Tín dụng - Ngân hàng

Xu hướng lãi suất huy động sẽ ra sao trong quý cuối năm 2024?

Lê Mỹ 07/10/2024 05:20

Sau nhiều đợt điều chỉnh lãi suất huy động, hiện nhiều nhà băng đã trả lãi suất kỳ hạn trung và dài hạn từ trên 6%/năm.

Theo thống kê, hiện thị trường có 9 ngân hàng niêm yết lãi suất từ 6%/năm mà không yêu cầu điều kiện về giá trị tiền gửi. Các ngân hàng có kỳ hạn huy động trả ở mức lãi suất này, có thể kể đến là NCB, Dong A Bank, HDBank, OceanBank, SaigonBank, BacABank, SHB, OCB, BVBank, BaovietBank, DongABank...

KQKD quý 2/2024 ghi nhận ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng khá tốt; Một số ngân hàng duy trì chất lượng tài sản ở mức tương đối. Ảnh minh họa: Quốc Tuấn
Nhóm NHTM lớn vẫn giữ mặt bằng lãi suất thấp ở các kỳ hạn, cao nhất vẫn dưới 5%/năm. Ảnh minh họa: Quốc Tuấn

Tuy nhiên, lãi suất cao nhất được trả trên thị trường hiện tại lại gọi tên PVCombank (9,5%/ năm cho 2000 tỷ đồng, kỳ hạn 12-13 tháng). Một số nhà băng cũng có kỳ hạn dài trả lãi cao từ 7,5% như MSB, HDBank, kèm điều kiện về giá trị tiền gửi.

Có thể thấy, từ mức lãi suất huy động giảm thấp về dưới 5% tại cuối 2023, sau nhiều đợt điều chỉnh, lãi suất huy động cả ngắn, trung và dài hạn đều đã nhích tăng lên.

Riêng trong tháng 9, một loạt nhà băng gồm NCB, OCB, BVBank, Dong A Bank, OceanBank, VietBank, GPBank, Agribank, Bac A Bank, PGBank, Nam A Bank cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động chủ yếu tại các kỳ hạn ngắn. Mặt bằng lãi suất kỳ hạn 12 tháng của nhóm các ngân hàng có vốn điều lệ nhỏ ghi nhận phổ biến từ 5,5%.

Nhận định về xu hướng lãi suất tiền gửi trên thị trường, nhóm nghiên cứu MBS Research cho rằng xu hướng tăng lãi suất tiền gửi tiếp tục chững lại trong tháng 9, khi chỉ có một vài ngân hàng tăng lãi suất với mức tăng từ 0,1% - 0,5%, cho thấy thanh khoản hệ thống khá dồi dào trong vài tuần đầu tháng.

Tuy nhiên, việc cơn bão Yagi gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng khiến nhiều doanh nghiệp mất khả năng trả nợ, có thể làm gia tăng áp lực nợ xấu (nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 6 năm nay đã tăng 5,77% so với cuối năm 2023).

Do đó, đây là yếu tố thúc đẩy các NH tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động nhằm thu hút vốn mới, qua đó giúp đảm bảo thanh khoản. Đến cuối tháng 9, lãi suất 12 tháng trung bình của nhóm NHTM đã tăng 13 điểm cơ bản so với đầu năm lên mức 5%, trong khi lãi suất của nhóm NHTMCP quốc doanh vẫn giữ nguyên ở mức
4,7%, thấp hơn 26 điểm cơ bản so với đầu năm.

Lai suat
Lãi suất huy động của các nhóm ngân hàng (%/năm)

MBS Research cho rằng sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm, sẽ phần nào gây áp lực lên thanh khoản hệ thống và có thể dẫn đến việc tăng lãi suất đầu vào.

Tính đến ngày 17/9, tăng trưởng tín dụng đã tăng 7,38%, cao hơn so với mức 5,3% ghi nhận vào cùng kỳ năm ngoái. Ở chiều ngược lại, việc lạm phát ở mức thấp và Fed hạ lãi suất được kỳ vọng sẽ tạo thêm dư địa cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ tại Việt Nam.

Theo đó, các chuyên gia dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NHTM lớn sẽ có thể nhích thêm 20 điểm cơ bản, dao động quanh mức 5,1% - 5,2% vào cuối năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xu hướng lãi suất huy động sẽ ra sao trong quý cuối năm 2024?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO