Mặc dù nhu cầu tiêu thụ xi măng đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng nhiều doanh nghiệp ngành xi măng vẫn bị đóng cứng trong "tảng bê tông” thua lỗ.
Đứng đầu trong danh sách các doanh nghiệp ngành xi măng thua lỗ trong quý đầu năm là Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn (HNX: BCC). Theo đó, mặc dù doanh thu thuần trong quý đầu năm của BCC ghi nhận tăng trưởng gần 12% so với cùng kỳ, đạt hơn 771 tỷ đồng, tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này ghi nhận lỗ hơn 60 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ hơn 49 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cho rằng, do trong quý đầu năm, mức tăng doanh thu bán hàng, thu nhập khác và mức giảm của chi phí tài chính. Chi phí bán hàng nhỏ hơn mức tăng giá vốn hàng bán, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí khác và mức giảm doanh thu tài chính, nên lợi nhuận sau thuế giảm so với cùng kỳ.
Đứng thứ hai là Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn (HNX: BTS), với doanh thu đạt gần 614 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế cũng bị lỗ 28,5 tỷ đồng, giảm lỗ đáng kể so với mức lỗ gần 56 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Đây cũng là quý thua lỗ thứ 10 liên tiếp của doanh nghiệp này, với con số lỗ lũy kế hơn 320 tỷ đồng.
Nhận định ngành xi măng vẫn chìm trong khó khăn vì cung vượt xa cầu, giá nguyên liệu sản xuất cao và áp lực cạnh tranh gay gắt từ nguồn hàng giá rẻ nhập khẩu, nhưng lãnh đạo doanh nghiệp này vẫn đặt kỳ vọng lớn cho năm 2025, khi đặt mục tiêu lợi nhuận có lãi hơn 29 tỷ đồng, mặc dù năm 2024 lỗ gần 202 tỷ đồng và năm 2023 lỗ hơn 96 tỷ đồng.
Tiếp theo là Công ty CP Xi măng Vicem Hải Vân (HoSE: HVX), với mức thua lỗ gần 14 tỷ đồng. Cụ thể, mặc dù doanh thu thuần trong kỳ này tăng trưởng 55% so với cùng kỳ, lên gần 85 tỷ đồng; Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp vẫn ghi nhận lỗ gần 14 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ hơn 20 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cho rằng những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh là do doanh nghiệp không sản xuất và tiêu thụ clinker do thị trường không có nhu cầu, chi phí sản xuất cao và bất lợi về logistics. Bên cạnh đó là do sự cạnh tranh khốc liệt tại khu vực Miền Trung – Tây Nguyên, do có nhiều thương hiệu xi măng giá rẻ ngoài Vicem, do đó, doanh nghiệp phải thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh tiêu thụ, gia tăng sản lượng, giữ vững thị trường, khiến gia tăng chi phí bán hàng.
Một “ông lớn” khác trong ngành xi măng cũng chung cảnh thua lỗ trong quý đầu năm là Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên (HoSE: HT1). Tương tự như các doanh nghiệp trong ngành khác, doanh thu quý I/2025 của HT1 cũng tăng trưởng hơn 6% so với cùng kỳ, đạt gần 1.587 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp này vẫn phải gánh mức thua lỗ 9,2 tỷ đồng. Tuy vậy, mức lỗ đã giảm mạnh so với gần 25 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Doanh nghiệp cũng nhận định năm 2025, ngành xi măng có nhiều tín hiệu tốt lên, công tác đầu tư xây dựng hạ tầng, giao thông, thủy lợi và thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi tích cực. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý đầu năm vẫn chưa mấy khả quan, một phần nguyên nhân đến từ tổng chi phí tăng lên, mà tập trung phần lớn ở chi phí quản lý doanh nghiệp.
