Để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng được diễn ra mạnh mẽ, nhà nước cần cần xây dựng một lộ trình cụ thể gắn với các chính sách hỗ trợ đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Đây là chia sẻ của Ông Vũ Quốc Nghị - Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Hưng Yên với Diễn đàn Doanh nghiệp. Theo ông Nghị các dự án sản xuất gang thép, dự án sản xuất thiết bị vệ sinh, dự án dệt nhuộm…đã tạo áp lực không nhỏ đến khả năng cung cấp điện đảm bảo hoạt động sản xuất ổn định cho các dự án còn lại tại KCN.
Thưa ông, Nghị định số 57/2025/NĐ- CP của Chính phủ về mua bán điện trực tiếp (DPPA) và Nghị định số 58/2025/NĐ –CP đã tác động như thế nào đến sự chuyển dịch năng lượng xanh trong KCN?
Hai nghị định số 57 và 58 đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng xanh tại Việt Nam. Trong đó Nghị định số 58 về DPPA cho phép các doanh nghiệp trong KCN ký hợp đồng mua điện trực tiếp từ các nhà sản xuất năng lượng tái tạo, thay vì phải mua qua EVN như trước đây. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp chủ động nguồn điện sạch, ổn định chi phí năng lượng, mà còn thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh và minh bạch hơn.
Nắm bắt chính sách mới, các KCN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đang định hướng phát triển thành các KCN xanh và bền vững, trong đó việc chuyển đổi việc sự dụng năng lượng truyền thống sang sử dụng ngồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo có vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi xanh các KCN.
Các cải cách trong chính sách gần đây cùng với công suất tăng bổ sung tại bản điều chỉnh Quy hoạch điện VIII nhằm hướng đến một thị trường điện bền vững, an toàn và cạnh tranh. Việc Chính phủ xây dựng và ban hành Nghị định số 57/2025/NĐ- CP và Nghị định số 58/2025/NĐ – CP góp phần hoàn thiện khung pháp lý, mở rộng khuôn khổ mua bán điện, cũng như đưa ra các miễn trừ về quy hoạch và giấy phép hy vọng mở ra nhiều cơ hội đầu tư mới nhằm đảm bảo được sự ổn định năng lượng cung cấp cho các KCN trong dài hạn, những cải cách pháp lý về năng lượng này giúp tạo nền móng cho một tương lai phát triển các KCN xanh và bền vững hơn.
Tỉnh Hưng Yên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển 35 KCN tập trung với quy mô diện tích trên 12.000 ha đến năm 2050 tại Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 10/6/2024. Trong năm, Ban quản lý các KCN Hưng Yên đang tổ chức lập quy hoạch phân khu xây dựng các KCN theo Quy hoạch tỉnh.
Trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, Ban quản lý các KCN Hưng Yên chú trọng ưu tiên quy hoạch phát triển các KCN theo loại hình KCN công nghệ cao, KCN sinh thái.
Đồng thời, tỉnh ưu tiên các ngành nghề sản xuất năng lượng mới, năng lượng tái tạo, đặc biệt là các dự án sản xuất điện mặt trời áp mái, nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên trong KCN.
Đặc biệt, tỉnh tạo điều kiện các dự án đang hoạt động trong KCN đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, chuyển đổi việc sử dụng nguồn năng lượng truyền thống sang nguồn năng lượng xanh, giảm phát thải các-bon, hướng tới phát triển KCN xanh, bền vững, phù hợp với Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, cũng như hiện thực hóa mục tiêu mục tiêu Net Zero của tỉnh Hưng Yên vào năm 2050.
Ông có thể chia sẻ về nhu cầu sử dụng năng lượng, đặc biệt là năng lượng sạch cho các nhà máy trong các KCN của Hưng Yên từ năm 2025?
