Người trong nghề nhân sự thường hay nói đùa, đó là nghề “làm dâu trăm họ”. Thực tế, ngành này có niềm vui, có nỗi buồn. Ai đang làm nghề đều hiểu và cảm nhận những khó khăn trong công việc.
Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trò chuyện cởi mở cùng bà Bùi Thị Bích Hạnh – Giám đốc HANCO VINA, một trong những nhà tuyển dụng hàng đầu tại Bắc Ninh.
- Bà có thể chia sẻ câu chuyện dẫn dắt đến quyết định gắn bó với ngành tuyển dụng nhân sự, đặc biệt là cho các doanh nghiệp FDI tại Bắc Ninh? Điều gì đã truyền cảm hứng và giữ chân bà ở lại đến hôm nay?
Thật ra, tôi đến với ngành tuyển dụng không phải bằng một kế hoạch dài hơi từ đầu, mà từ một cơ duyên rất đời thường.
Trước khi trở về làm việc tại Việt Nam năm 2012, tôi đã có hơn 17 năm sinh sống và làm việc ở NewZealand và Hàn Quốc, là những đất nước phát triển trước chúng ta. Từ năm 2012, tôi trở về nước đảm nhiệm vai trò Phó giám đốc nhân sự cho doanh nghiệp FDI tại Bắc Ninh. Bằng những trải nghiệm khi sinh sống và làm việc ở trong và ngoài nước, tôi nhận ra một thực tế rất rõ: Doanh nghiệp luôn “khát” lao động, nhưng tìm được nguồn lao động ổn định, chất lượng, đặc biệt là gắn bó lâu dài, thì không hề dễ.
Tôi nhận thấy khoảng trống giữa nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và năng lực kết nối từ thị trường lao động địa phương, chính điều đó thôi thúc tôi bắt đầu con đường riêng, với mục tiêu không chỉ là tuyển người mà là xây dựng một giải pháp nhân sự toàn diện – vừa là cầu nối đưa người lao động đến công việc có thu nhập tốt, cải thiện đời sống kinh tế gia đình vừa hỗ trợ từ tuyển dụng, đào tạo đến quản lý và giữ chân lao động cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Điều truyền cảm hứng cho tôi đến tận bây giờ chính là giá trị thực tế mà ngành nghề của chúng tôi mang lại: giúp người lao động tìm được công việc phù hợp, giúp doanh nghiệp ổn định được dây chuyền sản xuất, giúp đất nước thay da đổi thịt. Và hơn thế, khi đi sâu, đi sát vào công việc tư vấn, tuyển dụng lao động tôi nhận ra rằng công việc này rất thú vị, mỗi người lao động mà tôi tiếp xúc lại mang một câu chuyện riêng muôn màu muôn vẻ.
Tôi đã bén duyên và ở lại với ngành nghề này bởi tôi tin bằng sự chuyên nghiệp và có tâm, tôi cũng như các anh chị em cùng ngành đã đang và sẽ góp phần xóa đi những giới hạn và khoảng cách trong thị trường lao động.
- So với các khu vực khác, môi trường doanh nghiệp FDI ở Bắc Ninh có nét đặc thù nào về văn hóa, quy trình làm việc và kỳ vọng chuyên môn? Bà đã vượt qua những rào cản này ra sao?
Môi trường doanh nghiệp FDI ở Bắc Ninh có một đặc trưng là tập trung rất nhiều doanh nghiệp nguồn vốn từ Hàn Quốc, Nhật Bản là những quốc gia Đông Á có nhiều nét văn hóa đặc thù và khác biệt với Việt Nam.
Các quốc gia Đông Á phát triển vượt trội trong một thời gian ngắn nhờ đề cao tính kỷ luật, sự đúng giờ, quy trình, tiêu chuẩn rõ ràng và hệ thống báo cáo minh bạch với quyền lực tập trung ở cấp quản lý, yêu cầu sự tuân thủ mệnh lệnh rất cao. Đây là điểm khiến nhiều lao động đặc biệt là lao động trẻ và lao động xuất thân từ các tỉnh vùng sâu vùng xa của chúng ta ban đầu khó thích nghi.
Đặc điểm của các quốc gia Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản là người lao động thường rất gắn bó với công việc, có những người làm việc cả đời ở một công ty. Do đó, các doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản thường đặt kỳ vọng người lao động học hỏi nhanh, làm việc nghiêm túc và gắn bó lâu dài, ổn định với doanh nghiệp – một điều không hề đơn giản đối với khu vực có tỷ lệ nhảy việc tương đối cao như Bắc Ninh.
