TP.HCM mong muốn tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ và đề xuất các cơ quan Hoa Kỳ xem xét, hỗ trợ Thành phố nghiên cứu tiền khả thi việc thành lập Trung tâm chiếu xạ hàng hóa xuất khẩu.
>>>TP.HCM đầu tư 17.000 tỷ đồng làm đường vành đai 2
Nội dung trên được bà Phan Thị Thắng – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nêu tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2022.
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Phan Thị Thắng cho biết, Hoa Kỳ là một trong những đối tác trọng điểm, chiến lược của Thành phố; đồng thời mong muốn tăng cường hợp tác với phía Hoa Kỳ trong các lĩnh vực logistics, xuất nhập khẩu, phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn, đô thị thông minh, xây dựng trung tâm tài chính quốc tế… đây cũng là những lĩnh vực quan trọng mà Thành phố đang chú trọng phát triển và thu hút đầu tư.
Theo bà Thắng, hiện trên địa bàn TP.HCM có 533 dự án đầu tư trực tiếp của các nhà đầu tư Hoa Kỳ với tổng giá trị vốn đầu tư đạt hơn 1,36 tỷ USD và 1.109 nhà đầu tư giản tiếp qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với giá trị vốn góp đạt gần 635 triệu USD.
“Nguồn vốn của các nhà đầu tư Hoa Kỳ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, tạo điều kiện thuận lợi để Thành phố tăng cường hợp tác kinh tế quốc tế và nâng cao năng lực trong hoạt động phát triển khoa học, công nghệ cao...”, bà Phan Thị Thắng đánh giá.
Về thương mại, theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng, sau 21 năm thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA), thương mại hai chiều giữa TP.HCM và Hoa Kỳ đã tăng trưởng tích cực. Hoa Kỳ luôn thuộc nhóm các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Thành phố trong nhiều năm.
Từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện vào năm 2013, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Thành phố và Hoa Kỳ tăng trưởng từ 5,1 tỷ USD vào năm 2013 lên 8,9 tỷ USD vào năm 2021. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ giai đoạn 2013-2021 đạt 49,2 tỷ USD, tăng từ 3,8 tỷ USD vào năm 2013 lên 6,5 tỷ USD năm 2021 và tổng kim ngạch nhập khẩu từ Hoa Kỳ qua cảng Thành phố giai đoạn 2013-2021 đạt 18,3 tỷ USD, tăng từ 1,1 tỷ USD vào năm 2013 lên 23 tỷ USD năm 2021, Trong 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Thành phố và Hoa Kỳ đạt 7,99 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 6,2 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu đạt 1,7 tỷ USD.
“Thành phố cũng đang khai nhiều Đề án quan trọng với quyết tâm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để Thành phố vươn lên, phát triển xứng tầm trong giai đoạn mới như: Đề án phát triển ngành logistics; Đề án phát triển xuất khẩu; Đề án chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn; Đề án Xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh; Đề án hình thành và phát triển đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông (thành phố Thủ Đức); Đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế...”, bà Thắng thông tin.
Đồng thời bày tỏ mong muốn của Thành phố trong việc tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ và đề xuất các cơ quan Hoa Kỳ xem xét, hỗ trợ Thành phố nghiên cứu tiền khả thi việc thành lập Trung tâm chiếu xạ hàng hóa xuất khẩu và hỗ trợ về kỹ thuật, chuyên môn, nhân sự để Thành phố và các tỉnh vùng đồng bằng Sông Cửu Long phát huy tối đa nguồn lực về nông nghiệp, cung cấp những sản phẩm nông sản đa dạng, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cho người tiêu dùng Hoa Kỳ, thúc đẩy giao thương giữa hai nước.
Bà Susan Burns - Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM đánh giá, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Hoa Kỳ trên toàn cầu. Đặc biệt, Việt Nam đã trở thành một mắt xích chủ chốt trong chuỗi cung ứng, đóng vai trò quan trọng thiết yếu đối với nền kinh tế Hoa Kỳ, từ sản xuất thiết bị bán dẫn cung cấp sức mạnh cho mọi thứ từ điện thoại đến ô tô, tấm pin mặt trời để thực hiện cuộc cách mạng năng lượng sạch.
“Việt Nam là một trong những khách hàng mua bông và gỗ cứng hàng đầu của Hoa Kỳ trên toàn cầu. Đây là những nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất hàng may mặc và đồ nội thất. Trên thực tế, Việt Nam là thị trường lớn thứ 8 đối với Các sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ trên toàn thế giới, trong khi Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam”, bà Susan Burns đánh giá.
Bà Susan Burns cũng khẳng định, trong tương lai, Việt Nam và Hoa Kỳ có thể tăng cường và mở rộng quan hệ thương mại ở nhiều lĩnh vực như: năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng, chăm sóc sức khỏe và nền kinh tế số.
“Chúng tôi cam kết hỗ trợ các khung chính sách hợp lý cho phép đổi mới kỹ thuật số, đồng thời quản lý các rủi ro mới do công nghệ mang lại. Với các khung chính sách phù hợp được dụng. Thương mại song phương của chúng ta về hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số có thể phát triển lên một tầm cao mới”, bà Susan Burns nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
TP.HCM đầu tư 17.000 tỷ đồng làm đường vành đai 2
01:18, 17/11/2022
Vì sao TP.HCM muốn cấm xe giường nằm vào nội đô?
00:30, 17/11/2022
Sở Công Thương TP.HCM đề xuất cho xe chở xăng chạy trong khung giờ hạn chế
21:31, 10/11/2022
TP.HCM yêu cầu 21, quận huyện tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công
09:43, 09/11/2022
TP.HCM khó phát triển điện mặt trời mái nhà
21:03, 08/11/2022