Tài chính doanh nghiệp

Xi măng Vicem Bút Sơn “ngắt mạch” lỗ

Đình Đại 26/07/2025 04:00

Sau 10 quý thua lỗ liên tiếp, Xi măng Vicem Bút Sơn đã có lãi trở lại trong quý II/2025. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm vẫn chưa thể sáng trở lại.

Xi măng Vicem Bút Sơn
Xi măng Vicem Bút Sơn "ngắt mạnh" thua lỗ sau 10 quý lỗ liên tiếp - Ảnh: BTS.

Theo Báo cáo tài chính quý II/2025 mới công bố, Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn (HNX: BTS) mặc dù ghi nhận doanh thu sụt giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 672 tỷ đồng. Điểm sáng trong kỳ này là giá vốn của doanh nghiệp cũng giảm 10% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 620 tỷ đồng, qua đó giúp lợi nhuận gộp trong kỳ của BTS tăng mạnh 818% so với cùng kỳ, đạt gần 52 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hầu hết các chi phí trong kỳ này của doanh nghiệp đều đước tiết giảm đáng kể so với cùng kỳ. Cụ thể, chi phí tài chính giảm 16% so với cùng kỳ, xuống còn gần 17 tỷ đồng, trong đó, chi phí lãi vay giảm 7%, còn gần 16 tỷ đồng; Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm lần lượt 6% và 5% so với cùng kỳ; Khoản lợi nhuận khác cũng tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ, lên 15,3 tỷ đồng.

Kết quả, sau khi khấu trừ chi phí, doanh nghiệp ngành xi măng này ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 12,4 tỷ đồng, quá đó, ngắt mạch thua lỗ 10 quý liên tiếp. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất của doanh nghiệp này trong 12 quý gần đây.

Mặc dù có lãi trở lại sau 10 quý thua lỗ liên tiếp, nhưng vẫn không thể bù đắp cho kết quả kinh doanh ảm đạm trong 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp này. Theo đó, lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, doanh nghiệp vẫn lỗ ròng hơn 16 tỷ đồng, mặc dù doanh thu tăng trưởng 7% so với nửa đầu năm trước, lên hơn 1.286 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mức lỗ này cũng đã giảm mạnh so với mức lỗ hơn 95 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm ngoái. Do thua lỗ kéo dài, nên lỗ lũy kế của doanh nghiệp tính đến cuối quý II/2025 đã lên đến hơn 308 tỷ đồng.

cpbts.jpg
Trên thị trường, cổ phiếu BTS đang có thị giá chỉ 5.500 đồng/cp và hiện cổ phiếu vẫn đang trong diện bị kiểm soát, duy trì cảnh báo từ 26/3/2025.

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm mới đây, đại diện Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) nhận định, nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước sẽ tăng trong các tháng cuối năm 2025. Nguyên nhân đến từ việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng giao thông và xây dụng; nguồn cung bất động sản được kỳ vọng hồi phục khi các biện pháp tháo gỡ pháp lý bắt đầu tác động vào thị trường...

Tuy nhiên, do mùa mưa bão dự báo đến sớm ở miền Bắc và miền Trung, dự báo ảnh hưởng đến tiến độ thi công, làm giảm nhu cầu tiêu thụ xi măng theo vùng.

Cũng theo đại diện Vicem, các tháng cuối năm, thị trường xi măng tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như mất cân đối về cung - cầu; cạnh tranh về giá bán ngày càng gay gắt; xu hướng chuyển dịch nhu cầu từ xi măng bao sang xi măng rời, từ xi măng giá cao sang xi măng giá thấp, dẫn đến làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh...

Về thị trường xuất khẩu, Vicem dự báo nhu cầu nhập khẩu xi măng giảm do nước nhập khẩu bước vào mùa mưa bão. Sản lượng xuất khẩu xi măng từ Việt Nam bị ảnh hưởng khi Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc) ra quyết định áp thuế đối ứng và thuế chống bán phá giá (dự kiến trong tháng 7/2025)...