Tỉnh Hưng Yên có 10 KCN đang hoạt động và tiếp nhận được khoảng 660 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 9 tỷ USD. Trong đó, có gần 500 dự án đã đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong số các dự án đi vào hoạt động nhiều dự án thuộc nhóm ngành tiêu thụ điện năng lớn như: Các dự án sản xuất gang thép, các dự án sản xuất thiết bị vệ sinh, các dự án dệt nhuộm… đã tạo áp lực không nhỏ đến khả năng cung cấp điện đảm bảo hoạt động sản xuất ổn định cho các dự án còn lại trong KCN.
Hiện nay, tại trong KCN trên địa bàn tỉnh đã có 21 doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN được chấp thuận lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, với tổng công suất trên 25 MW. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà nêu trên mới đáp ứng một phần nguồn năng lượng phục vụ sản xuất của chính doanh nghiệp theo hình thức tự sản, tự tiêu, chưa đấu nối điện lên hệ thống điện quốc gia cũng như cung cấp điện cho các doanh nghiệp khác.
Năm 2025, một số nhà đầu tư đang có nhu cầu nghiên cứu thực hiện dự án sản xuất điện mặt trời mái mái nhà và nhiều doanh nghiệp khác đang đầu tư trong KCN cũng có nhu cầu lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, gia tăng công suất sản xuất năng lượng sạch để cung cấp cho các doanh nghiệp trong KCN, góp phần phát triển KCN xanh và bền vững.
Bên cạnh những mục tiêu đề ra, ông có thể chia sẻ về những vướng mắc lớn nhất của KCN trong kế hoạch chuyển dịch sang năng lượng xanh, sử dụng điện mặt trời mái nhà tại các nhà máy?
Theo quy định, Dự án, công trình xây dựng trước khi đầu tư, lắp đặt nguồn điện tự sản xuất, tự tiêu thụ phải bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường, an toàn, phòng cháy chữa cháy.
Đối với các dự án đang hoạt động trong các KCN, công trình xây dựng đã có thời gian dài, để đảm bảo các yêu cầu nêu trên cần cải tạo nâng cấp nhà xưởng làm gia tăng chi phí đầu tư.
Trong khi đó, nguồn điện tự sản xuất, tự tiêu thụ khác chỉ được bán sản lượng điện dư nhưng không quá 10% sản lượng điện thực phát.
Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi đầu tư đối với các dự án phát triển điện năng lượng mới chủ yếu tập trung vào ưu đãi miễn giảm tiền thuê đất, trong khi các dự án đầu tư đầu tư trong KCN không trực tiếp thuê đất của nhà nước mà thông qua chủ đầu tư hạ tầng KCN, nên chưa đủ sức hấp dẫn các doanh nghiệp, chưa tạo động lực để các nhà đầu tư quyết tâm đầu tư chuyển dịch sang năng lượng xanh, sử dụng điện mặt trời mái nhà tại các nhà máy.
Để thực hiện kế hoạch chuyển dịch sang năng lượng tái tạo tại KCN được thuận lợi, ông có đề xuất gì?
Thứ nhất, Nhà nước cần cần xây dựng một lộ trình cụ thể gắn với các chính sách hỗ trợ đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Trước hết, cần rà soát và điều chỉnh quy hoạch hạ tầng điện phù hợp với khả năng tích hợp nguồn năng lượng tái tạo, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống điện mặt trời áp mái hoặc các mô hình năng lượng xanh tại chỗ mở rộng chính sách ưu đãi đầu tư đối với các dự án sản xuất năng lượng mới. Nghiên cứu bổ sung các dự án sản xuất năng lượng mới vào lĩnh vực ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư, được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế theo quy định pháp luật.
Thứ hai, cần tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng nâng cấp cải tạo hệ thống lưới điện quốc gia tại các địa bàn gắn với quy hoạch phát triển các KCN, đảm bảo khả năng tiếp nhận các nguồn điện sản xuất từ dự án sản xuất năng lượng mới, năng lượng sạch vào lưới điện quốc gia.
Thứ ba, khuyến khích các doanh nghiệp trong KCN đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái; và chủ động lắp đặt hệ thống lưu trữ điện phù hợp với nhu cầu phụ tải hoặc phải lắp đặt theo tỷ lệ được cấp có thẩm quyền quy định.
Trân trọng cảm ơn ông!