Đứng trước tình hình khó khăn trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, 6 tháng đấu năm 2023 VCCI Thanh Hóa luôn theo sát, đồng hành cùng doanh nghiệp để vượt khó.
>>Thanh Hóa DDCI 2022: Truyền lửa cải cách về cơ sở
>>Thanh Hóa: DDCI là kỳ vọng của doanh nghiệp đến cơ quan chính quyền
Sáng ngày 13/07, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.
6 tháng đầu năm 2023, với tình hình chung của các nước những tác động tiêu cực từ lạm phát, suy thoái kinh tế thế giới, lãi suất ngân hàng tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất, sinh hoạt của người dân và các doanh nghiệp. Sản xuất kinh doanh của địa phương 2 tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình cũng tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức như đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào, thị trường tiêu thụ thu hẹp, số lượng đơn đặt hàng và quy mô đơn hàng giảm, hoạt động lưu thông hàng hóa bị ảnh hưởng, năng lực cạnh tranh, năng suất lao động chưa cao…
Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của 2 địa phương Thanh Hóa và Ninh Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển các ngành, lĩnh vực ngay từ đầu năm cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 đã đạt được những kết quả tích cực.
Tại tỉnh Thanh Hóa: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 7,0% , đứng thứ 18 cả nước và đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ; Thu ngân sách nhà nước ước đạt 20.577 tỷ đồng, bằng 58% dự toán, giảm 25% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa ước đạt 11.800 tỷ đồng, bằng 54% dự toán, giảm 33% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 8.777 tỷ đồng, bằng 65% dự toán và giảm 12% so với cùng kỳ. Một số lĩnh vực giảm mạnh so với cùng kỳ như: Thu tiền sử dụng đất giảm 60%, thuế bảo vệ môi trường giảm 48%, thuế thu nhập cá nhân (giảm 31%)…
Tỉnh Ninh Bình: Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn toàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 (theo giá so sánh 2010) ước tính đạt 25.081,5 tỷ đồng, tăng 7,56 % so với 6 tháng đầu năm 2022.
>>VCCI Thanh Hóa: Triển khai khảo sát DCCI năm 2021
Ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc VCCI Chi nhánh Thanh Hóa cho biết, trong bối cảnh trên, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường trực VCCI, UBND tỉnh Thanh Hóa và sự đồng tình, ủng hộ, tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, VCCI Thanh Hóa đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. VCCI Thanh Hóa luôn quan tâm, duy trì mối quan hệ gắn bó xuyên suốt với các doanh nghiệp hội viên nhằm tạo sự gắn kết, hợp tác cùng phát triển trong cộng đồng doanh nghiệp Thanh Hoá. Tính đến ngày 30/6//2023, VCCI đã kết nạp thêm 51 doanh nghiệp hội viên mới, nâng tổng số hội viên chính thức lên hơn 1200 Doanh nghiệp.
Bên cạnh công tác phát triển hội viên mới, VCCI Thanh Hóa cũng chú trọng công tác chăm sóc hội viên thông qua việc kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp để cùng đồng hành, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Về công tác tham mưu, góp ý cơ chế, chính sách về phát triển doanh nghiệp cho địa phương, trong 6 tháng đầu năm, VCCI Thanh Hóa đã tham gia góp ý gần 20 dự thảo, gồm các dự thảo văn bản pháp luật, các chương trình, đề án và chính sách phát triển kinh tế - xã hội của trung ương, của tỉnh. Những ý kiến tham mưu, góp ý của VCCI Thanh Hóa trên cơ sở thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là cơ sở quan trọng để các cấp chính quyền tiếp thu, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật và ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội.
Với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo phát triển doanh nghiệp tỉnh, đồng chí Giám đốc Chi nhánh đã tham mưu UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo ban hành nhiều chương trình, kế hoạch và giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, VCCI Thanh Hóa phối hợp chặt chẽ với các tổ chức Hội, Hiệp hội trong công tác tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của DN báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, giải quyết tại các buổi tiếp DN định kỳ hằng tháng. Lãnh đạo VCCI Thanh Hóa thường xuyên tham gia các cuộc họp, kỳ họp do tỉnh ủy, HĐND, UBND, các Ban, Sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh tổ chức nhằm truyền tải tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng DN đến lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, các huyện thị xã, thành phố giải quyết kịp thời.
Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2023, được sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng Đoàn, Ban Thường trực, các Ban chuyên môn của VCCI; Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các Sở, Ban, ngành chức năng; sự nỗ lực cố gắng và phối hợp chặt chẽ của cộng đồng doanh nghiệp, VCCI Thanh Hóa đã tích cực triển khai và cơ bản hoàn thành tốt các mục tiêu kế hoạch, nhiệm vụ đề ra, làm tốt vai trò của tổ chức đại diện và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp hội viên; luôn đồng hành, khích lệ để doanh nghiệp đoàn kết, cùng nhau vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hiện nay và cố gắng phục hồi ổn định sản xuất trong giai đoạn tiếp theo.
Tuy nhiên, hiện nay việc mà lãnh đạo VCCI chi nhánh Thanh Hóa luôn trăn trở và suy nghĩ đó là, việc hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình để nâng cao năng lực cạnh tranh vẫn còn hạn chế, do Chi nhánh không có nhiều nguồn lực để triển khai thực hiện.
Có thể bạn quan tâm
VCCI Thanh Hóa: Bồi dưỡng doanh nghiệp nghiệp vụ đấu thầu chuyên sâu qua mạng
21:58, 06/08/2022
VCCI Thanh Hóa: Triển khai khảo sát DCCI năm 2021
15:53, 26/11/2021
VCCI Thanh Hóa sắp ra mắt sàn giao dịch thương mại điện tử
02:47, 09/06/2021
VCCI Thanh Hóa: Nơi hội tụ kết nối giao thương xứ Thanh
17:18, 05/04/2021