Định hướng phát triển ngành xi măng Việt Nam trong thời gian tới là sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải...
Trong 5 năm gần đây, ngành xi măng là một trong những ngành có lượng phát thải khí nhà kính lớn, khoảng 62 - 70 triệu tấn CO2/năm. Trong khi đó, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon EU đưa ra là vấn đề mà các doanh nghiệp xi măng cần quan tâm và sớm đưa ra giải pháp giảm phát thải trong quá trình sản xuất. Đây cũng là mục tiêu của các ngành sản xuất khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký cam kết trung hòa carbon, đưa phát thải ròng về 0 năm 2050, nhất là lĩnh vực xi măng ghi nhận nhiều phát thải carbon. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua Bộ Xây dựng đã tích cực chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai các giải pháp đồng bộ, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất xi măng, nhằm giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến phát triển xanh, bền vững.
Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng Hoàng Hữu Tân cho biết, định hướng phát triển ngành xi măng Việt Nam trong thời gian tới là sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải; gắn sản xuất với tái chế, tái sử dụng chất thải, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường.
Hiện tại, ngành công nghiệp xi măng Việt Nam có 92 dây chuyền sản xuất clinke, với tổng công suất đạt 122,34 triệu tấn xi măng mỗi năm. Về tiêu hao nguyên liệu, trung bình mỗi tấn clinke tiêu tốn 1,55 tấn nguyên liệu (đá vôi, đất sét, phụ gia), trong khi nhiệt năng tiêu hao trung bình là 800 kcal/kg clinke và điện năng là 95 kWh/tấn xi măng.
Mục tiêu phát triển ngành xi măng giai đoạn 2021-2030 bao gồm việc chỉ đầu tư xây dựng mới các nhà máy sản xuất clinke có công suất trên 5.000 tấn/ngày, gắn với vùng nguyên liệu và hệ thống tận dụng nhiệt khí thải. Đến năm 2025, các dây chuyền clinke có công suất dưới 2.500 tấn/ngày sẽ phải đổi mới công nghệ. Ngành cũng đặt mục tiêu giảm tiêu hao nhiệt năng xuống dưới 730 kcal/kg clinke và điện năng dưới 90 kWh/tấn xi măng. Đến hết năm 2025, 100% dây chuyền clinke lớn hơn 2.500 tấn/ngày phải có hệ thống tận dụng nhiệt khí thải.
Trong giai đoạn 2031-2050, ngành xi măng sẽ tập trung phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, sử dụng chất thải và rác thải làm nguyên liệu. Việc đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng sẽ được đẩy mạnh nhằm giảm lượng chất thải phải chôn lấp và cải thiện hiệu quả kinh tế. Đồng thời, các dây chuyền sản xuất hiện có sẽ được cải tiến để xử lý hầu hết các loại chất thải mà không phát sinh ô nhiễm, từ đó góp phần giảm phát thải ra môi trường. Ngành xi măng cũng sẽ chú trọng vào việc sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, khuyến khích khai thác âm và bảo vệ môi trường. Mục tiêu đặt ra là 100% cơ sở sản xuất đáp ứng các yêu cầu về môi trường, đồng thời áp dụng công nghệ lọc bụi hiện đại và thiết bị giám sát nồng độ bụi trực tuyến để nâng cao hiệu quả quản lý môi trường.
Xoay quanh vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung cho rằng, sản xuất xanh là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện nay, nhằm góp phần giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến phát triển xanh, bền vững, hiện thực hóa cam kết của Chính phủ trong việc đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Hầu hết các nhà máy sản xuất xi măng trên thế giới được đầu tư xây dựng có sử dụng nhiên liệu hoá thạch, nhưng đang chuyển mạnh sang nhiên liệu thay thế với việc sử dụng rác thải làm nhiên liệu. Công nghệ này cũng đang được các nhà sản xuất xi măng Việt Nam nghiên cứu để áp dụng.
“Sản xuất xanh là sử dụng nhiệt thừa để phát điện, giảm thành phần clinker trong xi măng hay sử dụng rác để đốt thay cho nhiên liệu than hóa thạch… Hơn nữa, việc lắp đặt và vận hành hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải tại các dây chuyền sản xuất xi măng cũng không tốn nhiều chi phí nên các doanh nghiệp hăng hái ủng hộ thực hiện”, ông Cung nhận xét.
Theo ông Cung, càng về cuối năm 2024, tình hình sản xuất và tiêu thụ xi măng có xu hướng tốt lên.
“Theo thống kê của Hiệp hội, năm 2024, sản lượng sản xuất xi măng đạt 101 triệu tấn. Điều đáng mừng là tiêu thụ xi măng đã tăng trở lại. Trong đó, tiêu thụ nội địa đạt 65 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2023. Với đà tăng này, nhiều khả năng sản xuất và tiêu thụ xi măng năm nay sẽ tốt hơn, nhất là khi nhiều công trình hạ tầng tiếp tục được triển khai xây dựng…”, ông Cung nhận định.
Dưới góc độ doanh nghiệp, đại diện Công ty Cổ phần Xi măng Fico-YTL (Fico-YTL) cho biết, công ty cũng đã nghiên cứu và phát triển xi măng hàm lượng clinker thấp, áp dụng công nghệ nghiền riêng để giảm hàm lượng clinker. Fico-YTL cũng nghiên cứu ứng dụng các khoáng chất trong phế phẩm công nghiệp và sử dụng hiệu quả các phụ gia hóa học phù hợp với đặc tính clinker nhằm tối ưu hóa sản phẩm. Sản phẩm xi măng xanh ECOCem của Fico-YTL phát thải CO2 thấp hơn ít nhất 30% so với xi măng portland, cùng với hàm lượng clinker giảm và việc sử dụng nguyên liệu thay thế.
Để thúc đẩy lộ trình chuyển đổi xanh cho ngành xi măng, Fico-YTL kiến nghị, cần có quy hoạch cung cầu và cơ cấu ngành bền vững, định hướng cho các đơn vị xi măng chuyển đổi xanh, tham khảo mô hình từ các nước trên thế giới như Trung Quốc. Ngoài ra, cần quy hoạch cung cầu theo vùng, ưu tiên sử dụng xi măng hỗn hợp thay vì portland và tận dụng năng lực đồng xử lý của ngành. Việc sớm ban hành tiêu chuẩn công trình xanh quốc gia cũng được nhấn mạnh nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững trong ngành xi măng.