Bản thân tôi khi còn làm nhân sự nội bộ cũng mất một thời gian dài để thích nghi với việc người lao động chưa chuẩn chỉnh về tác phong hay tuân thủ nội quy lao động. Thấu hiểu điều đó, tôi và đội ngũ công ty đã mất một thời gian dài để xây dựng sự tin tưởng từ phía khách hàng và ngươi lao động, nỗ lực đi sâu tìm hiểu tâm lý người lao động, nhất là người lao động từ các khu vực vùng sâu vùng xa.
Nhờ hiểu biết về ngôn ngữ và văn hóa, chúng tôi chủ động trở thành cầu nối chuyển tâm tư nguyện vọng của người lao động đến với doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ người lao động về nhà cửa, đi lại trong thời gian mới vào làm, kịp thời động viên tinh thần người lao động trong giai đoạn còn bỡ ngỡ, nhờ đó người lao động không có cảm giác bị lạc lõng và gắn bó với doanh nghiệp hơn.
Tôi có niềm tin rằng kiên trì, tấm lòng chân thật cùng nỗ lực thấu hiểu thị trường, con người từ gốc rễ đã và đang giúp chúng tôi vượt qua được những rào cản đó.
- Trong bối cảnh cạnh tranh nguồn nhân lực gay gắt giữa các công ty tuyển dụng nhân sự, bà đã áp dụng những phương pháp nào để thu hút, đánh giá và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn?
Thực tế hiện nay, cuộc cạnh tranh nguồn lao động – nhất là lao động phổ thông rất khốc liệt. Đó không chỉ là cạnh tranh giữa các công ty cung ứng lao động mà còn là cạnh tranh giữa các tập đoàn lớn với mức lương, thưởng, chế độ hấp dẫn. Vì vậy, công việc của chúng tôi không chỉ còn là tuyển dụng – đưa vào làm mà phải dần chuyên nghiệp hóa, hướng tới một quy trình chặt chẽ hơn từ thu hút đến giữ chân người lao động.
Các phương thức mà chúng tôi đang sử dụng bao gồm:
Đẩy mạnh truyền thông, mang những hình ảnh trực quan, sinh động nhất về công việc, chế độ đã ngộ đến với người lao động để người lao động hiểu biết và có niềm tin đối với doanh nghiệp nơi mình sẽ làm việc.
Tìm cách giữ chân người lao động không chỉ thông qua mức lương mà bằng bộ giải pháp tổng thể bao gồm: Hỗ trợ xe đưa đón, ký túc xá, tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chú ý tập trung chăm sóc đời sống tinh thần của người lao động.
Chúng tôi mong muốn sự tận tâm, chuyên nghiệp của doanh nghiệp sẽ đổi được niềm tin và sự gắn bó của người lao động trong giai đoạn khó khăn này.
- Bà đánh giá thế nào về vai trò của AI, tự động hóa và các nền tảng tuyển dụng trực tuyến trong cải thiện hiệu quả quy trình tuyển dụng? Công ty bà đã ứng dụng những công nghệ nào và kết quả ra sao?
Tôi cho rằng AI, tự động hóa và các nền tảng tuyển dụng trực tuyến đang và sẽ tiếp tục thay đổi sâu sắc ngành tuyển dụng, đặc biệt là ở những khu vực có tốc độ công nghiệp hóa nhanh như Bắc Ninh và Bắc Giang hay Hà Nam. Những công nghệ này sẽ giúp tiết kiệm được thời gian sàng lọc thí sinh, nhập liệu…
Chúng tôi hiện đang sử dụng đa nền tảng truyền thông như Facebook, Zalo, Tiktok… và đẩy mạnh livestream để tiếp cận và thu hút ứng viên.
Ngoài ra, chúng tôi cũng thử nghiệm dán mã QR code trên xe đưa đón của doanh nghiệp, chỉ cần người lao động quét mã là có thể gia nhập cộng đồng người lao động của chúng tôi, được cập nhật thông tin về các đơn hàng.
Tuy nhiên, đặc thù của ngành cung ứng lao động là làm việc trực tiếp với con người, và như bạn biết rồi đấy, con người muôn màu muôn vẻ, khác biệt về trình độ, văn hóa, lối sống… có lẽ AI và công nghệ ở thời điểm này chưa thể thay thế con người nhưng chúng sẽ là công cụ đắc lực nếu biết sử dụng đúng cách.
- Bên cạnh tuyển mới, doanh nghiệp có chương trình đào tạo hoặc lộ trình thăng tiến nào để tối ưu hóa năng lực cho nhân viên, thưa bà?
