Việc Tổng công ty Công nghiệp Xi măng đề xuất bán trụ sở trên đất vàng cũng như xử lý hàng loạt tài sản đất đai khi cổ phần hoá liệu có cứu được các công ty “con” đang trong tình trạng “bết bát”?
Mới đây, Vicem đã xin chuyển nhượng tòa tháp 31 tầng tại khu đất vàng 8.467m2 tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội để thu hồi vốn. Vicem cho rằng, việc bán trụ sở dở dang nghìn tỉ là thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về thoái vốn đầu tư đối với các lĩnh vực ngoài ngành, tập trung nguồn lực cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của Vicem.
Dang dở… “đất vàng”
Theo quyết định phê duyệt năm 2010, dự án này có quy mô 31 tầng nổi, 4 tầng hầm với tổng diện tích sàn 81.000 m2 ban đầu được dự kiến là Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM kết hợp cho thuê văn phòng. Tổng mức đầu tư dự kiến khi đó là 1.951 tỷ đồng, tuy nhiên trong quyết định năm 2011 thì con số này được điều chỉnh lên 2.743 tỷ.
Được khởi công vào 5/2011, tuy nhiên, sau khi hoàn thành thi công xây lắp toàn bộ kết cấu phần ngầm và thân công trình thì dự án bị "đắp chiếu", suốt nhiều năm nay.
Ông Bùi Hồng Minh, Tổng Giám đốc Vicem cho biết, sau khi có văn bản xin Bộ Xây dựng về việc bán tòa tháp, Bộ Xây dựng đã đồng ý và yêu cầu Vicem có ý kiến với Bộ Tài chính xử lý nhà đất theo hình thức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất vào phương án sắp xếp, xử lý nhà đất theo nghị định 167 của Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền xem xét bán trụ sở.
Trên thực tế, từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng hướng dẫn Vicem về việc chuyển nhượng này nhưng phải đến tháng 5/2018, Bộ Xây dựng mới yêu cầu Vicem đánh giá lại quá trình đầu tư.
Trong phương án chuyển nhượng cộng chi phí hình thành để đầu giá theo quy định của pháp luật, quá trình gồm thuê tư vấn định giá, xác định giá trần để đấu thầu trên nguyên tắc bảo toàn vốn nhà nước. Hiện tại, theo giá trị mới thanh toán, tòa tháp được đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng trong đó bao gồm giá trị đất.
Có thể bạn quan tâm
16:39, 13/02/2019
21:29, 23/01/2019
15:57, 11/01/2019
Công ty con đừng mong được cho không
Tuy nhiên, theo ông Bùi Hồng Minh: Bán xong tòa tháp thu hồi vốn, Vicem dùng để tái cấu trúc toàn bộ tổng công ty. Nếu đề án tái cấu trúc được Bộ Xây dựng duyệt, tiền bán không ưu tiên việc trả nợ mà ưu tiên việc tái cấu trúc. Các công ty con phải cân đối khoản nợ.
Báo cáo tài chính năm 2018 ghi nhận tổng doanh thu VICEM đạt 1.691 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.052 tỷ. Tuy nhiên, đơn vị này cũng phải đối mặt với các khoản nợ hàng nghìn tỷ đồng từ các công ty con. Cụ thể, VICEM Tam Điệp lỗ lũy kế đến cuối năm 2018 khoảng 1.103 tỷ đồng, thuộc diện mất an toàn về tài chính; Ximăng Hạ Long và Ximăng Sông Thao cũng có hệ số nợ phải trả lớn hơn 3 lần vốn chủ sở hữu, thuộc diện mất an toàn về tài chính. Trong đó, Ximăng Hạ Long lỗ lũy kế đến hết 2018 khoảng 3.580 tỷ đồng, Ximăng Sông Thao lỗ lũy kế 410 tỷ.
Là một tổng công ty nhà nước, VICEM đang sở hữu hàng loạt tài sản đất đai tại 11 tỉnh, thành phố trên cả nước như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, TP.HCM. Đặc biệt, là các cơ sở nhà đất 228 Lê Duẩn, 122 Vĩnh Tuy, 10E6 Phạm Hùng (Hà Nội), khu đất 5,8 ha để xây nhà ở xã hội ở Thủy Nguyên - Hải Phòng... đã được VICEM nêu thực trạng và phương án xử lý khi cổ phần hóa. Nếu thực hiện, VICEM có thể thu về hàng nghìn tỉ đồng.
Tuy nhiên, ông Minh khẳng định, khi công ty con gặp khó khăn, công ty mẹ có thể cho vay để trả chứ không cấp vốn để trả nợ. Muốn dùng tiền bán tòa tháp phải có đề án. Ưu tiên tăng năng lực sản xuất, không cấp tiền cho công ty con để bù lỗ.