Doanh nhân

Thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa bứt phá: Cần chính sách đột phá, khả thi

Hạnh Lê 01/04/2025 05:00

Các nhóm giải pháp chính sách tại Chỉ thị số 10/CT-TTg là bước tiến quan trọng giải quyết những khó khăn, tồn tại nhiều năm của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trao đổi với DĐDN, TS Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ: những chỉ đạo, định hướng quan trọng của Đảng, Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân, trong đó chiếm đại đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển và bứt phá. Đây là thời điểm cần có giải pháp đột phá, cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, khả thi và hiệu quả cho khối doanh nghiệp chủ đạo của nền kinh tế.

ong-nam.png
TS Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

- Doanh nghiệp nhỏ và vừa (doanh nghiệp SME) đóng vai trò quan trọng trong phát triển và tăng trưởng tại nhiều nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam, thưa ông?

Cộng đồng doanh nghiệp SME cũng như 5,2 triệu hộ kinh doanh đang chiếm đại bộ phận trong khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam. Khu vực này đang vươn lên mạnh mẽ, đóng góp khoảng 50% GDP, 56% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tạo hơn 82% việc làm.

Dù kinh tế thế giới có nhiều biến động khó đoán định, tác động trực tiếp đến kinh tế Việt Nam nhưng nhiều doanh nghiệp SME đã bình tĩnh, chủ động nắm bắt các cơ hội kinh doanh mới; linh hoạt thích ứng, điều chỉnh chiến lược phát triển phù hợp với những thay đổi nhanh chóng của thị trường.

Cùng với thế giới, kinh tế Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới với mục tiêu tăng trưởng cao. Theo tính toán, với khả năng đóng góp tới 50% GDP như tôi vừa đề cập, nếu khu vực kinh tế tư nhân tăng trưởng bền vững ở mức 2 con số thì mục tiêu tăng trưởng chung của nền kinh tế trên 8% vào năm 2025 và 2 con số trong giai đoạn 2026-2030 chắc chắn thành công.

- Doanh nghiệp SME không chỉ đông về số lượng mà còn là khu vực kinh tế rất quan trọng. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp SME còn mờ nhạt, chưa công bằng với các loại hình doanh nghiệp khác để phát triển xứng tầm, thưa ông?

Những năm gần đây, Chính phủ đã tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, hỗ trợ doanh nghiệp SME phát triển, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo. Sự phát triển của công nghệ hiện đại tạo nền tảng quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước phải thay đổi, đẩy mạnh cải cách hành chính, bãi bỏ các thủ tục bất hợp lý, chồng chéo.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tuy khởi sắc nhưng tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức
Dù chịu nhiều biến động khó đoán định, các doanh nghiệp SME đã bình tĩnh, linh hoạt thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của thị trường.

Dù vậy, những nỗ lực trên vẫn chưa giải quyết được triệt để, kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thể chế, pháp luật để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp SME. Việc phân cấp, phân quyền, cắt giảm quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh chưa triệt để nên hiện nay vẫn tồn tại khoảng 16.000 giấy phép con.

Về thể chế pháp luật, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (năm 2017) đã quy định: doanh nghiệp SME được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường nhưng đến nay chưa có chính sách cụ thể nào triển khai quy định. Doanh nghiệp SME cũng khó khăn trong tiếp cận đất đai, tín dụng ưu đãi từ ngân hàng và các kênh huy động vốn… Điều này đã làm hạn chế khả năng mở rộng sản xuất, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Nhìn vào các số liệu thống kê chúng ta thấy, doanh nghiệp SME tham gia thị trường đang có xu hướng giảm; tinh thần khởi nghiệp, kinh doanh cũng thiếu tích cực.

Trong 2 tháng đầu năm, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp gia nhập thị trường. Có 67 nghìn doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Trước dịch COVID-19, tỷ lệ doanh nghiệp tham gia thị trường trên doanh nghiệp rời bỏ thị trường là 1,5 thì hiện nay tỷ lệ này đã giảm xuống còn 1,2.

- Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông kỳ vọng gì vào sự phát triển trong thời gian tới của các doanh nghiệp SME, nhất là mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có thêm ít nhất 1 triệu doanh nghiệp?

Những chủ trương, định hướng lớn được thể hiện tại Chỉ thị số 10 cơ bản đã đáp ứng được mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp SME. Các nhóm giải pháp chính sách cụ thể gắn liền với trách nhiệm, thời gian thực thi được chỉ đạo trong Chỉ thị là bước tiến quan trọng trong giải quyết những vấn đề đã tồn tại nhiều năm của các doanh nghiệp SME Việt Nam. Về mặt lý thuyết, Chỉ thị số 10 góp phần thay đổi tư duy, khơi thông nguồn lực thúc đẩy doanh nghiệp SME tăng trưởng, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, thành công của Chỉ thị số 10 phụ thuộc rất nhiều vào quá trình triển khai. Nếu được thực hiện nghiêm túc, Chỉ thị mang lại lợi ích to lớn cho các doanh nghiệp SME và nền kinh tế. Trong đó, 3 vấn đề quan trọng cần được đảm bảo khi thực hiện Chỉ thị.

Mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp là giảm lãi suất cho vay nhằm giảm bớt áp lực về chi phí đầu vào
Mong muốn của doanh nghiệp SME được tiếp cận các kênh huy động vốn với chi phí hợp lý; đơn giản quy trình, hồ sơ hỗ trợ ưu đãi thuế

Thứ nhất, đảm bảo nguồn lực và nhân lực. Chính phủ và các bộ ngành ưu tiên bố trí nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp SME, bao gồm cả doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nâng cao năng lực cạnh tranh, nắm bắt cơ hội tham gia chuỗi giá trị cũng như thích ứng nhanh với xu thế phát triển chung của toàn cầu như chuyển đổi kép, ứng dụng khoa học công nghệ…

Bên cạnh đó, mở rộng kênh huy động vốn ngoài ngân hàng và tổ chức tín dụng với chi phí hợp lý; tiếp tục cải cách hành chính, cắt giảm thời gian và chi phí tuân thủ; đơn giản quy trình, hồ sơ hỗ trợ ưu đãi, nhất là ưu đãi thuế, hoàn thuế VAT, tăng cường hậu kiểm để đảm bảo dòng tiền, hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.

Cùng với nguồn lực tài chính là nguồn vốn con người, nhất là nhân lực chất lượng, có kỹ năng nghề hiện đang thiếu ở các doanh nghiệp SME.

Thứ hai, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan: các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và hiệp hội nhằm đảm bảo việc thực thi các giải pháp được đồng bộ, thông suốt, kịp thời, linh hoạt phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp SME cũng như là tốc độ kinh doanh diễn ra rất nhanh hiện nay.

Thứ ba, cơ chế giám sát. Từ nay đến năm 2030 thời gian không còn nhiều trong khi mục tiêu phấn đấu có thêm ít nhất 1 triệu doanh nghiệp là khá thách thức, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ giao chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp SME cho các địa phương. Đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể bằng văn bản cho Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực hiện mục tiêu này, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa bứt phá: Cần chính sách đột phá, khả thi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO