Không thể viện cớ “không biết” để thoát trách nhiệm. Khi nghệ sĩ quảng bá sai sự thật, luật pháp cần lên tiếng đúng lúc và đủ sức để răn đe…
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, thời gian qua, hàng loạt nghệ sĩ, người nổi tiếng từng xuất hiện trong các video quảng bá thực phẩm chức năng, sữa bột với giọng điệu chắc nịch: “Tôi đã dùng cho con mình”, “Sản phẩm rất tốt, nên chia sẻ cho mọi người”. Những phát ngôn đó được tung lên mạng, cắt thành clip ngắn, lan truyền trên hàng trăm fanpage.
Hàng nghìn người tiêu dùng không ngần ngại xuống tiền vì tin rằng “người nổi tiếng dùng thì chắc không sao”.
Nhưng khi cơ quan chức năng vào cuộc, sản phẩm bị kết luận là vi phạm công bố, quảng cáo sai sự thật, thậm chí là hàng giả thì những nghệ sĩ từng “bảo chứng” cho sản phẩm lại gần như im lặng?!
Theo các chuyên gia pháp lý, trong các quy định hiện hành như Luật Quảng cáo (Văn bản hợp nhất 25/VBHN-VPQH năm 2024), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Luật số 19/2023/QH15) hay Luật An toàn thực phẩm, đều đã có điều khoản cấm hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, quảng cáo gây nhầm lẫn. Tuy nhiên, hầu hết các quy định đó chỉ xác lập trách nhiệm với doanh nghiệp sản xuất, tổ chức truyền thông hoặc nền tảng kỹ thuật. Đối với nghệ sĩ, người trực tiếp sử dụng danh tiếng cá nhân để tạo ra niềm tin lại không có chế tài cụ thể để xử lý khi họ phát ngôn sai sự thật.
Ngay cả Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cũng chỉ dừng ở mức đạo đức, không đủ hiệu lực cưỡng chế. Chính điều này khiến việc xử lý các nghệ sĩ vi phạm thường rơi vào vùng xám: không thể buộc trách nhiệm như doanh nghiệp, nhưng cũng không thể xem là ngoài cuộc.
Đáng chú ý, sau mỗi sự cố, điệp khúc quen thuộc lại xuất hiện: xóa bài, khóa bình luận, đăng một lời xin lỗi ngắn gọn rồi biến mất khỏi mạng xã hội. Một số nghệ sĩ còn chọn cách rút lui khỏi showbiz để “bình yên”. Nhưng theo các chuyên gia pháp lý, đó chỉ là cách tạm thời để xoa dịu dư luận, hoàn toàn không đồng nghĩa với việc chịu trách nhiệm pháp lý.
Phân tích dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Tạ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật Emme Law cho biết, hiện nay, pháp luật chưa có quy định riêng xử lý trách nhiệm của cá nhân nổi tiếng trong quảng cáo. Tuy nhiên, nếu xét trên nguyên tắc chung của Bộ luật Dân sự, người nào đưa ra thông tin sai lệch dẫn đến hậu quả cho người khác thì phải chịu trách nhiệm bồi thường.
“Vấn đề là chúng ta cần hoàn thiện hành lang pháp lý để làm rõ vai trò của nghệ sĩ trong chuỗi hoạt động thương mại, từ đó đặt họ vào vị trí có thể bị truy cứu nếu cố ý nói sai, nói phóng đại hoặc đồng lõa với đơn vị vi phạm”, luật sư Tạ Anh Tuấn nói.
Đồng ý với quan điểm này, luật sư Trần Hồng Tình – Giám đốc Công ty Luật Đức Trí An cho rằng, khi nghệ sĩ biết rõ sản phẩm chưa được cấp phép lưu hành, chưa đủ kiểm nghiệm về công dụng mà vẫn đứng ra quảng bá, khẳng định hiệu quả thì không thể gọi đó là vô ý.
“Họ đang sử dụng danh tiếng cá nhân để làm công cụ lan truyền thông tin sai lệch. Nếu gây thiệt hại, đặc biệt là về sức khỏe người tiêu dùng, thì cần bị xem xét cả trách nhiệm dân sự và trong những trường hợp nhất định là trách nhiệm hình sự”, luật sư Trần Hồng Tình nhấn mạnh.
Theo hai chuyên gia, giải pháp không nằm ở việc xử lý từng trường hợp đơn lẻ, mà phải xuất phát từ việc thiết lập một cơ chế minh bạch: nghệ sĩ khi tham gia quảng cáo phải ký cam kết rõ ràng, chịu liên đới trách nhiệm khi phát ngôn sai sự thật. Việc ban hành quy định cụ thể về hành vi quảng cáo của người nổi tiếng, đặc biệt trên nền tảng số, là điều cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, việc xử lý không thể chỉ dừng lại ở phản ứng xã hội hay khuyến cáo đạo đức. Niềm tin công chúng không thể bị đem ra đánh cược bằng danh tiếng. Và nghệ sĩ, khi đã lựa chọn trở thành người bán hàng bằng lời nói, thì cũng cần học cách chịu trách nhiệm bằng hành động.
Khi niềm tin bị lạm dụng, và danh tiếng trở thành công cụ tiếp tay cho sai lệch, pháp luật không thể đứng ngoài.
Thiết nghĩ, đã đến lúc phải nghĩ đến một thiết chế kiểm soát hiệu quả hơn, không chỉ là cảnh báo, mà là ràng buộc thực chất. Ở kỳ cuối, chúng tôi sẽ bóc tách những đề xuất cải cách cần thiết trong bối cảnh hiện nay.