Bên cạnh đó, ngành xi măng Việt Nam tiếp tục đối mặt với tình trạng nguồn cung vượt xa so với nhu cầu. Theo dự báo, nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước năm 2025 tăng trưởng 6 - 8,9% so với năm 2024, đạt khoảng 70,5 - 72,5 triệu tấn. Tuy nhiên, cả nước hiện có 92 dây chuyền sản xuất xi măng, với tổng công suất thiết kế đạt 122,34 triệu tấn/năm, tức vượt xa nhu cầu thị trường.

Dư thừa nguồn cung xi măng, dẫn đến các công ty sản xuất xi măng cạnh tranh gay gắt, giảm giá bán, tăng chính sách bán hàng, đưa ra nhiều nhãn hiệu xi măng mới với giá bán thấp đề gia tăng sản lượng tiêu thụ và mở rộng thị phần.

Trong báo cáo ngành xi măng mới đây, Chứng khoán FPTS cũng nhận định, triển vọng hoạt động xuất khẩu xi măng của Việt Nam sẽ kém khả quan trong giai đoạn 2025F – 2030F, dựa trên ảnh hưởng tiêu cực từ 04 yếu tố sau:

Thứ nhất, xuất khẩu xi măng không có tính bền vững do phụ thuộc vào tình hình sản xuất của Trung Quốc. Việt Nam chỉ trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu sau khi Trung Quốc tiến hành đóng cửa hàng loạt nhà máy xi măng để đáp ứng mục tiêu của “Chiến dịch Vì Bầu trời xanh” vào năm 2018 và dần trở thành thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam trong giai đoạn 2018 – 2021.

Thứ hai, giảm thất thoát tài nguyên khoáng sản trong nước. Hoạt động sản xuất xi măng vốn tiêu tốn nhiều loại tài nguyên không thể tái tạo bao gồm đá vôi, đất sét và than. Do đó, việc đẩy mạnh xuất khẩu clinker và xi măng sẽ làm nguồn tài nguyên trong nước dần cạn kiệt trong dài hạn. Điều này khiến chính phủ Việt Nam buộc phải có những chính sách hạn chế xuất khẩu xi măng nhằm giảm thất thoát tài nguyên khoáng sản quốc gia như đặt ra giới hạn trần xuất khẩu và tăng thuế xuất khẩu đối với sản phẩm clinker lên 10%.

Thứ ba, hoạt động xuất khẩu kém hiệu quả do bị nhiều nước áp thuế tự vệ. Với vị thế là nước đứng đầu về xuất khẩu xi măng, Việt Nam đã tạo ra áp lực cạnh tranh lớn đối với ngành xi măng của các quốc gia còn lại trong khu vực. Điển hình là Philippines khi nước này đang tiếp tục đánh thuế chống bán phá giá lên các sản phẩm xi măng Việt Nam xuất khẩu nhằm bảo vệ sản xuất trong nước với thuế suất dao động trong khoảng 3 – 25% giá xuất khẩu kéo dài trong 5 năm kể từ năm 2023. Thêm vào đó, vào tháng 11/2024 vừa qua, phía DTI Philippines đã khởi xướng điều tra tự vệ đối với các sản phẩm xi măng nhập khẩu.

Việc bị đánh thuế ở mức cao từ cả trong và ngoài nước dự kiến sẽ bào mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp hơn nữa và làm giảm nhu cầu xuất khẩu xi măng trong tương lai.

Thứ tư, ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh gia nhập vào thị trường xuất khẩu. Như đã phân tích ở trên, hoạt động xuất khẩu xi măng đang gặp nhiều khó khăn khi một số quốc gia như Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran gia tăng cạnh tranh. Đây là những quốc gia mặc dù có chi phí sản xuất xi măng cao hơn Việt Nam nhưng lại chấp nhận xuất khẩu giá thấp để giành thị phần do cũng đang dư cung trầm trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xi măng Vicem Bút Sơn “ngắt mạch” lỗ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO