UBND TP HCM vừa giao các Quận, Sở TN&MT, Sở Xây dựng phối hợp báo cáo các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng mới và hoàn thành 6 chung cư cũ trong năm 2022.
>>> Hóa giải lợi ích cải tạo chung cư cũ
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Lê Hòa Bình vừa có chỉ đạo về tiến độ thực hiện công tác cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ cấp D trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng mới và hoàn thành 6 chung cư cũ trong năm 2022, UBND TP HCM giao UBND các quận 1, 3, Bình Thạnh và Tân Bình rà soát, báo cáo đề xuất các nội dung khó khăn, vướng mắc cụ thể trong thủ tục thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đầu tư xây dựng mới.
TP cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường, chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, tổng hợp các vướng mắc pháp lý về đất đai trong thủ tục giao đất và nghĩa vụ tài chính có liên quan đối với các chủ đầu tư thực hiện cải tạo, xây dựng mới 6 chung cư nêu trên và các chung cư cũ cấp D trên địa bàn thành phố.
Có thể bạn quan tâm |
6 chung cư đã tháo dỡ và di dời dân, xây dựng và hoàn thành trong năm 2022 gồm có hai chung cư tại quận 1, hai chung cư tại quận Tân Bình, còn lại là hai chung cư tại quận 3 và quận Bình Thạnh. Cụ thể là các chung cư có địa chỉ: 128 Hai Bà Trưng, 23 Lý Tự Trọng, 239 Cách mạng tháng Tám, 350 Hoàng Văn Thụ, 251 Hoàng Văn Thụ và lô IV-VI cư xá Thanh Đa.
Trên cơ sở báo cáo đề xuất của UBND các quận và của Sở TN&MT, TP giao Sở Xây dựng tổng hợp, chủ trì phối hợp với các sở, ngành và UBND các quận có liên quan báo cáo, đề xuất cụ thể các vướng mắc của từng chung cư, trình UBND thành phố để chuẩn bị làm việc với Bộ Xây dựng.
Trước đó, UBND TP HCM cũng đã có công văn yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương khởi công xây mới 14 chung cư cấp D tập trung nhiều ở các quận 1, 3, 4, 6 và 10 trong năm 2022.
Trên thực tế, dù đã hoàn tất công tác kiểm tra, phân loại và kiểm định với 474 chung cư cũ (573 lô) được xây dựng từ trước năm 1975, trong giai đoạn 2015-2020, TP.HCM đặt ra kế hoạch cải tạo, xây dựng lại 237 trong tổng số 474 khu nhà chung cư cũ xây dựng trước năm 1975.
Tuy nhiên, đến nay thành phố mới chỉ di dời được 6 nhà chung cư, phá dỡ 4 nhà chung cư cấp D và chỉ có 2 nhà chung cư được xây dựng mới.
Theo các chuyên gia, kết quả kém khả quan trên là do có nhiều bất cập, vướng mắc về cơ chế chính sách. Đơn cử như theo quy định, với chung cư cấp D phải có 100% chủ sở hữu nhà chung cư đồng ý phá dỡ. Nhưng cơ chế bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư chưa đảm bảo đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ sở hữu nhà chung cư nên chưa tạo được sự đồng thuận.
Chưa thực hiện được cơ chế "được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với toàn bộ phần diện tích đất được giao trong phạm vi dự án (kể cả phần diện tích đất được phép chuyển mục đích sử dụng)", do ngành tài chính chưa đồng thuận; chưa có cơ chế xử lý đối với giá trị của phần diện tích xây dựng công trình phụ như hành lang, cầu thang, sàn mái…
Trong khi đó, theo TS.KTS Phạm Trần Hải, Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, nguyên nhân khó thực hiện các dự án còn đến từ việc tình trạng pháp lý của các căn hộ trong các chung cư cũ khá phức tạp khiến việc đạt được sự đồng thuận càng khó khăn và kéo dài cũng như rất khó để đạt được sự đồng thuận.
"Một điểm nữa là các khu chung cư cũ phần lớn nằm trong các quận nội thành hiện hữu, có thể là cơ hội tốt để các CĐT bỏ vốn tiến hành cải tạo, sữa chữa hoặc xây dựng mới các chung cư cũ. Tuy nhiên, hiện các quy trình, thủ tục thực sự là rào cản và cơ chế dành cho chủ đầu tư chưa thực sự hấp dẫn" - ông Hải nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm