Vốn ngoại chi phối các doanh nghiệp đầu ngành

Diendandoanhnghiep.vn Với sự tham gia ngày một sâu của các nhà đầu tư ngoại trên thị trường tài chính Việt Nam, bóng dáng các “ông lớn” nước ngoài đang dần chi phối các thương hiệu đầu ngành.

Ngành bia: Doanh nghiệp ngoại chi phối

Với việc Công ty TNHH Vietnam Beverage mua vào hơn 53,59% vốn điều lệ của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã SAB), Sabeco đã trở thành doanh nghiệp bia đầu ngành Việt Nam sở hữu gián tiếp bởi người Thái. Và cũng bằng thương vụ này, khoảng 40% thị phần ngành bia Việt Nam hiện nay (xấp xỉ 42% thị phần ở thời điểm năm 2017) được quyết định bởi nhà đầu tư ngoại.

Nhìn vào danh sách các ông lớn ngành bia tại Việt Nam, 3 cái tên được nhắc đến tiếp theo là Heineken, Habeco, Carlsberg, với thị phần năm 2017 lần lượt là 21,8%, 16,7% và 9,7% (Nguồn: Euromonitor).

Trong đó, Habeco là doanh nghiệp duy nhất được sở hữu chi phối bởi người Việt (Bộ Công thương nắm chi phối), 2 đơn vị còn lại đều là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc, hơn 70% thị phần bia trong nước đang bị chi phối bởi nhà đầu tư ngoại.

Đó là chưa tính đến việc, bản thân Habeco đã có sự tham gia của Carlsberg (với 16,7% sở hữu cổ phần) và đang có ràng buộc pháp lý về quyền được mua tiếp; cũng như các thương hiệu bia ngoại khác đang có tên trong bảng thị phần như Saporo, SAB Miller, San Miguel…

Lưu ý, với việc tích cực thực hiện mua bán - sáp nhập (M&A) các nhà máy bia quy mô vừa ở các địa phương và đầu tư mạnh vào hoạt động marketing, trong những năm gần đây, vị thế của 2 hãng bia ngoại là Heineken và Carlsberg tăng vọt.

Báo cáo cập nhật thị phần ngành bia năm 2019 chưa được công bố, nhưng diễn biến trái chiều về quy mô doanh thu của Sabeco và Habeco trong năm 2018 (doanh thu thuần của Habeco là 9.100 tỷ đồng, giảm so với mức 9.800 tỷ đồng năm 2017, còn doanh thu thuần của Sabeco là 35.948 tỷ đồng, tăng hơn 1.500 tỷ đồng so với năm 2017) cho thấy vị thế doanh nghiệp Việt ngành bia dần thấp hơn.

ảnh 1

Tổng công suất nhà máy của một số hãng bia tại Việt Nam.

Ngành thuốc: Bóng dáng nhà đầu tư ngoại trong Top 10 thị phần

Không thấy dữ liệu chi tiết về thị phần của các doanh nghiệp ngành dược được công bố rộng rãi, nhưng thị trường luôn cho rằng, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) là doanh nghiệp trong nước có thị phần cao nhất, với doanh thu hợp nhất hơn 4.400 tỷ đồng năm 2018.

Hiện nay, cơ cấu sở hữu của DHG có 2 cổ đông lớn là Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (43,31% vốn điều lệ) và Taisho Pharmaceutical (35% vốn điều lệ). Đầu tháng 3/2019, Taisho đã nộp hồ sơ chào mua công khai cổ phiếu DHG, với khối lượng 28.358.748 cổ phiếu, tương đương gần 21,7% vốn điều lệ.

Nếu thực hiện chào mua thành công, sở hữu của Taisho tại DHG sẽ tăng lên gần 57% và DHG sẽ trở thành công ty nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

Đây chỉ là một trong số những doanh nghiệp sản xuất dược được nhà đầu tư ngoại nhắm đến.

Trước đó, Abbott đã hoàn tất sở hữu 51,7% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC). Abbott đồng thời sở hữu lớn tại Glomed Pharmaceutical, một doanh nghiệp được đầu tư lớn về cơ sở sản xuất.

Trong danh sách các công ty dược lớn tại Việt Nam còn có Công ty cổ phần Pymepharco (PMY), quy mô doanh thu lớn thứ 2 về dược phẩm trong số các công ty ngành dược đang niêm yết. Cổ đông lớn nhất tại MPY là Stada Service Holding B.V - doanh nghiệp đến từ Hà Lan, sở hữu 62% vốn điều lệ.

Tại Công ty cổ phần Traphaco, Magbi Fund Limited - nhà đầu tư đến từ Hồng Kông đang là cổ đông lớn nhất, tỷ lệ sở hữu 25% vốn điều lệ. Với cơ cấu sở hữu phân tán như hiện nay, xác suất để Traphaco bị thâu tóm bởi nhà đầu tư ngoại trong ngắn hạn có thể chưa lớn, nhưng doanh nghiệp có lợi thế về thương hiệu, vị thế trên thị trường, đặc biệt là vị thế trong lĩnh vực Đông dược, nên khả năng khối ngoại sẽ gia tăng tỷ lệ sở hữu.

Nhìn chung, nhà đầu tư ngoại tìm cách thâu tóm các doanh nghiệp dược lớn, hoặc những doanh nghiệp đã đầu tư lớn về cơ sở sản xuất nhưng chưa tạo được doanh thu… đang là xu hướng diễn ra tại thị trường Việt Nam. Với xu hướng này, bên cạnh tỷ lệ lớn thuốc tiêu thụ trong nước được nhập khẩu, việc trực tiếp mở nhà máy tại Việt Nam song song với mua thâu tóm doanh nghiệp dược là yếu tố khiến ngành dược ngày càng phụ thuộc vào nhà đầu tư ngoại.

Ở lĩnh vực dược, chỉ có mảng phân phối dược phẩm là chưa rơi vào tay nhà đầu tư ngoại do vấn đề pháp lý, theo cam kết WTO và các văn bản pháp luật của Việt Nam. 

Mảng bán lẻ: Nội địa trông chờ Vinmart, Co.op mart…

Phân phối, bán lẻ được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao về tiềm năng tăng trưởng tại Việt Nam. Dĩ nhiên, ở lĩnh vực này, nhà đầu tư ngoại đang thể hiện quyết tâm xâm nhập và phát triển thị trường.

Nghiên cứu của Kantar Worldpanel Việt Nam cho thấy, chuỗi bán lẻ nội chiếm 3/4 thị phần và chỉ có 1/4 thị phần còn lại là chuỗi ngoại. Tuy nhiên, đi sâu vào phân tích thì chuỗi phân phối ngoại đang dần chiếm ưu thế.

Theo đó, ở nhóm mô hình siêu thị và siêu thị mini, các thương hiệu Việt Nam chiếm khoảng 92% thị phần. Ở phân khúc cửa hàng tiện lợi, khoảng 80% thị phần thuộc về nhà đầu tư nước ngoài. Ở kênh đại siêu thị, cuộc chơi đang ở tay nhà đầu tư ngoại, chủ yếu là Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, với các thương hiệu như BigC (nhà đầu tư Thái Lan - Central Group đã mua), Lotte Mart (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản), dần dần phủ sóng cả nước.

Sự vận động của các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, với sự tham gia chủ yếu của các nhà đầu tư ngoại đang dần tỏ ra có ưu thế so với các hình thức bán lẻ trong nước.

Hiện tại, 3 chuỗi có lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam là Saigon Co.op, Hapro và Vinmart. Ngoài ra, thị trường chứng kiến sự tham gia của một số “ông lớn” khác vào lĩnh vực này, nhưng quy mô hiện còn khá nhỏ. 

Ngành ống nhựa: Nhà đầu tư Thái Lan chi phối doanh nghiệp đầu ngành

Đối với lĩnh vực sản xuất ống nhựa, hai doanh nghiệp đầu ngành là Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) và Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP) đang nắm chi phối ngành, với khoảng 60% thị phần. Trong đó, thị phần mỗi công ty xấp xỉ 30% và Nhựa Tiền Phong chi phối thị trường miền Bắc, Nhựa Bình Minh chi phối thị trường miền Nam.

Nhựa Bình Minh đã được nhà đầu tư Thái Lan mua chi phối, còn Nhựa Tiền Phong có 15% vốn cổ phần được sở hữu bởi cổ đông Nhật Bản. Doanh nghiệp xếp thứ 3 về thị phần là Đệ Nhất (khoảng 10% thị phần cả nước) có vốn từ Đài Loan.

Chỉ riêng với cơ cấu sở hữu trên, khoảng 40% thị phần sản xuất ống nhựa trong nước đã bị chi phối bởi nhà đầu tư ngoại. Nếu Nhựa Tiền Phong bị thâu tóm bởi doanh nghiệp ngoại khi Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước thoái vốn trong thời gian tới, thì khoảng 70% thị phần ngành sẽ do nhà đầu tư ngoại quyết định. Trong nước, cái tên đối trọng duy nhất đủ lớn có lẽ là Hoa Sen. 

Đón vốn ngoại, nhưng làm sao để doanh nghiệp nội không lép vế?

Vinamilk - doanh nghiệp lớn nhất ngành sữa đang là đối tượng được các nhà đầu tư ngoại săn đón. Nhiều doanh nghiệp đầu ngành ở những lĩnh vực tiềm năng khác cũng trở thành mục tiêu của các thương vụ M&A mà nhà đầu tư ngoại theo đuổi. Đó là điều dễ hiểu, bởi khi bỏ tiền mua doanh nghiệp, nhà đầu tư phải chọn doanh nghiệp có lợi thế và có cơ hội sinh lời cao. Nhưng hệ lụy của sự theo đuổi ấy đối với doanh nghiệp nội có thể xảy ra.

“Tôi cho rằng nên ủng hộ Habeco cũng như Vinmart hay các doanh nghiệp Việt khác, bởi đó là những doanh nghiệp Việt có thể làm đối trọng trong một cuộc đua mà lợi thế gần như đã thiên về doanh nghiệp ngoại. Chúng ta không nói phải bảo hộ, nhưng rõ ràng, khi nhà đầu tư ngoại chi phối thì hệ lụy có thể xảy ra, nhất là việc mất thị phần hàng nội địa ngay trên sân nhà”, chủ tịch hội đồng quản trị một doanh nghiệp ngành nhựa không muốn nêu tên nói và nhận định, nếu không giữ được Nhựa Tiền Phong thì sẽ không còn cửa cho doanh nghiệp nội phát triển.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên của Nhựa Bình Minh, một vấn đề được nhà đầu tư trong nước quan ngại là có hay không mâu thuẫn lợi ích giữa Nhựa Bình Minh và công ty mẹ? Giải thích của Nhựa Bình Minh cho thấy, Công ty không có nguy cơ mâu thuẫn này, do giao dịch với công ty có liên quan ở mức thấp. Nhưng lo ngại của nhà đầu tư nhỏ về nguy cơ sụt giảm lợi nhuận tại Nhựa Bình Minh có thể có cơ sở, nếu cổ đông lớn lựa chọn chính sách theo đuổi thị phần trong thời gian tới, thay vì lợi nhuận.

Câu chuyện diễn biến khác biệt về tỷ lệ thay đổi doanh thu, giá vốn của Sabeco cũng là một ví dụ đáng quan tâm.

Năm 2018, doanh thu của Sabeco tăng 4,5%, nhưng giá vốn hàng bán tăng 10%, tương đương tỷ lệ giá vốn hàng bán trên doanh thu tăng từ mức 73,5% lên 77,31%. Trong khi đó, tại Habeco, doanh thu giảm 6%, giá vốn hàng bán giảm 5,28%, tương đương với tỷ lệ giá vốn hàng bán trên doanh thu tăng từ 73,8% lên 75,3%.

Mặc dù lợi nhuận sau thuế của Habeco năm 2018 có tốc độ sụt giảm mạnh hơn nhiều so với Sabeco và mỗi doanh nghiệp có cơ cấu sản phẩm, chính sách giá khác nhau, nhưng vì sao có sự thay đổi mạnh cơ cấu giá vốn hàng bán trên doanh thu của Sabeco khi cổ đông Thái lên nắm quyền kiểm soát là một câu hỏi cần lời giải đáp.

Làm sao để mở cửa đón dòng vốn ngoại nhưng không ảnh hưởng đến sự tồn tại của doanh nghiệp nội và để không thất thu thuế như bài học từ khối doanh nghiệp FDI trước đây là điều mà thị trường quan tâm, khi có ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu ngành trong các lĩnh vực chịu sự chi phối của nhà đầu tư ngoại. 

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Vốn ngoại chi phối các doanh nghiệp đầu ngành tại chuyên mục DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713429524 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713429524 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10