Với sự cạnh tranh mạnh mẽ của ngành cung ứng nhân lực, nội việc tuyển dụng nhân sự là một điều khó khăn. Do từng có một số hiểu lầm và tiêu cực từ những “con sâu” mà ngành nghề của chúng tôi đã và đang chịu nhiều “tiếng tăm tiêu cực”, dẫn đến việc tuyển dụng nhân sự cũng rất khó. Đặc thù của ngành này là: áp lực cao, đầu việc nhiều vì thế việc tuyển mới nhân sự chỉ là bước đầu, chúng tôi nhận thấy vấn đề then chốt để phát triển doanh nghiệp là chú trọng vào đào tạo, tạo lộ tình thăng tiến rõ ràng để tối ưu hóa năng lực nhân viên.
Bộ giải pháp chúng tôi đang áp dụng gồm: Ưu tiên đào tạo liên tục để phát triển toàn diện kỹ năng từ khi người lao động vào công ty đã được đào tạo cách sử dụng phần mềm văn phòng, cách viết bài đăng trên mạng xã hội, cách livestream, chăm sóc lao động, làm việc với khách hàng đến các kỹ năng cao hơn như làm slide thuyết trình…
Các nhân viên luôn được ưu tiên để phát triển theo năng lực và mong muốn của bản thân như tập trung vào tuyển dụng hoặc quản lý hoặc làm đào tạo, làm truyền thông. Nhờ đó, nhân viên thấy rõ triển vọng trong công việc, tìm thấy niềm yêu thích trong công việc.
Chúng tôi cũng cố gắng chăm lo đời sống tinh thần của nhân viên thông qua các buổi du lịch, team-building hoặc các trò chơi ngoài giờ ngắn mang tính gắn kết.
Với tôi, nhân viên tuyển dụng không chỉ là “người đi tuyển người”, mà là đại diện hình ảnh, văn hóa và uy tín của công ty. Vì vậy, đầu tư vào họ chính là đầu tư cho sự bền vững lâu dài của doanh nghiệp.
- Trong 3 đến 5 năm tới, theo bà ngành tuyển dụng nhân lực cho doanh nghiệp FDI tại Bắc Ninh sẽ đối mặt những cơ hội và thách thức gì? Bà có lời khuyên nào cho các bạn trẻ hoặc đồng nghiệp đang muốn phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực này?
Tôi tin rằng trong 3 đến 5 năm tới, ngành tuyển dụng nhân lực cho khối doanh nghiệp FDI tại Bắc Ninh sẽ bước vào giai đoạn nhiều biến động.
Sắp tới Bắc Ninh và Bắc Giang sẽ sát nhập, cả hai đều nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc với hạ tầng được hoàn thiện ở mức độ cao, gần thủ đô Hà Nội. Đây là cơ hội để nhiều tập đoàn đa quốc gia đặc biệt là các tập đoàn điện tử công nghệ chọn đặt nhà máy tại đây, kéo theo đó là nhu cầu tuyển dụng lao động – cả phổ thông và kỹ thuật – sẽ duy trì ở mức cao và ổn định.
Với nhu cầu tuyển dụng lao động cao như vậy, các đơn vị cung ứng nhân lực sẽ là đối tác chiến lược của các doanh nghiệp FDI, đồng nghĩa yêu cầu của các doanh nghiệp FDI đối với các nhà cung ứng nhân lực sẽ không chỉ đơn giản là tuyển dụng mà còn là hỗ trợ đào tạo, quản trị rủi ro nhân lực.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng đồng thời phải đối mặt với nhiều thách thức lớn:
Tỷ lệ sinh giảm khiến lực lượng lao động ngày một thiếu hụt rõ rệt. Việc tuyển dụng lao động phổ thông trở nên khó khăn do nhiều người chọn chuyển sang làm dịch vụ, kinh doanh hoặc xuất khẩu lao động hưởng lợi từ chênh lệch ngoại tệ thay vì làm việc với mức thu nhập trung bình ở trong nước. Các địa phương phải cạnh tranh khốc liệt để thu hút nguồn nhân lực.
Tỷ lệ nhảy việc ngày một cao do người lao động dễ bị thu hút bởi các mức lương, thưởng cao vì thế thiếu gắn bó với công việc. Người lao động sẽ có xu hướng “đòi hỏi” công ty phải có “thưởng đầu vào” mới làm, hoặc làm việc tới khi nhận hết “thưởng đầu vào” là nghỉ tìm kiếm công việc khác.
Lời khuyên dành cho các bạn trẻ mong muốn dấn thân vào công việc này thì tôi không có nhiều. Tôi chỉ mong các bạn hiểu nghề tuyển dụng là một công việc nhân văn nhưng đòi hỏi rất nhiều yếu tố, đừng bao giờ nghĩ những công việc liên quan đến con người là công việc tạm bợ, ăn xổi. Chúng ta nên và cần phải trung thực, giữ chữ tín đồng thời không ngừng học hỏi để hội nhập.
Trân trọng cảm ơn bà!