Tập đoàn công nghiệp nổi tiếng một thời của Nhật Bản, Toshiba cho biết họ sẽ chấp nhận một cuộc đấu thầu mua lại trị giá 2 nghìn tỷ yên (15,3 tỷ USD).
>>>Toshiba “rối như canh hẹ”!
Được giá là bán?
Động thái này được chờ đợi từ lâu sau nhiều năm hỗn loạn đối với công ty, vốn từng là biểu tượng cho sức mạnh công nghệ của Nhật Bản một thời, nhưng gần đây phải đối mặt với các vụ bê bối, rắc rối tài chính và tháo chạy của các nhân sự cấp cao.
Gã khổng lồ công nghệ vẫn thận trọng trong một tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp hội đồng quản trị. Công ty cũng nói rằng sẽ yêu cầu một ủy ban đặc biệt xem xét thỏa thuận trước khi đề xuất cách các cổ đông của mình tiến hành.
Trước đó, một liên minh do Japan Industrial Partners (JIP), công ty dẫn đầu một tập đoàn mà Toshiba đã chỉ định là nhà thầu ưu tiên cho việc mua lại tiềm năng, bao gồm 17 doanh nghiệp và 6 tổ chức tài chính Nhật Bản đầu tư hoặc phát hành các khoản vay cho thỏa thuận này. Khi được phê duyệt theo luật cạnh tranh toàn cầu, việc mua lại dự kiến sẽ đưa gã khổng lồ kỹ thuật trở thành tư nhân.
Tuy nhiên, mức giá được đưa ra vào thời điểm này (15,3 tỷ USD), đã thấp hơn rất nhiều so với lời đề nghị mua lại từ quỹ cổ phần tư nhân CVC Capital Partners vào hai năm trước đó. Khi đó, CVC Capital Partners đã đưa ra mức giá 21 tỷ USD nhằm mua lại biểu tượng công nghiệp một thời của Nhật Bản. Câu chuyện tiếp theo đã được theo dõi chặt chẽ trong giới kinh doanh để tìm xúc tiến một thương vụ thâu tóm khổng lồ khi đó. Nhưng, cuối cùng mọi thứ đã đổ bể.
Sau khi đề nghị của CVC Capital Partners bị hủy bỏ, các kế hoạch đã được đưa ra để chia tách công ty và loại bỏ phân khúc thiết bị của nó, đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ một số nhà đầu tư.
Một số cổ đông lập luận rằng một công ty con sẽ chỉ gây thêm khó khăn cho Toshiba bằng cách tạo ra nhiều vị trí quản lý hơn tại các đơn vị nhỏ hơn, thay vì cải thiện hoạt động quản trị của công ty. Kế hoạch đó đã bị từ chối vào năm ngoái tại một cuộc họp cổ đông bất thường, giáng một đòn mạnh vào ban lãnh đạo khi sự bế tắc bao trùm các bước tiếp theo của công ty.
>>>Toshiba liệu có “bán mình”?
>>>Toshiba được cứu: “Viên ngọc quý” Nhật Bản có thể trở lại?
Từ biểu tượng đến kết cục bán mình
Toshiba ra đời từ năm 1875. Tuy nhiên, công ty chỉ trở thành một trong những động lực, thúc đẩy sự bùng nổ của Nhật Bản sau chiến tranh vào cuối những năm 1950 khi đất nước này đề cao tốc độ tăng trưởng và mở rộng danh mục các sản phẩm độc đáo và sáng tạo. Họ bắt đầu bán sản phẩm ra thị trường nước ngoài và tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh trên toàn cầu trong những thập kỷ tiếp theo.
Trong thập kỷ 80 và 90 của thế kỷ 20, chính phủ Nhật Bản đã cung cấp các khoản vay và trợ cấp giá rẻ cho công nghệ của đất nước phát triển, giúp các công ty Nhật Bản có thể thu được lợi nhuận to lớn. Và Toshiba đã ngày càng trở nên nổi bật.
