Nông nghiệp sẽ là yếu tố then chốt để kinh tế Việt Nam phát triển đột phá một cách bền vững, do đó, chuyên gia đánh giá thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp xanh là tất yếu.
Phát biểu tại Diễn đàn Chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định, công cuộc chuyển đổi số đối với nông nghiệp đang là đòi hỏi cấp thiết và phải làm nhanh. Việt Nam xác định tăng trưởng dựa trên khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, điều này sẽ tạo ra bước ngoặt, tích hợp nền kinh tế tri thức, mang lại sự phát triển bền vững.
“Chúng ta không thể chần chừ. Bối cảnh hiện nay, xã hội luôn biến đổi, ví dụ COVID-19 với biến thể mới, phức tạp, chúng ta không thể dự báo trước. Nền nông nghiệp cũng dựa vào câu chuyện biến đổi đó, từ đó định hướng, thích nghi", ông Hoan phân tích.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT xác định, nông nghiệp Việt Nam đứng trước 3 thách thức là: biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến đổi xu thế tiêu dùng trên thế giới.
Theo đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin, chúng ta đang sống trong nền kinh tế xanh, ở châu Âu người ta đã đưa ra tiêu chí tiêu dùng xanh, sản phẩm sản xuất không ảnh hưởng đến hệ sinh thái, không ảnh hưởng đến môi trường. Vì vậy, nền nông nghiệp phải thay đổi.
“Đây là thách thức lớn vì nhiều năm chúng ta đi theo câu chuyện sản xuất rồi mang đi bán. Hiện, mỗi thị trường đòi hỏi khác nhau, về an toàn vệ sinh thực phẩm, thị trường năm sau khác năm trước, đòi hỏi cập nhật, thay đổi liên tục”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Tư lệnh ngành Nông nghiệp, thách thức cũng là thời cơ, chúng ta chuyển đổi để hòa nhập với thế giới, đi sau cũng có dư địa lớn để phát triển. Chúng ta đang chuyển từ giai đoạn sản xuất nông nghiệp là chính sang kinh tế nông nghiệp dựa trên khoa học công nghệ, chuyển đổi số.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Minh Hằng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao đánh giá, ngành nông nghiệp sẽ chịu tác động rất lớn, có nhiều thách thức và cơ hội, giúp phát triển bứt phá hơn trong chính đại dịch COVID-19.
Theo đó, có 6 lĩnh vực bị ảnh hưởng. Thứ nhất, giá cả nông sản, lương thực thời gian tới sẽ bất ổn do nhiều nguyên nhân (chính sách các nước, đại dịch, cung ứng đứt gãy). Thứ hai, nguồn cung sẽ mang tính thiếu bền vững hơn. Nhìn lại lịch sử các kỳ đại dịch, nguồn cung thực phẩm là yếu tố rất dễ bị tổn thương, nhất là trong biến đổi khí hậu. Thứ ba, xu thế tiêu dùng có sự thay đổi, chẳng hạn nhận thức dinh dưỡng, các giá trị mang tính hữu hình...
Nhìn chung, nông nghiệp sẽ là một trong 10 lĩnh vực có thể chuyển sang kinh tế tuần hoàn.
Do đó, bà Nguyễn Minh Hằng đưa ra bốn kiến nghị, thứ nhất trong tư duy và nhận thức, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nhận thức, tư duy áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, đào tạo và đào tạo lại các kỹ năng số.
Thứ hai là các vấn đề liên quan đến nông nghiệp, pháp lý, chính sách kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, định hướng hoạt động trong xây dựng thương mại điện tử toàn cầu, thanh toán không tiền mặt, thanh toán điện tử...
Thứ ba là các biện pháp cần triển khai, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, hình thành mạng lưới, khởi tạo diễn đàn, thúc đẩy cam kết sản xuất, thu hút đầu tư, công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường. Cuối cùng là đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Đồng ý với quan điểm yêu cầu về thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Huy Dũng khẳng định, đại dịch hiện nay, càng thấy rõ vai trò vốn có của nông nghiệp trong việc duy trì sự sinh tồn của xã hội.
“Phát triển nông nghiệp là nền tảng, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội. Đại dịch xảy ra, cũng đã chứng minh tính cấp thiết, hiệu quả và xu thế tất yếu của chuyển đổi số để phát triển các lĩnh vực kinh tế xã hội nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng", Bộ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhận định.
Ông Dũng thông tin thêm, nông nghiệp là lĩnh vực chiếm 14% GDP Việt Nam, chiếm gần 40% lực lượng lao động. Nông nghiệp đã phát triển vượt bậc, đã trở thành trụ đỡ của nền kinh tế. Những kết quả đạt được là rất đáng tự hào. Tuy nhiên, thách thức hiện nay là làm sao để nâng cao hiệu quả, nâng cao hiệu năng, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Xét ở góc độ này, dư địa cho nông nghiệp phát triển đột phá trong giai đoạn tới là rất lớn.
"Nói không quá, nông nghiệp sẽ là yếu tố then chốt để kinh tế Việt Nam phát triển đột phá một cách bền vững", Bộ trưởng phát biểu.
Mục tiêu được đặt ra là người nông dân sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất. Chuyển đổi số nhằm phát triển nông nghiệp số chính là một trong những chìa khoá để thực hiện thành công mục tiêu này.
Trong Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia cũng đã đề ra một số định hướng trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.
Thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu. Tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản.
Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Triển khai sáng kiến "Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số".
Thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý để có các chính sách, điều hành kịp thời phát triển nông nghiệp như dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch.
Có thể bạn quan tâm
05:30, 10/09/2021
11:00, 31/08/2021
10:58, 25/08/2021
11:30, 13/08/2021