Tài chính doanh nghiệp

Doanh nghiệp ngành xi măng vẫn chưa hết khó

Đình Đại 16/02/2025 04:00

Cung vượt quá cầu, cùng với xuất khẩu sụt giảm… khiến nhiều doanh nghiệp ngành xi măng Việt Nam vẫn chưa thể thoát ra khỏi “vòng xoáy” thua lỗ.

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành xi măng đang niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy, số lượng các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ vẫn chiếm tỷ lệ cao hơn so với số lượng các doanh nghiệp có lãi tăng cũng như chuyển lỗ sang lãi.

ximang.jpg
Ngành xi măng Việt Nam vẫn chưa thể giải quyết được "bài toán" cung - cầu: Ảnh minh họa.

Kết quả kinh doanh: Lỗ nhiều hơn lãi

Trong nhóm các doanh nghiệp có lãi tăng trưởng mạnh nhất, Công ty CP Xi măng Sài Sơn (UpCOM: SCJ) ghi nhận quý IV/2024, doanh thu của SCJ tăng trưởng gần 26% so với cùng kỳ năm 2023; Lợi nhuận sau thuế ghi nhận đạt gần 5 tỷ đồng, tăng gần 78% so với cùng kỳ năm trước.

Có được kết quả trên là do nhà máy hoạt động ổn định, chi phí lãi vay giảm nhờ Công ty đã trả vốn trung hạn. Đồng thời, doanh nghiệp đã tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm giá để bán hết sản phẩm, tăng độ phủ trên thị trường khiến lợi nhuận tăng.

Lũy kế cả năm 2024, doanh thu của SCJ đạt hơn 1.276 tỷ đồng, tăng gần 9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận đạt gần 13 tỷ đồng, tăng gần 61% so với năm 2023. Đây cũng là năm có lãi cao nhất kể từ năm 2015 của doanh nghiệp này.

Tại Công ty CP Xi măng La Hiên VVMI (HNX: CLH), trong quý IV/2024 doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 226 tỷ đồng, tăng hơn 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận đạt hơn 21 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là quý kinh doanh có lãi cao nhất kể từ quý I/2022 của doanh nghiệp này. Lũy kế cả năm 2024, lợi nhuận của doanh nghiệp đạt gần 39 tỷ đồng, giảm 18% so với năm 2023.

Doanh nghiệp cho biết, trong quý IV/2024 nhu cầu tiêu thụ xi măng cuối năm có xu hướng tăng nhẹ. Sản lượng sản xuất, tiêu thụ tăng, nên đã tiết kiệm được một phần chi phí cố định. Bên cạnh đó, việc sử dụng vốn linh hoạt, hiệu quả, doanh thu tài chính cao, giúp lợi nhuận của doanh nghiệp tăng so với cùng kỳ.

Một doanh nghiệp khác là Công ty CP Xi măng Yên Bình (UpCOM: VCX) cũng ghi nhận quý kinh doanh tăng trưởng ấn tượng, khi ghi nhận doanh thu đạt hơn 285 tỷ đồng, tăng hơn 17% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận đạt hơn 14,4 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Đây cũng là quý kinh doanh có lãi cao nhất của doanh nghiệp này kể từ quý I/2018. Lũy kế cả năm 2024, lợi nhuận của VCX đạt hơn 22,4 tỷ đồng, tăng mạnh gần 149% so với năm trước.

Doanh nghiệp cho biết, trong quý IV/2024 sản lượng bán hàng tăng nên doanh thu bán hàng nên doanh thu tăng. Mặt khác, Công ty đã thúc đẩy sản xuất, giảm tiêu hao nên sản lượng sản xuất tăng. Cùng với đó, giá nguyên vật liệu đầu vào chính như than, thạch cao, cước vận chuyển đều giảm và chi phí sửa chữa lớn cũng giảm hơn so với cùng kỳ nên giá thành sản xuất sản phẩm giảm, góp phần đưa lợi nhuận tăng.

Trong khi đó, tại Công ty CP Xi Măng Vicem Hà Tiên (HOSE: HT1) mặc dù doanh thu trong quý IV/2024 tăng nhẹ so với cùng kỳ, đạt 1.843 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 21 tỷ đồng, giảm tới 61% so với cùng kỳ năm trước. Lãi ròng cả năm 2024 của HT1 đạt 65 tỷ đồng, tăng mạnh 3,6 lần so với năm trước.

Doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân chính được xác định là tình trạng cạnh tranh khốc liệt trên thị trường xi măng khi các doanh nghiệp trong ngành nỗ lực giành thị phần bằng cách hạ giá bán và điều chỉnh chính sách bán hàng.

Thị trường xi măng đang chứng kiến tình trạng nguồn cung dư thừa dẫn đến các doanh nghiệp cùng ngành rơi vào thế cạnh tranh không khoan nhượng. Việc các công ty đồng loạt giảm giá và cải thiện chính sách bán hàng để gia tăng sản lượng tiêu thụ đã tạo áp lực lớn lên biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Ở nhóm các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ trong quý IV/2024, điển hình là Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai (HNX: HOM) ghi nhận doanh thu thuần gần 506 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Do giá vốn tăng mạnh hơn khiến lợi nhuận gộp thu về cũng không đủ bù đắp các chi phí, khiến công ty báo lỗ sau thuế 16 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 5,3 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2024, Vicem Hoàng Mai đạt gần 1.710 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 2% so với năm 2023, nhưng lỗ ròng tới 67 tỷ đồng (năm trước lỗ 31 tỷ đồng). Với khoản lỗ này, lỗ luỹ kế đến cuối năm 2024 của công ty đã lên đến 92,4 tỷ đồng.

Cùng chung cảnh ngộ, Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn (HNX: BTS) báo cáo doanh thu thuần quý IV đạt xấp xỉ 770 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng do kinh doanh dưới giá vốn, công ty lỗ gộp hơn 23 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi gộp gần 17 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí, BTS lỗ sau thuế gần 76 tỷ đồng, gấp đôi khoản lỗ hơn 32 tỷ đồng trong quý IV/2023.

Tính chung cả năm 2024, dù doanh thu thuần tăng nhẹ so với năm 2023, lên 2.609,6 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp lỗ ròng tới 198 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ hơn 96 tỷ đồng của năm 2023. Khoản lỗ năm 2024 cũng nâng lỗ lũy kế của công ty lên xấp xỉ 288 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty CP Xi măng Vicem Hải Vân (HoSE: HVX) ghi nhận doanh thu thuần quý IV đạt hơn 86 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp lỗ sau thuế 6,3 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ 30 tỷ đồng cùng kỳ. Đây cũng là quý thứ 7 liên tiếp, công ty báo lỗ kể từ quý II/2023.

Lũy kế năm 2024, doanh thu thuần của HVX đạt gần 348 tỷ đồng, giảm 32% so với năm trước. Doanh nghiệp lỗ ròng hơn 44 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức lỗ hơn 64 tỷ đồng năm 2023. Lỗ luỹ kế đến cuối 2024 của HVX là 96,6 tỷ đồng.

Xuất khẩu dự báo tăng trưởng chậm

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành xi măng đã phản ánh phần nào bức tranh chung của toàn ngành xi măng Việt Nam trong năm 2024, khi vẫn chưa thể giải quyết được bài toán cung – cầu trong nước. Trong nhiều năm qua, nguồn cung xi măng ở thị trường trong nước luôn vượt cầu, cùng với đó là sự sụt giảm ở mảng xuất khẩu, khiến nhiều doanh nghiệp ngành xi măng vẫn chưa thể thoát ra khỏi "vòng xoáy" thua lỗ.

xuatkhauximang.jpg
Nguồn: ximang.vn.

Theo Bộ Xây dựng, trong năm 2024, nguồn cung xi măng toàn quốc đạt khoảng 122 triệu tấn, trong khi, nhu cầu tiêu thụ trong nước chỉ đạt khoảng 60 triệu tấn, xuất khẩu giảm so với năm trước, dẫn đến dư thừa nguồn cung.

Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao như điện, than..., nguyên liệu sản xuất duy trì ở mức cao khiến chi phí sản xuất ngày càng tăng mạnh. Thị trường bất động sản trầm lắng, các dự án xây dựng từ nguồn đầu tư công chậm giải ngân, ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu tiêu thụ của xi măng trong nước.

Không những vậy, nhu cầu tiêu thụ xi măng, clinker sụt giảm, tồn kho tăng cao, dẫn đến một số nhà máy trong hệ thống của Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) phải dừng lò, giảm công suất, thời gian huy động thiết bị so với kế hoạch, để hạn chế đỗ clinker ra bãi.

Ngoài ra, do thị trường bất động sản còn trầm lắng, nhiều công trình xây dựng, dự án trọng điểm chậm triển khai, phải hoãn, giãn tiến độ. Xây dựng dân sinh cũng kém đi nhiều, cộng với nguồn cung vốn đã dư thừa gấp đôi so với nhu cầu lại được tiếp thêm bằng dự án mới đưa vào vận hành, nhiều nhà sản xuất cạnh tranh gay gắt, giảm giá bán..., khiến xi măng thiếu đầu ra trầm trọng.

Về xuất khẩu, theo số liệu thống kê từ Báo cáo ngành xi măng, năm 2024, ngành xi măng xuất khẩu hơn 29,94 triệu tấn xi măng và clinker, thu về trên 1,15 tỷ USD, giảm hơn 4% về lượng và giảm gần 14% về kim ngạch so với năm 2023.

Trong năm 2024, xuất khẩu xi măng clinker sang thị trường Philippines giảm khoảng 0,6% về lượng, giảm khoảng 11% về kim ngạch và giảm 10,5% về giá so với năm 2023. Philippines là thị trường lớn nhất tiêu thụ xi măng clinker của Việt Nam, chiếm 27% trong tổng lượng và chiếm 28% trong tổng kim ngạch xuất khẩu xi măng và clinker của cả nước, đạt hơn 8 triệu tấn, tương đương 319,09 triệu USD, giá trung bình 39,9 USD/tấn.

Xi măng clinker xuất khẩu sang Bangladesh, thị trường lớn thứ 2 đạt 5,49 triệu tấn, trị giá hơn 175, 13 triệu USD, giá trung bình 31,9 USD/tấn chiếm 18,5% trong tổng lượng và chiếm 15,4% trong tổng kim ngạch. Tiếp theo đó là thị trường Malaysia chiếm 5,7% trong tổng lượng và chiếm 5% trong tổng kim ngạch, đạt 1,68 triệu tấn, tương đương 57,19 triệu USD, giá 34 USD/tấn.

Xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam được dự báo tăng trưởng chậm có thể duy trì ở mức tương đương so với năm 2024. Thị trường xuất khẩu đang dần dịch chuyển sang các thị trường mới như Mỹ, khu vực Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Phi.

Về nhu cầu tiêu thụ xi măng trong năm 2025, theo tính toán của Bộ Xây dựng, nhu cầu tiêu thụ xi măng toàn ngành năm 2025 khoảng 95 - 100 triệu tấn, tăng 2 - 3% so với năm 2024. Trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 60 - 65 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 30 - 35 triệu tấn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp ngành xi măng vẫn chưa hết khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO