Câu hỏi lớn nhất đang được đặt ra đối với Việt Nam là cách thức hay con đường nào là khả dĩ nhất để có thể đạt được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh?
Việt Nam đang ở một thời khắc lịch sử rất đặc biệt và dường như một cơ hội mới đang mở ra. Những thành quả hơn 30 năm Đổi mới là đáng kể, nhưng vẫn chưa như kỳ vọng.
Áp lực và khát vọng
Trong suốt chiều dài lịch sử, thời kỳ kinh tế xã hội phát triển rực rỡ nhất chính là hơn ba thập niên Đổi mới vừa qua (Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư 2016).
Có ít nhất ba nhân tố tích cực và thuận lợi cho Việt Nam. Đầu tiên là thành công và tác dụng của chiến dịch chống tham nhũng. Nó tạo ra niềm tin khả năng giải quyết những việc rất khó khăn và quyết tâm của chính quyền.
Thứ hai, những kết quả kinh tế khả quan và môi trường kinh doanh trong nước được cải thiện với sự lớn mạnh của một số doanh nghiệp dân tộc. Sự chuyển hướng vào các hoạt động có hàm lượng chất xám cao hơn và lớn mạnh của lực lượng doanh nghiệp dân tộc là một chỉ báo tích cực cho mục tiêu tạo dựng một quốc gia hùng cường. Lực lượng này đang lớn mạnh.
Thứ ba, vị trí của Việt Nam trên thế giới được nâng cao. Những thành quả đạt được và tiến trình mở cửa của Việt Nam cũng như việc tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế, đặc biệt là tính hiệu quả trong việc chống COVID-19 đã làm cho uy tín và vị trí của Việt Nam gia tăng.
Nhưng thách thức Việt Nam cần nhìn nhận đó là sự mai một niềm tin của công chúng. Thiếu niềm tin và khát vọng dẫn đến tư tưởng cá nhân chủ nghĩa của một bộ phận cán bộ công chức trong “cơ chế khuyến khích ngược” của khu vực công. Bên cạnh đó, nguy cơ của tham nhũng, lợi ích nhóm vẫn là một vấn đề rất lớn.
Thế giới đang ở một trạng thái hết sức khó lường và rất khó dự đoán. Với một quốc gia có độ mở của nền kinh tế thuộc nhóm cao nhất thế giới như Việt Nam và là tâm điểm trong tranh chấp và tranh giành ảnh hưởng của hai cường quốc mạnh nhất thế giới hiện nay là Mỹ và Trung Quốc nên mọi chuyện còn khó khăn hơn rất nhiều.
Kỳ vọng tương lai
Với những phân tích ở trên cho thấy giờ đây là thời điểm mà Việt Nam cần đưa ra những quyết sách và xác định đường hướng phát triển một cách rõ ràng, nhất quán với một khát vọng vươn lên. Để có thể làm được việc này, bốn vấn đề dưới đây cần được xem xét và triển khai.
Thứ nhất, tạo khát vọng của cả dân tộc để có được một Việt Nam dân giàu, nước mạnh. Đây là vấn đề tiên quyết cần phải có. Để có được điều này, Việt Nam cần khơi gợi và phát huy trí tuệ tập thể, niềm tự hào của dân tộc như trong những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của mình.
Thứ hai, chuyển đổi để Việt Nam phát huy hơn nữa mô hình chính quyền mạnh và hiệu quả do những người tài năng điều hành và từng bước mở rộng để có sự tham gia đông đảo của người dân. Từng bước mở rộng để có sự tham gia đông đảo của người dân trong việc quản trị quốc gia là hết sức quan trọng. Đây chính là mục tiêu dân chủ, văn minh mà Việt Nam đã đặt ra.
Nguyên tắc "người thổi sáo hay nhất được trao cây sáo tốt nhất" nên được chọn làm nền tảng vận hành xã hội. Để làm được điều này, những cơ chế phù hợp dựa trên các doanh nghiệp dân tộc cần được xem xét triển khai.
Thứ ba, luận giải kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) có nghĩa: kinh tế thị trường đóng vai trò tạo ra của cải cho xã hội, và định hướng XHCN tập trung vào mục tiêu công bằng. Trong mục tiêu tổng quát, định hướng XHCN là vì dân chủ, công bằng, văn minh trong mục tiêu tổng quát và kinh tế thị trường là cho mục tiêu dân giàu. Cần phát huy tốt chức năng và vai trò của ba trụ cột: Thị trường – Cộng đồng – Nhà nước cần được làm rõ.
Tuy nhiên, từ kinh nghiệm các nước cho thấy muốn phát triển thì vẫn phải dựa vào các doanh nghiệp đang nắm phần lớn nguồn lực của quốc gia. Vai trò của Nhà nước là sửa chữa các khuyết tật của thị trường và cải thiện công bằng. Nhà nước cần chú ý và tạo môi trường để hai trụ cột còn lại phát huy đúng vai trò. Đây chính là nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Thứ tư, lựa chọn đường hướng ngoại giao khôn khéo để Việt Nam có thể trở thành nơi lựa chọn ưa thích cho các nước giải quyết những vấn đề hay điểm nóng của thế giới như điều mà Singapore đã làm được trong nhiều thập kỷ qua.
Việt Nam đang đứng trước thời khắc lịch sử với cơ hội rất lớn đang đến nên cần có cách đi: "Giải pháp cho Việt Nam phải là một giải pháp Việt Nam, con đường của Việt Nam phải là con đường Việt Nam, phù hợp với xu thế chung của loài người và chiều hướng tiến bộ của thời đại".
Có thể bạn quan tâm
06:06, 11/02/2021
11:00, 10/02/2021
05:00, 12/10/2020
14:36, 29/06/2020
12:30, 13/06/2020
11:00, 29/05/2020
05:50, 26/05/2020
11:00, 18/05/2020
05:00, 17/05/2020