Kinh tế

Tiềm năng và cơ hội đầu tư vào ngành điện tại Việt Nam

Quân Bảo 19/07/2025 11:50

Hàng loạt định hướng chiến lược và chính sách mới đã mang đến những tiềm năng và cơ hội đầu tư trong lĩnh vực này.

Ngành điện Việt Nam đang đứng trước những thay đổi mạnh mẽ, với sự tăng trưởng nhu cầu sử dụng năng lượng và cam kết chuyển dịch sang các nguồn năng lượng sạch hơn. Điều này mang đến những tiềm năng và cơ hội đầu tư trong lĩnh vực này.

cuongevn.jpg
Tiến sĩ Đặng Mạnh Cường - Giảng viên cao cấp EVN SPC

Theo Tiến sĩ Đặng Mạnh Cường – Chuyên gia năng lượng tái tạo & hệ thống điện, Giảng viên cao cấp EVN SPC - nhu cầu tăng trưởng chung của ngành điện từ năm 2015 đến quý 2 năm 2025 cho thấy mức tăng trưởng trung bình là 12%. Dự báo đến năm 2025, ngành điện sẽ tăng trưởng từ 10,5% đến 14,3% so với năm 2024, với tổng lượng điện năng ước đạt khoảng 350 tỷ kWh. Con số này dựa trên dự báo của Công ty Vận hành Hệ thống điện và Thị trường điện.

Phân bổ nhu cầu điện theo vùng miền cho thấy sự khác biệt rõ rệt. Nhu cầu điện tại miền Trung không cao, trong khi miền Bắc hiện nay đã vượt lên rất cao và vượt cả miền Nam về nhu cầu thực tế. Lý do là nhiều khu công nghiệp lớn đã hình thành và tiêu thụ lượng năng lượng rất lớn tại miền Bắc, khiến mức an toàn của hệ thống đã đạt đến mức báo động, cần phải bổ sung đường điện để đảm bảo ổn định. Ngược lại, miền Nam có nhu cầu thực tế cao nhưng công suất đặt và khả năng phát đã đáp ứng tương đối. Với góc nhìn của nhà đầu tư, ông Đặng Mạnh Cường nhận định khu vực miền Bắc sẽ có nhiều cơ hội hơn hiện nay.

Ông Cường cho biết, quy hoạch điện của Việt Nam đã có những điều chỉnh quan trọng. Quyết định 768/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 15 tháng 4 năm 2025 (công bố tháng 5 năm 2025), đã cập nhật và thay đổi so với quy hoạch trước đó, đưa ra định hướng cho nguồn điện Việt Nam đến năm 2030 và lộ trình đến năm 2050.

Trong quy hoạch cập nhật này, nguồn điện lưu trữ (BESS - Battery Energy Storage System) là một điểm mới đáng chú ý, chiếm tới 6,2% (từ 5,5% đến 6,9%), mở ra cơ hội lớn cho các đơn vị cung cấp hệ thống lưu trữ. Điện hạt nhân cũng được dự kiến sẽ bắt đầu phát điện vào năm 2030 với công suất từ 4.000 đến 6.400 MW, chiếm khoảng 1,9%. Ngoài ra, tất cả các nguồn năng lượng tái tạo, từ điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, điện sinh khối đến thủy điện, đều được tăng công suất quy hoạch. Cụ thể, điện gió trên bờ và gần bờ dự kiến đạt 80.000 MW công suất đặt, chiếm khoảng 15,2%.

Về dài hạn, quy hoạch kỹ thuật cũng dự kiến đến năm 2035 sẽ xuất khẩu khoảng 5.000 MW điện sang Singapore, Malaysia và các đối tác khác trong khu vực. Hiện đã có kế hoạch về đường dây cấp điện từ Việt Nam sang Malaysia và từ Malaysia sang Singapore, hướng tới xây dựng một hệ thống điện liên kết giữa các quốc gia ASEAN hoặc châu Á như ở châu Âu để đảm bảo sự ổn định cao cho hệ thống điện năng lượng.

Các cam kết và chính sách của chính phủ Việt Nam là động lực lớn cho sự phát triển năng lượng sạch. Để cụ thể hóa các cam kết này, Việt Nam đã có Luật Điện lực 2024 và các nghị định liên quan.

vuphong.jpg
Ông Phạm Đăng An – Phó Tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group

Ông Phạm Đăng An – Phó Tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group – cho biết, một cột mốc quan trọng khác là Quyết định 1415/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vào ngày 30 tháng 6 năm 2025, định hướng triển khai cơ chế tiêu chuẩn tỷ lệ năng lượng tái tạo (RPS). Theo đó, các đối tượng sản xuất và sử dụng điện lớn phải cam kết sử dụng tỷ lệ năng lượng tái tạo nhất định, không nhỏ hơn 10% vào năm 2030 và không nhỏ hơn 20% vào năm 2050. Điều này khuyến khích các doanh nghiệp chủ động sử dụng năng lượng mặt trời tự sản xuất, tự tiêu thụ hoặc tham gia vào cơ chế thỏa thuận mua bán điện trực tiếp (DPPA) vào năm 2026.

Những định hướng và chính sách này đã mở ra nhiều cơ hội đầu tư vào ngành điện. Tiến sĩ Đặng Mạnh Cường chỉ ra các mảng tiềm năng nhất lần lượt là: Thứ nhất là điện gió trên bờ và gần bờ. Loại hình này có tiềm năng cao nhất; Điện hạt nhân đứng thứ hai; Điện mặt trời tập trung đứng thứ ba; Thủy điện nhỏ đứng thứ tư; và cuối cùng là điện mặt trời mái nhà đứng thứ năm.

Hệ thống lưu trữ năng lượng (BESS) và lưới điện thông minh cũng là hai lĩnh vực đầy hứa hẹn. Theo ông An, chi phí điện tại Việt Nam hiện đang rất thấp (top 3 thấp nhất Đông Nam Á), trong khi các quốc gia có GDP tăng trưởng tương đương như Philippines có giá điện cao hơn 2,5 lần, cho thấy việc điều chỉnh giá điện là khó tránh khỏi. Do đó, việc đầu tư vào BESS giúp tối đa hóa lượng năng lượng tiêu thụ, giảm chi phí năng lượng vào giờ cao điểm, tăng tính ổn định của hệ thống (như một UPS quy mô lớn) và tiềm năng phụ trợ lưới điện trong tương lai.

Giá pin lithium đã giảm đáng kể trong thập kỷ qua và dự kiến sẽ tiếp tục giảm, khiến việc đầu tư vào BESS trở nên hấp dẫn hơn.

Ví dụ như công ty Ansell tại Đồng Nai, một tập đoàn hàng đầu thế giới đã tích hợp hệ thống điện mặt trời mái nhà, hệ thống lưu trữ điện năng (BESS) và cả giải pháp robot-as-a-service. Họ ưu tiên sử dụng điện mặt trời, sau đó lưu trữ vào BESS và sử dụng vào giờ cao điểm mà không bán lên lưới, mang lại hiệu quả đầu tư nhanh chóng.

Dù có những thách thức, nhưng theo ông Đặng Mạnh Cường, mọi thách thức đều là cơ hội cho các nhà đầu tư và đối tác trong ngành điện Việt Nam. Việc chuyển đổi năng lượng là xu thế không thể đảo ngược, mang lại lợi ích kép về kinh tế và bền vững, đặc biệt với lợi thế lớn về năng lượng mặt trời tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tiềm năng và cơ hội đầu tư vào ngành điện tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO