Nghiên cứu - Trao đổi

Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Yến Nhung 28/03/2025 04:30

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa duy trì hoạt động và phát triển bền vững.

Mới đây, tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 25/3/2025 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện quyết liệt mục tiêu phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhanh, bền vững, tăng trưởng về số lượng, chất lượng, quy mô, hiệu quả hoạt động và đóng góp quan trọng vào nền kinh tế. Phấn đấu từ nay đến năm 2030 có thêm ít nhất 1 triệu doanh nghiệp.

Năm 2024, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, ngành Dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng ấn tượng - Ảnh: ITN
Thủ tướng yêu cầu ưu tiên nguồn lực, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu từ nay đến năm 2030 có thêm ít nhất 1 triệu doanh nghiệp - Ảnh: ITN

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của tình hình kinh tế trong nước và quốc tế. Cụ thể, lãi suất ngân hàng tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao so với khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc tiếp cận tín dụng còn nhiều rào cản, đặc biệt là yêu cầu về tài sản thế chấp và hồ sơ tài chính minh bạch. Đồng thời, chi phí đầu vào như nguyên vật liệu, nhân công, vận chuyển đều tăng, khiến biên lợi nhuận của doanh nghiệp ngày càng thu hẹp…

Trước tình hình này, nhiều ý kiến đề nghị, cần có ưu đãi thuế rõ ràng hơn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính sách ưu đãi thuế sẽ tạo động lực để nhóm doanh nghiệp này duy trì hoạt động và phát triển lâu dài. Khi việc tiếp cận vốn ngân hàng vẫn còn khó khăn, việc giảm thuế sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực duy trì hoạt động. Điều này không chỉ giúp ổn định nền kinh tế mà còn góp phần bảo đảm việc làm cho người lao động, duy trì nguồn thu ngân sách từ các hoạt động kinh doanh khác của doanh nghiệp.

Quan tâm đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) cho biết, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đang chờ Quốc hội thông qua sẽ áp dụng thuế suất 15 - 17% cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo động lực mới cho khu vực này.

Tuy nhiên, theo luật sư Nghĩa, không nên hạn chế quy định về ngưỡng doanh thu ở mức quá thấp vì như thế số lượng doanh nghiệp được hưởng thuế suất 15% chỉ rất ít. Thay vào đó có thể áp dụng mức doanh thu đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được áp dụng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 15% tăng cao hơn và chia theo ngành nghề. Cụ thể, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; công nghiệp và xây dựng có tổng doanh thu của năm không quá 50 tỉ đồng. Riêng doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại có tổng doanh thu của năm không quá 100 tỉ đồng. Tương tự, để được áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp 17% tương ứng doanh thu không quá 200 tỉ đồng và 300 tỉ đồng.

“Đồng thời, Ban soạn thảo nên xem xét áp dụng chung thuế suất ưu đãi tối thiểu là 15% và tăng thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi với ngành có điều kiện ưu đãi nhiều hơn, phù hợp thuế suất toàn cầu, đảm bảo công bằng giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài”, Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa đề nghị.

Việt Nam cần có những cơ chế chính sách, định hướng và giải pháp phát triển ngành chế tạo thiết bị phục vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo và điện khí - Ảnh: ITN
Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa duy trì hoạt động và phát triển bền vững - Ảnh: ITN

Hiện các doanh nghiệp chịu mức thuế suất thu nhập là 20%, trừ trường hợp nhóm được hưởng ưu đãi, cũng góp ý về Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), đại biểu Tô Ái Vang, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng đề nghị, cơ quan soạn thảo cân nhắc giảm thêm 2% thuế thu nhập doanh nghiệp về 18%, áp dụng với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo đại biểu Tô Ái Vang, hiện các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp cả nước. Trước tác động khó lường lên nền kinh tế khu vực, thế giới, cùng nhiều khó khăn nội tại, việc giảm 2% thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ có ý nghĩa lớn giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa ổn định, phát triển bền vững, lâu dài.

Bên cạnh đó, với quy định tại điểm c khoản 6 Điều 13 về ưu đãi thuế suất cho doanh nghiệp đầu tư sử dụng thường xuyên trên 6.000 lao động, đại biểu Vang cho rằng, quy định hiện tại về số lượng lao động tối thiểu để được hưởng ưu đãi thuế suất là quá cao, gây khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư vào các địa phương có tỷ trọng đầu tư thấp. Do đó, đại biểu kiến nghị, cơ quan soạn thảo xem xét giảm số lượng lao động tối thiểu xuống trên 3.000 lao động tại Dự thảo.

“Việc giảm số lượng lao động tối thiểu sẽ mang lại nhiều lợi ích như phát huy hiệu quả chính sách ưu đãi thuế suất, tạo động lực cho các nhà đầu tư; khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực và địa phương có tiềm năng phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp họ mở rộng quy mô sản xuất và tạo thêm nhiều việc làm”, đại biểu tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO