“3 năm đều vượt thu, nhưng lại vượt thu từ đất, từ xổ số, tài nguyên. Loại trừ khoản này ra thì 3 khoản quan trọng nhất mà cả 3 năm đều hụt thu là thu DNNN, thu FDI và thu cổ phần hoá quốc doanh”.
Đó là một trong những ý kiến ĐB Hoàng Quang Hàm, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách (Phú Thọ) đã đưa ra tại buổi thảo luận tổ sáng nay (24/10) về tình hình kinh tế xã hội năm 2018.
Ngoài ra, nhiều đại biểu khác cũng nêu dẫn chứng vẫn còn tình trạng giao vốn chậm, đầu tư không trọng điểm, quá nhiều dự án dở dang,…
Có thể bạn quan tâm
01:01, 24/10/2018
17:14, 22/10/2018
04:28, 18/10/2018
11:00, 16/10/2018
16:13, 15/10/2018
21:00, 12/10/2018
10:35, 26/09/2018
ĐB Hoàng Quang Hàm cho biết, tỷ trọng thu ngân sách trung ương đang bị giảm so với giai đoạn trước, cho thấy điều tiết ngân sách đang có vấn đề.
Điển hình như việc thu ngân sách vượt nhưng không bền vững. “Nếu tính 3 năm đều vượt thu nhưng lại vượt thu từ đất, từ xổ số, tài nguyên. Loại trừ khoản này ra thì 3 khoản quan trọng nhất mà cả 3 năm đều hụt thu là thu DNNN, thu FDI và thu cổ phần hoá quốc doanh. Chúng ta thu đáp ứng nhu cầu chi nhưng nguồn thu không cân đối một cách bền vững” – ông Hàm phân tích.
Cùng với đó, tỷ lệ thu ngân sách trung ương hiện nay đang bị giảm so với giai đoạn trước, nếu ngân sách trung ương không đủ nguồn, ông Hàm cho rằng các công trình quan trọng quốc gia chúng ta sẽ không làm được. Ví dụ việc lớn như tuyến đường ven biển, nếu trung ương làm thì sẽ khác so với việc giao cho các địa phương làm, bởi các địa phương sẽ không làm thành công trình hoàn hảo được.
Theo ông Hàm, tỷ trọng này giảm sút cho thấy phân cấp, điều tiết ngân sách đang có vấn đề nên phải đảm bảo vai trò của trung ương và phải đảm bảo nguồn thu thì mới có thể đảm bảo nhiệm vụ chi để phát triển kinh tế. Ông gợi ý Chính phủ có thể đi theo hướng khai thác các nguồn thu còn dư địa mà không ảnh hưởng đến người dân, tập trung vào thuế trực thu chứ không vào thuế gián thu như thuế VAT, thuế môi trường…
Một vấn đề đáng lưu ý được ông Hàm nhắc đến, là trong 3 năm gần đây, chúng ta đang giao phần nội địa quá cao cho các địa phương, như 2017 có 33 địa phương hụt thu, sau khi có yêu cầu dùng các nguồn để bù đắp thì rất nhiều tỉnh đã bán đất, đây là việc phải cân nhắc vì nó có giới hạn. Nhiều tỉnh cũng phải sử dụng quỹ tài chính và các nguồn dư từ bao nhiêu năm tích luỹ lại của cải cách tiền lương để sử dụng, dẫn đến cạn kiệt dư địa để phát triển. Ông Hàm lưu ý cần cân nhắc về vấn đề này.
Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách tiếp tục phân tích, tới đây, năm 2019, Quốc hội sẽ quyết định 198 nghìn tỷ cho chi đầu tư ngân sách trung ương, bao gồm toàn bộ nguồn thu, nguồn vay, trái phiếu chính phủ… Tiếp tục đến năm 2020, dự báo trên nền cao thì cũng chỉ bố trí được cho đầu tư của trung ương tất cả các nguồn khoảng 217 nghìn tỷ, cộng lại là hơn 410 nghìn tỷ.
Nhưng hiện nay, kế hoạch trung hạn đã giao là 475 nghìn tỷ cho các dự án đã có tên và có mức tiền. "Nghĩa là với mức cân đối đó, chúng ta không đủ bố trí cho các dự án triển khai", đại biểu Hàm nói.
“Nếu ta mang tiếp nguồn dự phòng trung ương ra là 94 nghìn tỷ nữa để phân ra thì chắc chắn các dự án đang triển khai sẽ bị đình hoãn, vì tiền đưa vào tiếp tục dàn trải, và rất có thể vì thế mà thành quả của chúng ta trong gần 3 năm qua sẽ bị xoá sổ” – ông Hàm cảnh báo.
ĐB Nguyễn Trường Giang (Đăk Nông) cũng đã ghi nhận những kết quả đạt được trong thời gian qua như Báo cáo đã nêu, tuy nhiên theo vị đại biểu này thì vẫn còn nhiều nội dung thể hiện hạn chế yếu kém. Ngoài những thành công như đã báo cáo thì vẫn còn tình trạng giao vốn chậm, vi phạm pháp luật, giao nhiều lần,…
“Đề nghị Quốc hội cần nêu trách nhiệm rõ ràng, ví dụ: Vấn đề nào thuộc thẩm quyền Thủ tướng, vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội, vấn đề nào của bộ trưởng và vấn đề nào thuộc trách nhiệm chính quyền địa phương”, ông Giang nêu quan điểm.
Theo ông Giang, với các dự án, công trình quan trọng của quốc gia thì cần có sự bố trí phù hợp chứ không thể mang đi để khấu trừ nợ được.
“Đề nghị Ủy ban Tài chính Ngân sách đưa vào trong nghị quyết thời hạn cụ thể, báo cáo Quốc hội để đưa vào kế hoạch đầu tư công chung hạn theo đúng nghị quyết 26”, ông Giang đề xuất.
Ở góc nhìn khác, ĐB Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) lại cho rằng, kinh phí bảo vệ môi trường, theo báo cáo bộ Bộ Tài nguyên Môi trường lại chủ yếu dành cho bộ ngành tuyên truyền nâng cao nhận thức. Hầu như kinh phí ngân sách để bảo vệ môi trường rất ít. Cơ sở ô nhiễm môi trường đang cần nguồn lực để khắc phục nhưng lại phân cấp cho nhiều cơ quan.
“Chúng tôi đặt ra câu hỏi, những công trình ô nhiễm môi trường chưa được khắc phục, tiền đã ít nhưng đầu tư dàn trải cho nhiều bộ ngành, địa phương. Điều này đặt ra bài toán phải sử dụng ngân sách thiết thực chứ không thể chỉ dùng để tuyên truyền”, bà Lan nói.
Theo ĐB Nguyễn Thị Lan, sử dụng nguồn lực công phải biết trân trọng, nâng niu đồng tiền của người dân thế nào cho hiệu quả. Tạo nên dư luận xấu, bức xúc của người dân nó không đáng quá. Chi tiêu đúng nơi, đúng chỗ, đúng thời điểm.
“Quốc hội phải hỗ trợ Chính phủ làm sao sử dụng nguồn ngân sách công, đầu tư công cần phải có quy định, chứ không thể giao, trong khi hành lang pháp lý chưa hoàn thiện dẫn tới thiếu hiệu quả”, bà Lan nêu quan điểm.