự kéo dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Cuộc chiến ở Afghanistan có sự ủng hộ của người Mỹ và sự hậu thuẫn của các đồng minh NATO nhằm tiêu diệt al Qaeda, đè bẹp Taliban và tiêu diệt Osama bin Laden, kẻ chủ mưu vụ tấn công 11/9.
Sự ủng hộ của người Mỹ đối với cuộc chiến chống khủng bố kéo dài trong nhiều năm với nỗ lực nhằm vào nhiều tổ chức khủng bố và các chế độ bất hảo trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, điều này đã đánh đổi bằng việc hàng nghìn lính Mỹ đã thiệt mạng trong 2 thập kỷ đầu tiên, nhiều chiến binh trở về nhà với những vết thương về thể chất và tâm lý. Có thể thấy, bóng ma vụ 11/9 đã giữ chân quân đội Mỹ ở Afghanistan và các nơi khác trong gần 20 năm.
Tăng cường giám sát
Franceca Laguardia, Phó Giáo sư Nghiên cứu Tư pháp và Chuyên gia về các chiến lược của Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống khủng bố nhận định, cuộc tấn 11/9 đã nhấn mạnh khả năng thành công của các cuộc tấn công khủng bố và tác động của chúng đến mọi mặt của cuộc sống.
“Chính quyền Mỹ đã thay đổi rất nhiều trong chiến lược chống khủng bố, từ những thay đổi của các hoạt động giám sát an ninh tại sân bay và các địa điểm công cộng cho đến đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống công nghệ và cách thức huấn luyện chiến đấu của quân đội. Đó là một bước tiến lớn chưa từng có trước đây”, bà Laguardia đánh giá.
Theo CNN, vụ khủng bố 11/9 mãi mãi làm thay đổi cách di chuyển đường hàng không của người Mỹ. Trước đây, người Mỹ có thể tới sân bay khoảng 20 phút trước khi máy bay cất cánh và người thân có thể đi qua cổng kiểm tra an ninh để chia tay bạn. Tuy nhiên, sau khi Cơ quan Quản lý An ninh Vận tải (TSA) được Quốc hội phê chuẩn thành lập vào tháng 11/2001, đã tạo cho hành khách Mỹ các giao thức an ninh mới. Cần phải có vé và giấy tờ tùy thân có ảnh để đi qua khu vực chiếu quét. Máy tính xách tay và đồ điện tử phải được bỏ vào túi xách tay; giày phải được cởi ra; chất lỏng bị hạn chế trong các lọ 85 ml. Các máy chụp X-quang thông thường, vốn chỉ phát hiện các vật thể kim loại, đã được thay thế bằng máy quét toàn thân.
Các nhân viên TSA cũng được đào tạo về “phát hiện hành vi” để nhận ra các hành động được coi là đáng ngờ. Phía sau hậu trường, Trung tâm Sàng lọc Khủng bố mới của FBI đã lập một Danh sách theo dõi Khủng bố gồm hàng trăm nghìn cá nhân, trong đó có khoảng 6.000 tên, bao gồm 500 người Mỹ, được đưa vào danh sách “Cấm bay”.
Thay đổi trong cuộc sống và tư tưởng
Leslie Wilson, Giáo sư và Chuyên gia về Lịch sử Hoa Kỳ cho biết, “Người ta nói rằng đối với thế hệ Baby Boomers và Millennials, vụ tấn công 11/9 có sức ảnh hưởng tương đương với sự kiện Trân Châu Cảng. Trong tâm trí của họ, họ đã được sống trong một thời kỳ yên bình. Và ngày 11/9 đã thay đổi ý tưởng cho tất cả các thế hệ rằng chúng ta có thể thực sự được sống trong hòa bình.”
Vụ tấn công 11/9 cũng đã thay đổi mãi mãi mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với các quốc gia khối Ả Rập và Hồi giáo, cũng như định hình chúng trong hai thập kỷ qua. Theo Mina Al-Oraibi, Tổng biên tập của tờ National, sau ngày 11/9, chính sách của Hoa Kỳ đối với thế giới Ả Rập và Hồi giáo dựa trên nguyên tắc “có tội cho đến khi được chứng minh là vô tội”, mặc dù nhiều quốc gia trong khối đã phải hứng chịu nhiều hành động khủng bố hơn Hoa Kỳ.
“Từ việc cấp thị thực, cho đến cuộc tấn công vào người Mỹ theo đạo Hồi và những nghi ngờ không công bằng của Mỹ đối với cộng đồng người Hồi giáo đã làm gia tăng căng thẳng với nhóm người trên khắp thế giới, cũng như gây ra những tác động không nhỏ đến với cuộc sống của họ”, chuyên gia này phân tích.
Với việc rút lui khỏi Afghanistan, có vẻ như Washington đã rút ra được bài học từ những sai lầm trong hai thập kỷ qua. Cuối cùng, mối nguy hiểm của các nhóm cực đoan vẫn còn, nhưng nước Mỹ và thế giới đang dần thay đổi để đối phó tốt hơn với chủ nghĩa khủng bố.
Có thể bạn quan tâm