Bẫy “tín dụng đen” – Bài cuối: Chặt đứt “vòi bạch tuộc"

Diendandoanhnghiep.vn Tín dụng đen còn nhiều “đất sống” là bởi nhiều người khó tiếp cận được với nguồn tín dụng hợp pháp với nhiều điều kiện chặt chẽ; ngược lại tín dụng đen thủ tục thực hiện vô cùng đơn giản…

Những tờ quảng cáo cho vay tiền được dán nhan nhản trên các bức tường

Những tờ quảng cáo cho vay tiền được dán nhan nhản trên các bức tường. Ảnh: K.N

Như chúng tôi đã thông tin trong những bài viết trước, tội phạm về tín dụng đen đang là vấn đề nóng trong đời sống xã hội ở nước ta hiện nay. Mặc dù Bộ luật Hình sự đã quy định rất rõ về các hành vi phạm tội, chế tài xử lý đối với loại tội phạm này, đặc biệt ngày 25/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen; tuy nhiên, tình hình tội phạm liên quan đến tín dụng đen đang xảy ra rất tinh vi, thủ đoạn phức tạp kéo theo nhiều hệ lụy.

Tội phạm như những chiếc “vòi bạch tuộc”, len lỏi khắp mọi nơi, từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, xa, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Từ hộ dân "khát" vốn đến những học sinh bậc THCS, THPT, người buôn bán nhỏ, công nhân viên chức… đều là những "con mồi" béo bở của chúng. Hậu quả của vay tiền tín dụng đen là nhiều hộ dân phải khuynh gia bại sản vì lãi suất "cắt cổ".

Không ít gia đình ly tán, người thân bị khủng bố, con nợ bị đánh đập, hành hung, xâm hại đến nhân phẩm, danh dự, sức khỏe và tính mạng. An ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu dân cư bị đe dọa nghiêm trọng, gây ra nhiều bức xúc trong đời sống của nhân dân.

Đáng chú ý, hiện nay, bên cạnh những ứng dụng cho vay tiền chính thống, hoạt động công khai và minh bạch, thị trường cũng xuất hiện nhiều app cho vay tiền với lãi suất “cắt cổ” khiến người dân bức xúc. Các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” đã lập các doanh nghiệp núp bóng cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook) để tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền.

Theo các chuyên gia pháp lý, thủ đoạn của các đối tượng thông qua các lời mời chào hấp dẫn như không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng… nhưng thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái luật (thực chất là để lách số tiền lãi vượt ngưỡng theo quy định của pháp luật); lập các hợp đồng mua bán, giao nhận tiền, tài sản khống; ép người đi vay thực hiện khống các hành vi vi phạm pháp luật nhằm gây bất lợi về pháp lý cho người vay; một số hợp đồng vay tiền tuy số tiền vay nhỏ, thời gian vay ngắn nhưng lãi suất gấp nhiều lần định mức pháp luật cho phép.

Điều đáng nói, khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội… của người vay để liên hệ, quấy rối, thậm chí đe doạ, xúc phạm với những người có trong danh bạ (dù không liên quan đến khoản vay) hoặc dùng mạng xã hội để quấy rối, đăng tải hình ảnh người khác với mục đích bôi nhọ… để gây áp lực với người vay phải trả tiền.

Vì sao tín dụng đen vẫn có đất lộng hành? Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng nêu trên xuất phát từ một bộ phận người dân "khát" vốn nhưng không có tài sản thế chấp. Vì vậy, họ không đáp ứng được điều kiện vay vốn tại các kênh cung cấp tín dụng chính thức, buộc phải tìm đến đường dây tín dụng đen để vay tiền. Một bộ phận khác ngại khi phải mất thời gian thực hiện rất nhiều thủ tục hành chính vay vốn ở ngân hàng nhưng mức vay còn thấp so với giá trị thực tế của tài sản thế chấp.

Trong khi đó, với tín dụng đen, chỉ cần biết nơi ở, nơi làm việc, không cần tài sản thế chấp, không thủ tục rườm rà, chỉ cần căn cước công dân và gọi điện thoại là được vay tiền ngay. Bên cạnh người thiếu vốn, một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên, học sinh hư hỏng và dính vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc, cá độ, ma túy... phải tìm đến tín dụng đen. Ngoài ra, nhận thức của một bộ phận người dân về hành vi phạm tội của tín dụng đen còn mơ hồ nên dính bẫy mà “bọn cướp ngày” giăng ra.

>>Bẫy “tín dụng đen” – Bài 1: “Bạch tuộc” bủa vây khu công nghiệp

Ngoài bức tường, cột điện, các tờ quảng cáo cũng dán đầy trên cây

Ngoài bức tường, cột điện, các tờ quảng cáo cũng dán đầy trên cây. Ảnh: K.N

Xung quanh vấn đề này, luật sư Trần Hồng Tình, Trưởng đại diện văn phòng Luật Nguyễn Thanh Bình cho rằng, việc người dân tìm đến tín dụng đen hay cho vay tiêu dùng nhằm giải quyết công việc hay ổn định cuộc sống sau mùa dịch này là điều không hiếm. Với thủ tục đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện, việc vay tín dụng đen đã được nhiều người lựa chọn và xem đó là “cứu cánh” trong thời điểm khó khăn. Thế nhưng, khi làm thủ tục xong rồi mới phát sinh nhiều chi phí khác, lãi mẹ đẻ lãi con, khi chưa kịp trả thì bị đe dọa, chửi bới, gây ảnh hưởng đến tâm lý và đời sống sinh hoạt. Nói chung, hệ lụy do tín dụng đen để lại là rất lớn.

Cũng theo luật sư Tình, với tín dụng đen, trong bộ luật hình sự vẫn quy định về việc xét xử hình sự đối với người cho vay nặng lãi, đây là chế tài tương đối nặng. Tuy nhiên, việc thực thi còn gặp khó vì bản chất của việc vay hoặc cho vay liên quan đến cá nhân nhiều hơn, chỉ khi người vay sợ bị xã hội đen đòi nợ hoặc không thể trả được nợ thì mới báo cho cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, để phát hiện ra một đường dây tín dụng đen cũng không hề dễ vì tín dụng đen hoạt động không công khai, núp bóng, khiến cơ quan chức năng khó phát hiện và xử lý. 

“Để hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen, các tổ chức tín dụng hoặc các ngân hàng cần có nhiều gói vay linh hoạt hơn để hỗ trợ người dân, người có thu nhập thấp. Cùng với đó, các tổ chức tín dụng cần đa dạng hóa những loại hình tín dụng phục vụ đời sống, tiêu dùng cho người dân với thủ tục đơn giản, thuận tiện”, luật sư Trần Hồng Tình nói.

Tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 10/8 mới đây, trả lời chất vấn của nhiều đại biểu về vấn đề tội phạm “tín dụng đen”, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm khẳng định sẽ tiếp tục tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”; không được chủ quan, không trùng xuống; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp các cấp, ngành, toàn dân trong phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động này; tăng cường tuyên tuyền, nâng cao nhận thức, thường xuyên cảnh báo người dân về các phương thức, thủ đoạn hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi. Bộ Công an sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng để đẩy mạnh các biện pháp giúp người dân có thể tiếp cận với nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng của ngân hàng thuận lợi hơn.

“Một trong những biện pháp hết sức căn cơ hiện nay là sử dụng căn cước công dân để thực hiện cho vay, để ngân hàng thay thế vấn đề tín chấp, thế chấp tài sản bằng uy tín người vay. Các tổ chức tài chính, ngân hàng có thể xác định chính xác người vay và xuất tiền cho vay”, Bộ trưởng nói đồng thời cho biết trong thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm các loại tội phạm vi phạm pháp luật liên quan “tín dụng đen”, đặc biệt là các băng nhóm, tổ chức tội phạm.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Bẫy “tín dụng đen” – Bài cuối: Chặt đứt “vòi bạch tuộc" tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713446465 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713446465 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10