GS. Kose John từ Trường Kinh doanh Stern (ĐH New York) nhấn mạnh Việt Nam cần rà soát lại quy định vốn, cơ chế lương thưởng và bảo hiểm tiền gửi để đảm bảo ổn định hệ thống và phòng ngừa rủi ro.
Theo ông, đây không phải là những chi tiết kỹ thuật đã được giải quyết, mà là các “vấn đề lớn còn bỏ ngỏ” – đòi hỏi một cách tiếp cận khoa học, toàn diện và có tầm nhìn dài hạn.
Những cảnh báo này được đưa ra trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc tế VSEFI 2025 với chủ đề “Khởi nghiệp, Tài chính và Đổi mới sáng tạo”. Sự kiện do AVSE Global phối hợp với Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, quy tụ các học giả đến từ nhiều tổ chức nghiên cứu uy tín như Đại học Curtin (Úc), Trường Kinh doanh EMLV (Pháp), Trung tâm Sáng tạo Doanh nghiệp Xã hội – HEC Montréal (Canada) và Đại học Paris-Saclay (Pháp).
Một trong những điểm nhấn quan trọng trong bài phát biểu của Giáo sư Kose John là câu chuyện về mức vốn tối ưu cho các ngân hàng – điều mà ông cho là đang bị hiểu sai ở nhiều nền kinh tế, trong đó có Việt Nam.
“Chúng ta thường nghe các quy định như ngân hàng phải có 10% hay 12% vốn tự có. Nhưng con số này có thực sự tối ưu hay chỉ là sự lựa chọn mang tính chính trị hoặc sao chép từ nơi khác?”, ông đặt câu hỏi.
Giáo sư John chỉ ra rằng, bản chất của quy định vốn là để kiểm soát nợ và ngăn người điều hành ngân hàng chấp nhận rủi ro quá mức vì động cơ lợi nhuận phi tuyến tính.
Tuy nhiên, việc xác định con số cụ thể cần dựa trên nghiên cứu khoa học, có tính đến đặc điểm nội tại của từng hệ thống ngân hàng – điều mà Việt Nam cần đầu tư nghiêm túc nếu muốn đảm bảo ổn định hệ thống một cách bền vững.
Không chỉ dừng ở vốn, Giáo sư John nhấn mạnh rằng vấn đề vốn không thể tách rời với thiết kế cơ chế lương thưởng của ban lãnh đạo ngân hàng.
“Sau khủng hoảng tài chính 2008, các nhà quản lý (ở Mỹ và phương Tây) cố gắng kiểm soát cấu trúc lương của lãnh đạo ngân hàng vì các gói thưởng có quá nhiều yếu tố ngắn hạn và tạo ra động lực sai lệch, dẫn đến hành vi rủi ro,” ông nói.
Theo Giáo sư John, điều làm cho bài toán quản trị ngân hàng khác biệt với tài chính doanh nghiệp là nó phải giải đồng thời hai vấn đề: vốn và lương CEO. Đây là một bài toán tối ưu kép (joint optimization) – cực kỳ phức tạp nhưng thiết yếu.
Nhưng tại nhiều quốc gia đang phát triển, bao gồm Việt Nam, vấn đề này vẫn chưa được nhìn nhận đúng tầm. Theo ông, một cơ chế lương thưởng thông minh phải vừa khuyến khích hiệu quả kinh doanh, vừa có ràng buộc để người điều hành không đánh đổi ổn định hệ thống lấy lợi nhuận cá nhân trong ngắn hạn.
Trong một phần trình bày được các học giả và nhà quản lý tài chính đặc biệt quan tâm, Giáo sư Kose John đề cập đến thiết kế hệ thống bảo hiểm tiền gửi – yếu tố tưởng như đã ổn định nhưng thực tế lại đang đối mặt với “lỗ hổng thế kỷ”.
Lấy ví dụ từ vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) năm 2023, ông chỉ ra rằng hơn 90% khoản tiền gửi tại SVB không được bảo hiểm, và chính điều này đã châm ngòi cho làn sóng rút tiền hàng loạt – gây sụp đổ hệ thống chỉ trong vài ngày.
“Câu hỏi đặt ra là chúng ta nên thiết kế bảo hiểm tiền gửi như thế nào để vừa bảo vệ người gửi tiền, vừa không khuyến khích ngân hàng lạm dụng hệ thống? Đây là câu hỏi cực kỳ khó – và có thể đáng giá một giải Nobel kinh tế,” ông ví von.
Với Việt Nam, ông khuyến nghị cần xem xét lại cơ chế định giá bảo hiểm tiền gửi, đồng thời tính đến việc mở rộng phạm vi bảo hiểm.
Một chủ đề tương đối mới được Giáo sư John đưa vào phiên thảo luận là mức độ kết nối giữa các ngân hàng trong hệ thống – điều ông gọi là “con dao hai lưỡi”.
Trong khi mạng lưới kết nối chặt chẽ có thể giúp phân tán rủi ro và tạo thanh khoản hiệu quả, thì khi sự kết nối vượt quá mức tối ưu, chỉ một sự cố nhỏ ở một ngân hàng cũng có thể lan nhanh khắp hệ thống – gây ra hiệu ứng domino.
Với Việt Nam, nơi hệ thống ngân hàng còn tập trung và ít tầng lớp, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu mức độ kết nối tối ưu, tránh rủi ro lan truyền nhưng vẫn đảm bảo lợi ích từ liên kết.
Khác với các doanh nghiệp thông thường, ngân hàng luôn đối mặt với bài toán “hàm mục tiêu kép” – vừa tối đa hóa giá trị cho cổ đông, vừa gắn với trách nhiệm xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô.
“Việc một ngân hàng phá sản không chỉ ảnh hưởng đến cổ đông của nó – mà còn đe dọa niềm tin của cả hệ thống, dẫn tới khủng hoảng niềm tin lan rộng,” ông nói.
Vì vậy, ông kêu gọi các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cần có khung quy định phù hợp để đảm bảo rằng các ngân hàng không chỉ hoạt động vì lợi nhuận ngắn hạn, mà phải phục vụ mục tiêu ổn định và phát triển bền vững cho toàn xã hội.