Năm 1985, Toshiba bắt đầu sản xuất T1100, sản phẩm máy tính xách tay đầu tiên của công ty. Đây là máy tính xách tay tương thích với cấu hình phần cứng IBM đầu tiên trên thế giới. Dự án này được dẫn dắt bởi Atsutoshi Nishida và theo một số báo cáo, dự án này đã mở đường cho chiếc máy tính xách tay hiện đại đầu tiên được tung ra thị trường, khiến công ty càng trở nên có tiếng tăm.
Vài năm sau, công ty tiếp tục tạo được dấu ấn bằng cách phát minh ra một loại công nghệ mới khác. Lần này họ đã tạo ra ổ đĩa flash NAND, thành phần chính của tất cả các thiết bị phần cứng hiện đại, chúng là một phần thiết yếu của RAM và các thiết bị lưu trữ. Thiết bị này đã được sử dụng trong máy ảnh kỹ thuật số, máy nghe nhạc mp3, điện thoại thông minh và ổ USB flash. Mặc dù không nhận được nhiều phần thưởng cho sự sáng tạo của mình, nhưng Toshiba đã kiếm được những khoản lợi nhuận khổng lồ.
Trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, Toshiba đã trở thành một công ty lớn trong ngành sản xuất máy tính xách tay. Theo báo cáo, năm 2007, công ty này chiếm 17,8% tổng doanh số bán máy tính tại các cửa hàng bán lẻ ở Mỹ. Trong thời gian này, công ty cũng trở thành người dẫn đầu thị trường ổ đĩa flash NAND.
Tuy nhiên, Toshiba đã gặp nhiều vấn đề trong quản trị và bị cạnh tranh khốc liệt, dần đánh mất thị phần vào tay các công ty ở Trung Quốc và Hàn Quốc trong các ngành công nghiệp then chốt. Công ty buộc phải xoay trục sang các lĩnh vực kinh doanh khác, họ đổ tiền vào ngành năng lượng hạt nhân với kỳ vọng về sự bùng nổ sắp tới trong lĩnh vực này, bằng cách mua lại nhà sản xuất công nghệ hạt nhân Westinghouse của Mỹ với giá 5,4 tỷ USD vào năm 2006.
Suốt 8 năm qua, Toshiba đã trải qua hết thảm họa này đến thảm họa khác. Sau thảm họa sóng thần năm 2011 khiến nhà máy hạt nhân Fukushima Dai Ichi phải đóng cửa, tập đoàn này tiếp tục vướng bê bối kế toán vào năm 2015, làm sai lệch số liệu lợi nhuận và dẫn đến việc bị yêu cầu tái cấu trúc công ty. Kế đến, thất bại trong nỗ lực tiếp cận thị trường năng lượng hạt nhân tại Mỹ cũng dẫn đến khoản lỗ 6,3 tỷ USD, khiến Toshiba đứng trước bờ vực bị hủy niêm yết.
Mọi thứ càng trở nên tồi tệ đến mức Toshiba buộc phải “bán lúa non” khi bán lại các mảng kinh doanh lợi nhuận nhất của mình cho các tập đoàn khác. Tháng 10 năm 2015, Sony đã mua lại mảng kinh doanh cảm biến hình ảnh của Toshiba. Một năm sau, Cannon thâu tóm Health Systems và tập đoàn Midea của Trung Quốc cũng đã ẵm trọn 80,1% cổ phần của công ty sản xuất và cung ứng hàng gia dụng Toshiba.
Kể từ đó, số phận của Toshiba liên tục long đong với vô số đấu đá nội bộ. Một số chuyên gia cho rằng, Toshiba giờ đây không khác gì một “xác sống” khi mà những mảng kinh doanh cốt lõi đã bị đem bán hoặc gán nợ.
Ngay cả giờ đây, sau nhiều tranh cãi, cuối cùng Toshiba đã đến được kết cục bán mình cho JIP. Nhưng, tương lai với biểu tượng công nghiệp một thời của Nhật Bản có thể vẫn sẽ là một ẩn số.
Có thể bạn quan tâm