Bộ GTVT vừa đề xuất với Thủ tướng phương án chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công đối với một số dự án cấp bách.
Chiều 12/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam và dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Báo cáo của Bộ GTVT cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19. Một trong những giải pháp quan trọng tại Chỉ thị là đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, Bộ GTVT đã nghiên cứu chuyển đổi hình thức đầu tư theo hình thức đối tác công tư sang đầu tư công đối với các dự án thành phần trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 cũng như kiến nghị một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư tại các dự án trên.
Theo đó, Bộ GTVT đã đề xuất phương án chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công đối với một số dự án cấp bách nhằm sử dụng hiệu quả tối đa nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm đưa công trình vào sử dụng, từ đó góp phần quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án, công trình hạ tầng GTVT lớn là đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động lớn từ dịch COVID-19. Trong đó, các dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc – Nam, tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ cần được khẩn trương tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện.
Thủ tướng nhất trí với phương án do Bộ Giao thông vận tải đề xuất, yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với các bộ liên quan có báo cáo chính thức về vấn đề này, trình cấp có thẩm quyền. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là phải bảo đảm tiến độ, thời gian, chất lượng.
Đối với dự án cầu Mỹ Thuận 2, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT thúc đẩy triển khai để sớm đưa vào sử dụng. Về dự án tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, Thủ tướng cho rằng, đây là tuyến rất quan trọng để kết nối với tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (dự kiến thông tuyến trong năm 2020, khánh thành vào năm 2021), do đó Nhà nước sẽ hỗ trợ dự án này một cách tốt nhất.
Trao đổi với DĐDN, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng: “đề xuất của Bộ GTVT về việc chuyển đổi từ hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công đối với dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận là một việc làm đạt cả hai mục tiêu. Bởi các lý do: chỉ có chuyển sang đầu tư công thì các thủ tục đầu tư mới nhanh chóng và dự án kịp hoàn thành đồng thời để đấu nối thông tuyến cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đến Cần Thơ, phát huy hiệu quả tối đa cho công trình. Thứ hai: việc chuyển đổi sang đầu tư công sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, kích thích tăng trưởng kinh tế”.
Có thể bạn quan tâm
13:21, 08/03/2020
11:13, 08/03/2020
00:02, 10/03/2020
Theo Quyết định số 2519/QĐ – BGTVT ngày 28/8/2017 của Bộ GTVT về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án, tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ dài 23,5 km, đi qua địa phận các huyện: Bình Tân, Long Hồ, Tam Bình; thị xã Bình Minh; Tp. Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) và huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp). Tổng mức đầu tư Dự án là 5.370 tỷ đồng, nhà nước hỗ trợ bằng quyền thu phí tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương từ tháng 9/2028; thời gian thu phí là 22 năm.
Bộ GTVT đã giao Ban Quản lý dự án Thăng Long (PMU Thăng Long) làm bên mời thầu và tổ chức triển khai sơ tuyển quốc tế lựa chọn nhà đầu tư.
Mới đây PMU Thăng Long đã đề nghị Bộ GTVT thẩm định và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư Dự án này xuống còn 4.919 tỷ đồng, (giảm 450 tỷ đồng so với phương án được Bộ GTVT phê duyệt năm 2017), trong đó các khoản điều chỉnh giảm mạnh nhất là lãi vay trong thời gian xây dựng (giảm 250 tỷ đồng); chi phí xây dựng (giảm 35 tỷ đồng); chi phí dự phòng (giảm 148 tỷ đồng).