Chính sách - Quy hoạch

Bộ TN&MT nói gì về bảng giá đất mới tại TP HCM?

Diệu Hoa 06/09/2024 04:00

Lãnh đạo Bộ TN&MT cho biết sẽ tổ chức một cuộc họp với nhiều bộ, ngành khác để đánh giá toàn diện về việc TP HCM xây dựng bảng giá đất mới.

Bản sao img_6085
Sẽ có cuộc họp liên ngành bàn về xây dựng bảng giá đất mới tại TP HCM.

Nội dung được thông tin tại Hội nghị phổ biến các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024.

Chia sẻ về nội dung liên quan đến việc TP HCM đang xây dựng bảng giá đất mới, ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất cho biết, hiện không chỉ TP HCM mà một số địa phương khác cũng tiến hành điều chỉnh bảng giá đất trên địa bàn.

Nguyên nhân được lãnh đạo Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất chỉ ra là do bảng giá đất được áp dụng hiện nay là đang thực hiện theo Luật Đất đai 2013, có yêu cầu là nằm trong khung giá đất của Chính phủ quy định, đồng thời cũng quy định khi có biến động thì phải điều chỉnh theo giá đất thị trường với biên độ 20%, trong thời hạn 6 tháng. Theo yêu cầu này thì các địa phương phải điều chỉnh theo.

Theo ông Chính, về nguyên tắc các địa phương áp dụng bảng giá đất nếu chưa phù hợp thì phải điều chỉnh để cho phù hợp với các mục tiêu quản lý đất đai của Nhà nước trên địa bàn. Đồng thời, việc điều chỉnh phải đảm bảo hài hoà giữa thu tiền sử dụng đất, tiền thuế đất với việc Nhà nước bồi thường cho các đối tượng sử dụng đất khi nhà nước thu hồi đất để phục vụ các nhiệm vụ chung theo quy định.

Thông tin thêm về nội dung này, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cũng cho hay Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng để hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình điều chỉnh bảng giá đất của TP HCM và sẽ có cuộc họp liên ngành, sau đó sẽ cùng nhau thảo luận đưa ra phương án tối ưu, trên cơ sở đánh giá một cách toàn diện, tổng quát về quá trình ban hành bảng giá đất của TP HCM trong thời gian vừa qua.

7-3.jpeg
Cách xác định giá đất tại địa phương vẫn còn nhiều bất cập.

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, dự thảo bảng giá đất điều chỉnh tại TP HCM được công bố ngày 29/7/2024 với giá đất tăng nhiều lần vẫn đang là nội dung nóng được quan tâm.

Trong nhận định mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng việc gọi là phương án 4 có thể chưa thật chính xác, bởi lẽ phương án 4 thực chất là nội dung khoản 1 điều 257 luật Đất đai 2024 đã quy định: trường hợp cần thiết UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của luật này cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương, mà TP HCM thuộc trường hợp cần thiết ban hành bảng giá đất điều chỉnh bởi 4 nguyên nhân.

Một là, TP HCM có 570 tuyến đường (mới) chưa có trong bảng giá đất.

Hai là, tất cả các mức giá đất trong bảng giá đất theo Quyết định số 02/2020 đều rất thấp, chỉ bằng khoảng 30% giá thị trường.

Ba là, phải cập nhật vào bảng giá đất các mức giá đất mà thành phố đã bồi thường thực tế khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư công như dự án đường Vành đai 3, dự án Rạch Xuyên Tâm… đã áp dụng các hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K).

Bốn là, luật Đất đai 2024 không còn quy định hệ số K hàng năm và hệ số K khi Nhà nước thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng như quy định trước đây của luật Đất đai 2013 và Nghị định 44/2014.

Theo HoREA, TP HCM phải ban hành bảng giá đất điều chỉnh theo trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định 71/2024 để phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.

HoREA đề xuất dùng phương thức tính bảng giá đất điều chỉnh bằng cách lấy giá bồi thường thực tế tại các tuyến đường đã được UBND TP phê duyệt làm chuẩn và áp dụng phương pháp so sánh để xác định giá đất của các tuyến đường lân cận trong cùng khu vực, hoặc giữa các khu vực trên địa bàn từng quận, huyện, TP Thủ Đức.

Còn theo bà Đỗ Thị Thu Giang, Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Savills TP HCM, các phương pháp được áp dụng để xác định giá đất vẫn chưa đồng bộ và còn đơn giản. Tại một số khu vực có giá trị cao, phương pháp xây dựng bảng giá đất dường như chỉ là nhân hệ số cố định cho tất cả các tuyến đường.

Ví dụ, tại Quận 1, hệ số nhân 5.0 được áp dụng đồng loạt cho tất cả các vị trí và tuyến đường. Kết quả là, đường Đồng Khởi được đề xuất với giá 810 triệu đồng/m2 (so với 162 triệu đồng/m2 hiện tại), và đường Hai Bà Trưng (đoạn từ Bến Bạch Đằng đến Nguyễn Thị Minh Khai) là 484 triệu đồng/m2 (so với 96,8 triệu đồng/m2 hiện tại). Tương tự, Quận 4 có hệ số nhân 11.3 và Quận 5 là 5.58.

“Cách tiếp cận này thực chất không khác gì việc áp dụng bảng giá cũ và nhân với hệ số K, do đó chưa thực sự phản ánh giá trị thị trường của từng tuyến đường như tinh thần của Luật Đất đai”, bà Giang nói.

Theo chuyên gia Savills, mặc dù việc cập nhật bảng giá đất để phản ánh giá trị thị trường là một bước tiến quan trọng, nhưng bản đề xuất hiện tại cần được hoàn thiện thêm. Phương pháp cần có sự tinh chỉnh, cụ thể hơn cho từng khu vực thay vì chỉ áp dụng các hệ số chung. Việc chuyển đổi dần dần, minh bạch và đảm bảo lợi ích của tất cả các bên liên quan là yếu tố thiết yếu để đảm bảo thành công lâu dài của hệ thống mới này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bộ TN&MT nói gì về bảng giá đất mới tại TP HCM?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO