Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu với điểm nhấn là công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo đang mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Hải Dương vươn tầm.
Từ tăng tốc cho doanh nghiệp công nghệ cao
Theo Sở Công Thương, hiện nay Hải Dương có hơn 60 doanh nghiệp công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, công nghệ cao, tăng 35 doanh nghiệp so với năm 2020.
Trong đó có 1 doanh nghiệp công nghệ cao được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận là Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam. Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam chuyên sản xuất linh kiện điện tử thông minh của ô tô. Đây là doanh nghiệp Hàn Quốc, có tổng nguồn vốn FDI 400 triệu USD, dẫn đầu tại tỉnh Hải Dương.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, khi có thêm nhiều cụm công nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương hoàn thiện hạ tầng sẽ thu hút thêm nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt, mới đây khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng (Hải Dương) đã thu hút 25 nhà đầu tư thứ cấp, tỷ lệ lấp đầy gần 90%. Đây là khu công nghiệp thu hút dự án có hàm lượng công nghệ cao, sạch. Do đó mục tiêu năm 2025, toàn tỉnh có 100 doanh nghiệp công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, công nghệ cao có thể đạt được.
Hiện nay, ngành công nghiệp công nghệ cao vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp của Hải Dương (năm 2020 chiếm khoảng 2%). Giá trị sản xuất của ngành công nghiệp công nghệ cao ước thực hiện từ 2021-2024 đạt trung bình khoảng 13.150 tỷ đồng/năm. Theo ước tính, đến năm 2025, tỷ trọng ngành công nghiệp công nghệ cao đóng góp 3% vào tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp của toàn tỉnh.
Theo Cục Thống kê tỉnh Hải Dương, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tháng 11 tăng 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 11 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước.
Một số ngành có tỷ trọng lớn, sản lượng sản xuất tăng cao, tác động nhiều đến chỉ số chung của toàn ngành như ngành sản xuất xe có động cơ (chủ yếu là sản xuất bộ phận phụ trợ) tăng 13,1%, tác động làm chỉ số chung tăng 3 điểm%. Riêng sản phẩm xe có động cơ, sau những tháng đầu năm sản lượng giảm sâu thì từ quý III, sản lượng xe lắp ráp đã phục hồi trở lại. Ngành sản xuất các sản phẩm điện tử tăng 12,4%, tác động làm chỉ số chung tăng 2,8 điểm%.
Ngành sản xuất thiết bị điện tăng 42,6%, làm chỉ số chung tăng 1,4 điểm%. Trong đó sản phẩm máy phát điện tăng 127,2%. Xu hướng phát triển công nghệ trong thời đại kỷ nguyên số đã làm nhu cầu về các thiết bị điện, điện tử gia tăng trên toàn cầu dẫn tới đơn hàng xuất khẩu của ngành sản xuất thiết bị điện, điện tử tăng lên.
Nhóm ngành dệt, may mặc lần lượt tăng 23,3% và 13,2%, tác động làm chỉ số chung tăng 1,1 điểm%. Ngoài yếu tố thị trường quốc tế phục hồi thì việc một số doanh nghiệp mở rộng nhà xưởng, đưa công nghệ vào sản xuất như dự án Tinh Lợi 3, Công ty TNHH Best Pacific, Công ty TNHH Quốc tế Ngân Tường cũng góp phần tăng sản lượng của ngành.
...đến tăng tốc doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ
Theo Sở Công Thương, hiện nay trên địa bàn Hải Dương hiện có hơn 300 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong khi đó, theo mục tiêu Đề án “Phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, Hải Dương phấn đấu có 240 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ vào năm 2025.
Trong số hơn 300 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có 75 doanh nghiệp cơ khí chế tạo, 80 doanh nghiệp điện-điện tử. Trong đó, có 78 doanh nghiệp nhựa, cao su, hóa chất. 55 doanh nghiệp dệt may-da giày...
Trong giai đoạn 2021-2024, tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo, tích cực hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp nội địa chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao tỷ lệ tự động hóa trong hoạt động sản xuất, gia tăng hàm lượng công nghệ trong sản phẩm thông qua chuyển giao công nghệ. Qua đó đáp ứng nhu cầu gia công của các doanh nghiệp FDI trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua cung ứng nguyên vật liệu, khuôn mẫu, vật liệu và linh kiện sản xuất.
Công nghiệp hỗ trợ giai đoạn tiếp theo của Hải Dương là hướng tới hình thành liên kết chiến lược giữa các ngành cơ khí chế tạo, điện, điện tử, hóa chất, hóa dược, phục vụ mục tiêu sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như thiết bị cảm biến, chip điện tử, vi mạch, ô tô điện với tỷ lệ nội địa hóa từ 60-70%.
Giai đoạn 2021-2025, giá trị sản xuất ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh ước đạt trung bình 78.900 tỷ đồng/năm, chiếm 18% tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Trong đó chủ yếu là các hoạt động sản xuất phụ trợ cho ngành cơ khí, luyện kim chiếm 41%. Ngành điện, điện tử chiếm 19,9%, còn lại là dệt may, da giày và các ngành khác.
Theo tỉnh Hải Dương: Để Tiếp tục thúc đẩy, khuyến khích khu vực tư nhân, doanh nghiệp đầu tư cho ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, tỉnh Hải Dương cũng sẽ chú trọng hỗ trợ phát triển nhân lực công nghệ, nhất là ở khu vực doanh nghiệp, để đủ khả năng tiếp thu, làm chủ, phát triển công nghệ tiên tiến. Đặc biệt là công nghệ nguồn, công nghệ cao, công nghệ nền tảng, công nghệ lõi. Mục tiêu sẽ trở thành điểm đến, để các doanh nghiệp công nghệ Hải Dương vươn tầm.