Khi nghệ sĩ mải mê quảng bá sản phẩm vì tiền, họ có thể đánh đổi cả uy tín lẫn sự nghiệp, để rồi ánh hào quang chỉ còn lại bóng tối niềm tin công chúng…
Không còn là cảnh báo mơ hồ hay những lời nhắc nhẹ nhàng như trước, tuyên bố thẳng thắn từ Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình tại Họp báo Chính phủ thường kỳ vừa qua đã chính thức “siết chặt” vòng kiểm soát với hoạt động quảng cáo của người nổi tiếng.
Cụ thể, nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật có thể bị cấm quảng cáo, thậm chí bị hạn chế hoạt động nghệ thuật, truyền thông và trên cả mạng xã hội. Một hợp đồng quảng cáo có thể mang về hàng chục, đến hàng trăm triệu đồng, nhưng cũng đủ sức xóa sạch danh tiếng mà nghệ sĩ chật vật gây dựng cả đời.
Trong vài năm trở lại đây, thị trường quảng cáo online, đặc biệt là trên mạng xã hội trở thành “mỏ vàng” với giới nghệ sĩ, KOLs và người có tầm ảnh hưởng. Họ chỉ cần ngồi nhà, mặc đồ đẹp, đọc vài dòng giới thiệu là có thể dễ dàng bỏ túi vài chục đến cả trăm triệu đồng cho mỗi sản phẩm. Nhưng ẩn sau ánh đèn sân khấu ấy là cả một “kho tạp hóa” hỗn loạn về thông tin, chất lượng sản phẩm, và đặc biệt là sự thiếu trách nhiệm của người đứng ra quảng cáo.
Hãy nhớ lại trường hợp diễn viên Q.A. từng khiến dư luận “dậy sóng” khi livestream quảng cáo thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc. Dù nhận nhiều phản ứng từ cộng đồng mạng và buộc phải đăng bài xin lỗi, video đó vẫn tồn tại hàng giờ, kịp thu hút hàng trăm ngàn lượt xem, đồng nghĩa với hàng trăm ngàn khách hàng tiềm năng bị tác động.
Hay như vụ việc ca sĩ H.V. quảng bá loại thuốc xương khớp "chữa khỏi sau 7 ngày" đi ngược hoàn toàn với thông tin từ Bộ Y tế, từng bị chính cơ quan quản lý truyền thông vào cuộc xử lý. Đó là chưa kể trường hợp nữ ca sĩ H.L., từng giới thiệu một loại sản phẩm “hỗ trợ ngừa ung thư” mà giới chuyên môn gọi là “phi lý đến mức nguy hiểm”.
Những vụ việc ấy không phải là cá biệt. Thực tế, trong khi pháp luật chưa kịp điều chỉnh thì mạng xã hội lại đang trở thành “miền đất vô luật”, nơi bất kỳ ai có sức ảnh hưởng cũng có thể quảng bá bất kỳ sản phẩm nào, miễn là... có tiền. Công chúng nhiều khi bị đánh lừa bởi hình ảnh nghệ sĩ mặc áo dài thướt tha, nói chuyện ngọt ngào, hoặc lấy danh nghĩa “mẹ bỉm sữa”, “người từng chữa khỏi bệnh” để lôi kéo lòng tin.
Về phía quản lý, những bước đi đầu tiên đã được đặt ra khá sớm. Tháng 6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Đến tháng 12 cùng năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng ra quy tắc dành riêng cho người hoạt động nghệ thuật. Tuy nhiên, như Thứ trưởng Lê Hải Bình thẳng thắn nhìn nhận, thực tiễn ngày càng phát sinh nhiều vấn đề mới phức tạp hơn. Việc sửa đổi Luật Quảng cáo hiện đang được gấp rút triển khai, trong đó sẽ bổ sung các điều khoản rất cụ thể liên quan đến nghệ sĩ, người nổi tiếng tham gia quảng cáo: như tăng mức xử phạt, cấm quảng cáo nếu vi phạm, thậm chí hạn chế xuất hiện trên truyền thông và mạng xã hội.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao lại cần mạnh tay đến vậy? Câu trả lời nằm ở chỗ: người nổi tiếng có sức lan tỏa khủng khiếp, đồng nghĩa với trách nhiệm xã hội vô cùng lớn. Khi một nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, họ không chỉ lừa dối khán giả mà còn gián tiếp tiếp tay cho sản phẩm kém chất lượng len lỏi vào đời sống, nhất là khi nạn hàng giả, hàng nhái đang hoành hành.
Không thể có chuyện một mặt nghệ sĩ được ca tụng là hình mẫu truyền cảm hứng, mặt khác lại được “nhắm mắt làm ngơ” khi họ tiếp tay cho sản phẩm gây hại. Họ không thể dùng danh tiếng để kiếm tiền bằng mọi giá rồi đổ lỗi cho đơn vị thuê quảng cáo khi có sự cố xảy ra. Danh tiếng không thể là giấy miễn trừ trách nhiệm.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Hải Bình, trong câu chuyện này, vai trò giám sát của công chúng là rất quan trọng. Trong thời đại số, người dân không chỉ là người tiêu dùng, mà còn là người phản biện. Một bình luận, một video bóc phốt, thậm chí chỉ một bài đăng phê phán cũng có thể thổi bùng lên làn sóng tẩy chay, khiến nghệ sĩ “đóng băng” sự nghiệp chỉ sau một đêm.
Thẳng thắn để nói, có lẽ cũng không nên nhìn vấn đề này thuần túy dưới góc độ pháp luật. Sâu xa hơn, đây là bài kiểm tra đạo đức nghề nghiệp của người nghệ sĩ. Họ hoàn toàn có quyền kiếm tiền chính đáng từ quảng cáo, nhưng cái giá phải trả khi đánh đổi lòng tin của công chúng đôi khi là... không thể đong đếm.
Sự thẳng tay của cơ quan quản lý lúc này là cần thiết, nhưng sự tỉnh táo của nghệ sĩ và sự tỉnh ngộ của cả thị trường quảng cáo mới là yếu tố quyết định. Chỉ khi người nổi tiếng hiểu rằng “khán giả không ngu ngốc”, và sự nổi tiếng không đi kèm với trách nhiệm là thứ hào quang dễ vỡ nhất, thì mới có thể có một môi trường truyền thông văn minh, lành mạnh.
Bởi sau cùng, một quyết định sai dù có thể mang lại hợp đồng béo bở nhưng cũng có thể chính là cú “xóa sổ” mọi thành tựu nghệ thuật của cả một đời người.