Vải thiều của tỉnh Bắc Giang đã có “giấy thông hành” bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia, gồm Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia.
Ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều Bắc Giang 2021, ngày 8/6.
Tham gia hội nghị có 30 điểm cầu, bao gồm 22 điểm cầu trong nước, 8 điểm cầu tại những nước là thị trường xuất khẩu chủ đạo của vải Bắc Giang, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và Singapore.
Ông Phan Thế Tuấn cho biết, năm 2021, diện tích vải thiều toàn tỉnh là 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020).
Diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.200 ha (chiếm 54% tổng diện tích toàn tỉnh), sản lượng ước đạt 125.000 tấn (chiếm 69,4% tổng sản lượng vải). Vải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP có diện tịch 82 ha.
“Vùng sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc... diện tích 218 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn, vùng sản xuất vải thiều sang thị trường Nhật Bản 219 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn”, ông Tuấn nói.
Còn theo ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, trong bối cảnh tình hình dịch COVID - 19 trên toàn thế giới, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng 3 kịch bản thu hoạch và tiêu thụ vải thiều năm 2021.
Kịch bản thứ nhất: Nếu dịch được kiểm soát, khoanh vùng hết, số ca mắc và các F1, F2 được kiểm soát chặt chẽ, thì 50% vải thiều Bắc Giang được tiêu thụ trong nước và 50% vải thiều sẽ xuất khẩu.
Kịch bản thứ hai: Nếu dịch COVID-19 trên địa bàn không được kiểm soát một cách triệt để, 70% vải thiều Bắc Giang sẽ được tiêu thụ trong nước và 30% xuất khẩu
Kịch bản thứ ba: Nếu Bắc Giang không kiểm soát được dịch, 90% vải thiều được tiêu thụ trong nước và 10% sẽ xuất khẩu.
Đồng thời, tỉnh Bắc Giang đã triển khai hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản của tỉnh, có thể nói đây là hoạt động xúc tiến thương mại “con thoi”.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao cách làm của Bắc Giang trong việc xúc tiến tiêu thụ vải thiều, và mong muốn không chỉ có vải thiều mà các nông sản khác cũng có cách làm tương tự để nâng cao giá trị, hiệu quả sản phẩm.
Trao đổi về giải pháp đồng hành cùng tỉnh Bắc Giang tiêu thụ vải thiều, theo bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Thường trực VinCommerce, VinCommerce đưa vải thiều vào hệ thống siêu thị cửa hàng tiện ích VinMart và VinMart+ từ cuối tháng 5/2021.
VinCommerce đã làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang từ 2 tháng trước, đồng thời đến từng vùng trồng để kiểm soát chất lượng sản phẩm trước khi nhập sản phẩm vào hệ thống.
“Năm nay, VinCommerce dự kiến thu mua 2.000 tấn vải thiều Bắc Giang và phân phối tại hệ thống hơn 2.500 cửa hàng và siêu thị VinMart, VinMart+ trên toàn quốc và trên trang thương mại điện tử Lazada”, bà Phương chia sẻ.
Đánh giá về chương trình kết nối đưa vải thiều lên “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia”, ông Trần Trung Hưng, Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel cho biết, tính đến 6/6, sau 10 ngày triển khai thực hiện, các sàn thương mại điện tử tham gia chương trình đã tiêu thụ được hơn 800 tấn vải thiều Bắc Giang, đưa 739 hộ nông dân lên gian hàng trực tuyến. Các sàn thương mại điện tử cam kết sẽ nỗ lực tiêu thụ từ 8.000 đến 9.000 tấn vải trong vụ này.
Bà Trần Kim Nga, Giám đốc Đối ngoại Cty TNHH MM Mega Market Việt Nam) cho hay, để chung tay tiêu thụ vải thiều Bắc Giang, công ty thực hiện chương trình khuyến mãi từ ngày 1/6 đến ngày 16/6 với chủ đề “Hội chợ trái cây nhiệt đới” tại hệ thống các trung tâm MM Mega Market trên toàn quốc.
Trong suốt chương trình, mỗi trung tâm sẽ trưng bày 1 đảo lớn vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang tại khu vực rau củ quả, trái cây nhằm chào đón Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch hàng năm). Ngoài ra, công ty tổ chức Tuần lễ vải thiều Bắc Giang tại Trung tâm MM Mega Market An Phú (tại Thành phố Thủ Đức, TP.HCM).
MM Mega Market sẽ quảng bá về Tuần lễ vải thiều Bắc Giang (đặc sản vùng Đông Bắc) lên các phương tiện truyền thông như Facebook, Zalo, các kênh khách hàng chuyên nghiệp như nhà hàng, khách sạn, quán ăn, bếp ăn tập thể lớn và khách hàng tiêu dùng lẻ trên toàn quốc từ ngày 1/6 đến ngày 16/6.
Dự kiến lượng nông sản tiêu thụ cho Bắc Giang qua hệ thống của MM Mega Market là từ 500 đến 700 tấn bao gồm vải cắt cành đóng hộp (trưng bày và tiêu thụ trên cả nước), dứa, bí ngô và dưa hấu (trưng bày và tiêu thụ ở khu vực miền Bắc).
Qua hội nghị, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng, mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm vải thiều bảo đảm các điều kiện xuất khẩu; Bộ Công Thương hỗ trợ xúc tiến thương mại để xuất khẩu và tiêu thụ trong nước…
Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), hiện gian hàng vải thiều của doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang đã được triển khai trên sàn thương mại điện tử Alibaba, tạo ra một kênh xuất khẩu mới qua hình thức B2B sang thị trường Trung Quốc.
Được biết, Bắc Giang có vùng vải thiều tập trung lớn nhất cả nước. Vải thiều Bắc Giang có mặt ở trên 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Doanh thu năm 2020 từ vải thiều đạt gần 7.000 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
Lazada hợp tác với VinMart và FoodMap bán vải thiều Bắc Giang
16:00, 08/06/2021
"Hành trình số" của vải thiều Bắc Giang
01:58, 06/06/2021
Các sàn thương mại điện tử chung tay tiêu thụ vải thiều Bắc Giang
12:33, 05/06/2021
Vải thiều Bắc Giang “xoay chuyển” giữa tâm dịch COVID-19
23:03, 01/06/2021
Vải thiều Bắc Giang lên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò
21:58, 29/05/2021
Vải thiều Bắc Giang lên đường sang Nhật
19:40, 27/05/2021
Vải thiều Bắc Giang đi "siêu tàu bay" của Vietnam Airlines
09:52, 27/05/2021