Điện mặt trời mái nhà đem lại nhiều lợi ích với người dân và doanh nghiệp, tuy nhiên chưa thực sự thu hút ở các tỉnh, thành miền Bắc.
Giảm áp lực hệ thống điện, tăng chủ động cho người dân
Trước nguy cơ thiếu điện trong mùa nắng nóng và áp lực phụ tải tăng cao vào giờ cao điểm, điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản, tự tiêu được khuyến khích sử dụng mạnh mẽ ở các tỉnh thành. Bởi nguồn năng lượng sạch này được xem là giải pháp bổ sung nguồn điện kịp thời, hiệu quả, giúp người dân và doanh nghiệp chủ động nguồn năng lượng tại chỗ, giảm phụ thuộc vào lưới điện quốc gia.
Tính đến giữa năm 2025, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã ghi nhận tổng công suất đạt gần 300 MWp điện mặt trời mái nhà được lắp đặt trên địa bàn quản lý. Tuy nhiên, con số này vẫn khiêm tốn so với tiềm năng thực tế. Theo tính toán, nếu tận dụng khoảng 30% diện tích mái các nhà xưởng, hộ dân cư, miền Bắc có thể khai thác hàng nghìn MWp công suất ĐMTMN.
Để khuyến khích và tạo điều kiện cho khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, EVNNPC đã chỉ đạo các công ty điện lực thành viên chủ động tiếp cận, tuyên truyền và hỗ trợ kỹ thuật, thủ tục đấu nối.
Ông Trịnh Văn Hòa, Giám đốc Công ty bao bì Ánh Dương (KCN Tiên Sơn, Bắc Ninh) cho biết: “Chúng tôi đã đầu tư hệ thống điện mặt trời 500 kWp từ giữa năm 2024. Trung bình mỗi tháng tiết kiệm hơn 100 triệu đồng tiền điện. Ngoài lợi ích tài chính, điều quan trọng là doanh nghiệp chúng tôi đã chứng minh được lộ trình giảm phát thải trong sản xuất với khách hàng quốc tế”.
Không chỉ tiết kiệm chi phí, việc sử dụng năng lượng sạch còn giúp doanh nghiệp cải thiện điểm số trong các tiêu chuẩn ESG (môi trường - xã hội - quản trị), tăng khả năng tiếp cận các đối tác toàn cầu và ưu đãi tín dụng xanh.
Theo đánh giá của chuyên gia năng lượng độc lập Nguyễn Đức Minh, hệ thống ĐMTMN có suất đầu tư ngày càng giảm, hiện dao động khoảng từ 8-9 triệu đồng/kWp và khoảng từ 12–18 triệu đồng/KWp gồm lưu trữ, thời gian hoàn vốn từ 4–6 năm. “Với vòng đời hệ thống kéo dài trên 20 năm, đây là bài toán đầu tư khả thi với các doanh nghiệp sản xuất sử dụng nhiều điện”, ông Minh nói.
Gỡ nút thắt từ bên dịch vụ thứ ba
Mặc dù có nhiều thuận lợi, nhưng việc phát triển điện mặt trời mái nhà vẫn còn nhiều vướng mắc khiến không ít doanh nghiệp dè dặt khi đầu tư. Trước hết là doanh nghiệp còn thiếu sự quan tâm về lợi ích từ ĐMTMN và quy trình sử dụng, vận hành, cũng như những hướng dẫn cụ thể về chính sách khuyến khích ĐMTMN.
Hiện nay, đã có giá điện chính thức cho phần điện dư phát lên lưới từ hệ thống ĐMTMN (trường hợp được bán không quá 20% sản lượng điện dư trên tổng công suất lắp đặt), nhưng nhiều doanh nghiệp không mặn mà do còn nhiều điều kiện nằm trong quy định bắt buộc phải thực hiện. Cụ thể: “Một là, công suất phát triển phải thuộc quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch điện; Hai là, đối nguồn điện từ 1000 kW thì phải có giấy phép hoạt động điện lực; Ba là, lắp đặt hệ thống đo đếm, hệ thống giám sát điều khiển”. Đặc biệt theo quy định các doanh nghiệp chỉ được bán sản lượng điện dư cho đơn vị mua điện thuộc EVN, đơn vị ngoài EVN không được mua điện dư.
Như vậy cho thấy ngoài việc xin cấp phép, ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với EVN còn nhiều thủ tục, mất thời gian và chưa có hướng dẫn đồng bộ tại các địa phương. Điều này còn một số vướng mắc ảnh hưởng đến tính minh bạch và dự báo dòng tiền cho các dự án đầu tư. Các doanh nghiệp đầu tư chỉ được khuyến khích tự sử dụng, trong khi nhiều hệ thống có công suất lớn (từ vài trăm kWp đến hàng MWp) thường dư thừa điện vào giờ thấp điểm.
Cần cơ chế ổn định, tín dụng ưu đãi
Từ thực tiễn triển khai, các chuyên gia và nhà đầu tư đều cho rằng để thúc đẩy ĐMTMN phát triển mạnh mẽ tại miền Bắc, cần có chính sách khuyến khích cụ thể, rõ ràng, tạo điều kiện hỗ trợ về tài chính để mọi đối tượng đều có thể tiếp cận và sử dụng được.
Cụ thể Nhà nước cần khuyến khích cho phép bên thứ ba đầu tư mua bán, cung cấp dịch vụ điện mặt trời mái nhà cho nhà dân và doanh nghiệp. Mô hình cung cấp dịch vụ này sẽ có lợi cho các bên tham gia. Với doanh nghiệp và nhà dân, sử dụng dịch này này sẽ được vận hành, bảo hành, bảo trì, kiểm tra chống cháy nổ, giúp tăng an toàn và đảm bảo hiệu suất cho toàn bộ hệ thống ĐMTMN. Với Nhà nước mô hình này sẽ giúp cơ quan thuế có thể thu thêm được thuế từ doanh nghiệp cấp dịch vụ và tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều doanh nghiệp. Theo chuyên gia năng lượng mô hình nay cũng được áp dụng ở hầu hết ở các nước trên thế giới.
Bên cạnh đó, cần ban hành cơ chế giá mua điện áp mái linh hoạt, cho phép doanh nghiệp lựa chọn hình thức bù trừ điện năng hoặc bán điện dư theo giá thị trường. Ngoài ra, cần giảm thủ tục hành chính và tạo điều kiện cho doanh nghiệp được bán 20% sản lượng điện dư, không dùng hết lên lưới.
“Chúng tôi đề xuất Chính phủ triển khai gói tín dụng xanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư ĐMTMN, tương tự như chương trình năng lượng sạch của Thái Lan, có bảo lãnh tín dụng hoặc bảo hiểm rủi ro”, ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc kỹ thuật Công ty Năng lượng An Bình kiến nghị.
Trong bối cảnh Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, điện mặt trời mái nhà được xem là giải pháp thiết thực giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Điện mặt trời mái nhà đang mở ra cơ hội tiết kiệm chi phí và chủ động năng lượng cho các hộ gia đình, doanh nghiệp miền Bắc. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tiềm năng này, cần sự vào cuộc đồng bộ từ cơ quan quản lý, ngành điện, các tổ chức tài chính và nhà đầu tư. Chỉ khi đó, dòng điện sạch từ mái nhà mới thực sự trở thành động lực thúc đẩy kinh tế xanh, năng lượng xanh ở khu vực phía Bắc.