Ngoài các doanh nghiệp trên, những doanh nghiệp khác cũng ghi nhận mức lỗ vài tỷ đồng trong quý đầu năm như: Công ty CP Xi măng Phú Thọ (UpCOM: PTE) lỗ 8,5 tỷ đồng; Công ty CP Xi măng Sài Sơn (UpCOM: SCJ) lỗ 3,2 tỷ đồng; Công ty CP Xi măng Quán Triều (UpCOM: CQT) lỗ 2 tỷ đồng và Công ty CP Vicem Thương mại Xi măng (HNX: TMX) lỗ 1,4 tỷ đồng.
Trong tổng số 17 doanh nghiệp ngành xi măng đang niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã công bố báo cáo tài chính quý đầu năm tính đến thời điểm hiện tại thì có 09 công ty thua lỗ; 03 doanh nghiệp chuyển từ lỗ sang lãi; 02 doanh nghiệp giảm lãi; và 03 doanh nghiệp tăng lãi.
Nhìn vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này, điểm chung là doanh thu của hầu hết các doanh nghiệp này đều đã có sự tăng trưởng so với cùng kỳ, với mức tăng trưởng cao nhất là 2 chữ số. Điều này cho thấy, nhu cầu xi măng đã có dấu hiệu phục hồi. Song lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành vẫn còn rất khiêm tốn, với mức lợi nhuận chỉ từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Cao nhất nhóm là 5,6 tỷ đồng thuộc về Công ty CP Xi măng Yên Bình (UpCOM: VCX).
Theo tính toán của Bộ Xây dựng, nhu cầu tiêu thụ xi măng trong năm 2025 sẽ tăng khoảng 2 -3% so với năm 2024, đạt mức 95-100 triệu tấn. Trong đó, tiêu thụ nội địa dao động từ 60 - 65 triệu tấn, xuất khẩu dự kiến đạt khoảng 30 - 35 triệu tấn.
Trong 3 tháng đầu năm 2025, ngành xi măng ghi nhận mức tăng trưởng đáng chú ý ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Theo Báo cáo Thị trường xi măng Việt Nam quý I/2025, sản lượng tiêu thụ nội địa trong tháng 3/2025 đạt gần 8,55 triệu tấn, tăng khoảng 17% so với cùng kỳ năm 2024 và gần gấp 3 so với tháng 2. Lũy kế quý I/2025, tổng sản lượng tiêu thụ trong nước đạt gần 15,06 triệu tấn, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.
Ở mảng xuất khẩu, sản lượng xuất khẩu xi măng trong tháng 3 đạt 3,03 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ 2024. Lũy kế xuất khẩu xi măng 3 tháng đầu năm ước đạt hơn 8,32 triệu tấn. Tổng lượng tiêu thụ xi măng toàn ngành trong quý I/2025 đạt gần 23,38 triệu tấn, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2024.
Tình hình tăng trưởng tiêu thụ xi măng diễn ra trong bối cảnh thị trường quốc tế vẫn chịu ảnh hưởng từ các rủi ro địa chính trị và áp lực của quá trình chuyển đổi năng lượng. Giá nguyên nhiên liệu, đặc biệt là dầu mỏ, duy trì ở mức cao, tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất và logistics của ngành xi măng. Trong nước, dù sức phục hồi của thị trường bất động sản vẫn yếu, đầu tư công và một số tín hiệu từ khu vực tư nhân đã hỗ trợ phần nào cho nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng.
Bên cạnh đó, chi phí nguyên liệu đầu vào như than, điện, xăng, dầu liên tục tăng trong thời gian qua, khiến một số doanh nghiệp xi măng trong nước đã điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm nhằm cân đối với chi phí vận hành. Diễn biến này cho thấy xu hướng thích nghi với áp lực chi phí và duy trì hoạt động sản xuất ổn định trong điều kiện thị trường chưa thực sự hồi phục hoàn toàn.
Ngoài ra, trong bối cảnh đầu tư công đang được Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ, nhất là đầu tư hạ tầng giao thông, xây dựng…; với kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 dự kiến đạt 790.000 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2024, việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm xi măng được dự báo là sẽ tích cực hơn trong nửa cuối năm 2025.