Bộ Xây dựng đang chỉ đạo hoàn thiện Đồ án Quy hoạch hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, ngành Trung ương, dự kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong năm 2022.
>>> Bộ Xây dựng nói gì về mối hoạ “rừng bê tông”?
Tại cuộc họp báo mới đây do UBND TP Hà Nội tổ chức, ông Phạm Quốc Tuyến - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng Thủ tướng đã có quyết định giao Bộ Xây dựng thực hiện việc di dời các cơ quan ra ngoài thành phố, nhưng đến nay chưa thực hiện được.
Trước thông tin trên, Bộ Xây dựng cho biết đã có văn bản nhiều lần đôn đốc các bộ, ngành trung ương và Hà Nội thực hiện nhiệm vụ được giao về việc di dời theo quy hoạch.
Theo Bộ Xây dựng, căn cứ Luật Thủ đô 2013, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 (Quyết định 30) về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành và UBND Thành phố Hà Nội.
Bộ Xây dựng được giao trách nhiệm lập danh mục, cụ thể hóa tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời các cơ quan, đơn vị (các bộ, ngành, cơ quan Trung ương), trình Thủ tướng phê duyệt; giám sát việc tổ chức thực hiện di dời theo quy hoạch.
Bộ Tài chính xây dựng cơ chế chính sách về tài chính để khuyến khích, khai thác quỹ đất có hiệu quả, đảm bảo theo tiến độ và lộ trình di dời của Thành phố Hà Nội và từng Bộ, ngành liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đề xuất phương án tài chính để đầu tư xây dựng trụ sở các Bộ, ngành tại địa điểm mới bảo đảm tính khả thi.
Có thể bạn quan tâm |
UBND Thành phố Hà Nội được giao tổ chức lập, phê duyệt các đồ án quy hoạch có liên quan làm căn cứ cho việc sử dụng các quỹ đất sau khi di dời và xác định bố trí quỹ đất và hạ tầng các cơ sở mới trước khi phải di dời; đề xuất phương án sử dụng quỹ đất sau khi di dời; đề xuất cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ khuyến khích thực hiện di dời, khai thác sử dụng quỹ đất tạo nguồn vốn tái đầu tư cho các cơ sở phải di dời.
Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Hà Nội đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 837/QĐ-TTg ngày 04/6/2014, phê duyệt Điều chỉnh tại Quyết định số 86/QĐ-TTg ngày 19/01/2017 và Quyết định số 658/QĐ-TTg ngày 19/5/2020.
Căn cứ vào nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã thực hiện rà soát 36 cơ quan Trung ương thuộc đối tượng quy hoạch (bao gồm 18 bộ, 4 cơ quan ngang Bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ, 6 cơ quan Trung ương các đoàn thể) để xây dựng các phương án quy hoạch cụ thể.
Đến nay, Bộ Xây dựng đã hoàn thành tổ chức Cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể Khu trụ sở làm việc các Bộ ngành Trung ương tại khu vực Tây Hồ Tây (Văn bản số 5089/VPCP-CN ngày 27/7/2021 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về kết quả Cuộc thi tuyển; Quyết định số 948/QĐ-BXD ngày 20/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng công bố kết quả Cuộc thi tuyển).
"Trên cơ sở kết quả thi tuyển, Bộ Xây dựng đang chỉ đạo hoàn thiện Đồ án Quy hoạch hệ thống trụ sở làm việc của các Bộ ngành Trung ương, dự kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong năm 2022, làm cơ sở triển khai các bước đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt" - Bộ Xây dựng nêu rõ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, chủ trương di dời trụ sở các Bộ, ngành, cơ quan T.Ư ra khỏi nội đô Hà Nội được thông qua tại Nghị quyết số 16/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Đến tháng 1/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội.
Thế nhưng chủ trương này vẫn trì trệ suốt nhiều năm qua. Đến nay mới có 9 bộ, ngành, cơ quan T.Ư hoàn thành việc đầu tư xây dựng và chuyển về làm việc tại trụ sở mới. Vẫn còn một số cơ quan tiếp tục sử dụng trụ sở cũ, chưa thực hiện việc bàn giao cho TP Hà Nội khai thác, sử dụng.
Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân của việc chậm trễ này chủ yếu là do công tác di dời và xây dựng cơ sở mới đòi hỏi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn nhưng chưa được bố trí; chưa có phương án huy động nguồn lực xây dựng, các quy hoạch ngành cũng chưa hoàn thành nên chưa có cơ sở xây dựng danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời các cơ sở ra khỏi khu vực nội đô...
TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam chỉ rõ, việc các bộ, ngành chậm di dời và giao lại đất cho Hà Nội quản lý, sử dụng là do đang vướng ở Luật Đất đai, bởi theo luật này quy định trụ sở bộ, ngành, cơ sở công nghiệp, trường đại học… được giao đất có thời hạn, trong thời hạn được giao đất thì họ có toàn quyền sử dụng, khai thác.
Vì vậy, nhiều đơn vị mặc dù đã được Hà Nội bố trí quỹ đất xây dựng trụ sở mới nhưng vẫn giữ trụ sở cũ vì còn thời hạn giao đất, đây được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến những trì trệ như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Sắp có cuộc đại di dời trụ sở các bộ ngành về Tây Hồ Tây
14:30, 01/10/2021
“Căn bệnh” lãng phí: Khi nhiều bộ ngành còn “trì trệ” di dời trụ sở
04:20, 03/08/2021
Di dời trụ sở các Bộ ngành: Nghịch cảnh "đến rồi đi" ở khu liên cơ Hà Nội
01:00, 22/05/2021
Rắc rối, tiêu cực khi di dời trụ sở 13 bộ, ngành ra khỏi nội đô?
10:32, 04/06/2019